Sau những thiệt hại từ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, những ngày này, người chăn nuôi lại thêm một phen lao đao vì giá bán sản phẩm giảm sâu, thậm chí xuống dưới mức giá thành. Tại khu vực Ðông Nam Bộ, giá gà công nghiệp có thời điểm đã giảm chạm “đáy”, còn 13 nghìn đồng/kg, tức chỉ bằng 50% giá thành sản xuất; giá thịt lợn hơi bán tại trại cũng chỉ từ 38 - 39 nghìn đồng/kg. Sản phẩm làm ra bán không đủ bù chi, thua lỗ kéo dài khiến không chỉ các hộ chăn nuôi “treo” chuồng mà nhiều trang trại chăn nuôi với quy mô lớn cũng buộc phải giảm đàn. Trong khi đó, giá thành 1 kg thịt lợn đến người tiêu dùng vẫn neo ở mức cao từ mức 90.000 – 120.000/kg tùy loại. Còn trên những cánh đồng rau, tình cảnh cũng bi đát không kém. Trên nhiều cánh đồng rau ở xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội, người ta chứng kiến cảnh su hào, cải bắp nằm la liệt, nông dân không muốn thu hoạch. Lý do là bởi, giá rau đã xuống quá thấp. Thực tế này đã diễn ra như chuyện “cơm bữa”, song lâu nay vẫn không có một giải pháp nào thực sự hữu hiệu để người nông dân thoát khỏi thực trạng này. Họ vẫn phải sống trong cảnh “được mùa thì lo, mất mùa thì đói” chứ không mơ đến chuyện họ có thể làm giàu từ con lợn, con gà, cây rau, cây lúa. Đây là một thiệt thòi của người nông dân khi mà công sức họ bỏ ra hoàn toàn tỷ lệ nghịch với những gì họ thu được. Bởi trên thực tế, những sản phẩm nông nghiệp khi đến tay người tiêu dùng lại có giá rất cao. Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng thị trường phân phối hàng nông sản tại Việt Nam đã thể hiện sự méo mó từ rất lâu nhưng hầu như không có cách nào kiểm soát. Cách buôn bán kiểu mua đứt bán đoạn cho thương lái, không niêm yết giá... đã khiến cả người làm ra sản phẩm lẫn người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Hiện tại, nhiều nông dân đang phải bán sản phẩm của họ làm ra với giá thấp hơn giá thành nhưng người tiêu dùng vẫn phải móc túi trả tiền giá cao cho từng bó rau, con cá hay miếng thịt. Một lãnh đạo của Bộ NN&PTNT thừa nhận, do hệ thống phân phối không hợp lý nên có tình trạng một số mặt hàng nông sản từ vườn ra chợ tăng giá tới 100% là điều bất thường.
Hiện nay có tình trạng vô lý, ai cũng nhìn thấy là: nông sản, thực phẩm của nhà nông không phải không có nơi tiêu thụ mà vấn đề là tổ chức hệ thống thu mua, phân phối lưu thông thị trường chưa được xâu chuỗi phù hợp. Hiện nay, người nông dân thường phải bán sản phẩm mình làm ra với giá rất rẻ mạt, qua rất nhiều tầng nấc trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Những chi phí không đáng có và bị “hút” vào khâu trung chuyển nhiều đang khiến sản phẩm của nhà nông thiếu sức cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng trên thị trường. Giá bán tại ruộng, vườn thường rất thấp, song khi đến tay người tiêu dùng lại bị đội lên gấp nhiều lần, mà phần lợi nhuận ấy lại rơi vào túi các tầng nấc trung gian, chứ không phải người trực tiếp sản xuất.
Cần lắm sự vào cuộc của các nhà hoạch định chính sách để có được những quy định, chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường nông sản và theo đó củng cố, hệ thống lại mạng lưới thu mua phân phối thị trường một cách hợp lý để cái lợi thuộc về người sản xuất và người tiêu dùng.
Minh Tuyết