"Nhìn thấy cá chết hàng loạt, chúng tôi chỉ biết chảy nước mắt…"
Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, từ cuối tháng 3/2024, tại khu vực nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc địa phận xã Tiền Tiến (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) xảy ra hiện tượng cá chết nhiều. Liên tiếp những ngày sau đó, lượng cá chết càng tăng khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng, lo lắng không biết nguyên nhân cá chết vì đâu.
Có mặt tại khu vực nuôi cá lồng của các hộ dân xã Tiền Tiến, PV chứng kiến khung cảnh tiêu điều, buồn ảm đạm. Nhiều gia đình đã tạm thời di chuyển lồng cá đến địa điểm khác, còn một số hộ đang vớt cá chết ở lồng nhà mình chuyển lên phía trên bờ để bán cho người thu mua.
Theo quan sát của PV, trong các lồng nuôi hầu như không còn cá và xung quanh khu vực này nồng nặc mùi cá chết.
Đang vớt cá chết trong lồng nuôi, chị Nguyễn Thị Hạnh (trú tại thôn Du Tái, xã Tiền Tiến) kể, khu vực nuôi cá lồng này có 50 lồng cá của 5 hộ gia đình. Từ cuối tháng 3/2024, cá nuôi trong lồng bắt đầu có hiện tượng chết rải rác nhưng số lượng không nhiều. Tuy nhiên, sau đó cá của 5 hộ chết nổi trắng các lồng khiến ai cũng bất ngờ, đau xót.
"Cá nuôi lồng nhà tôi chủ yếu là cá chép, cá trắm, cá diêu hồng và hiện đang vào độ thu hoạch. Ngày nào cũng phải vớt cá chết, xót lắm nhưng không còn cách nào. Trong khi gia đình nào cũng đầu tư vào đây số tiền lớn mà bây giờ cá chết gần hết thế này", chị Hạnh tâm sự.
Gia đình chị Hạnh nuôi cá lồng được vài năm nay, năm nào cũng có hiện tượng cá chết rải rác nhưng chỉ chết theo từng loại cá. Tuy nhiên, năm nay toàn bộ cá nuôi nuôi lồng của gia đình chết hàng loạt. Khi thấy cá chết, gia đình chị Hạnh có bán được một ít nhưng giá thành rê quá. Riêng chỗ cá chết trong lồng được gia đình vớt đóng vào bao đưa lên trên bờ để bán cho những người thu mua.
"Hiện tại chưa tính công nuôi thì mỗi gia đình chúng tôi thiệt hại vài tỉ đồng. Trong khi tiền đầu tư mua giống cá, thức ăn đều vay ngân hàng, vay người thân mà đến lúc cho thu hoạch thì bất ngờ cá chết hết. Nhìn thấy cá chết, chúng tôi chỉ biết chảy nước mắt thôi…", chị Hạnh nghẹn ngào.
Ngồi thẫn thờ bên khu bè cá lồng của con trai, ông Đoàn Duy Hùng (trú tại thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến) như chết lặng khi toàn bộ cơ nghiệp mất trắng chỉ sau vài ngày.
Ông Hùng kể, khoảng 10 năm trước, con trai ông nuôi cá lồng ở khu vực sông Thái Bình và thỉnh thoảng ông có ra trông nom giúp. Trong quá trình nuôi, cá lồng của gia đình có chết nhưng mỗi lồng chỉ chết vài con. Riêng năm nay thì các loại cá nuôi lồng đều chết hết. Hiện tại, 14 lồng cá của con trai đều không còn con nào. Dự tính đầu tháng 5/2024, gia đình sẽ bắt đầu bán đợt cá đầu tiên. Khi phát hiện cá chết nhiều, gia đình bán tháo với giá thành rẻ để mong vớt vát được ít vốn nhưng không được bao nhiêu.
"Hơn 10 ngày trước, tôi thấy cá trong lồng nhao lên sau đó chết chìm dưới nước. Lúc đầu gia đình nghĩ do thiếu oxy, nhưng sau đó không phải. Nuôi cá lồng bao năm, nhưng chỉ một lần như này là chúng tôi trắng tay; chưa kể mang một khoản nợ lớn chưa biết khi nào có cơ hội trả hết", ông Hùng nói giọng cay đắng.
Theo thống kê của UBND xã Tiền Tiến, tổng số hộ nuôi cá lồng bị chết là 24 hộ, trong đó có 6 hộ thiệt hại từ 9-60 tấn cá, ước tính có giá trị hàng chục tỉ đồng. Riêng đối với phường Nam Đồng, có 86 hộ nuôi cá lồng, với tổng khối lượng cá chết khoảng 360 tấn…
Đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ nuôi cá lồng
Ngày 9/4, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo về việc khắc phục tình trạng cá nuôi lồng chết. Trong đó, yêu cầu Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Hải Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu, xem xét có cơ chế ưu đãi cho vay vốn để khôi phục sản xuất đối với các hộ có cá nuôi lồng bị chết.
Thống kê sơ bộ đến ngày 10/4, các hộ nuôi cá lồng có vay vốn tại một số ngân hàng ở Hải Dương bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng do cá bị chết.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị liên quan để xác định số liệu thiệt hại của từng hộ nuôi cá lồng. Từ đó, đối chiếu với hồ sơ tín dụng để xác định thiệt hại của các hộ có vay vốn ngân hàng, xem xét, đề xuất, triển khai biện pháp hỗ trợ cần thiết, phù hợp theo quy định.
Liên quan đến vấn đề trên, UBND tỉnh Hải Dương mới đây cũng ban hành văn bản về việc phòng, chống, khắc phục tình trạng cá nuôi lồng chết. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước; phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất, hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý tiêu hủy, kinh phí xác định nguyên nhân cá chết.
Các tổ chức khai thác công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trong phạm vi quản lý. UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường xác định nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước; rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn…
Theo Sở NN&PTNT Hải Dương, đến thời điểm này, tình trạng cá chết đã giảm, chỉ còn chết rải rác không đáng kể và đến hết ngày 9/4, lượng cá chết ước khoảng 954,8 tấn, xảy ra ở 3 tuyến sông gồm: Thái Bình, Kinh Thầy, Luộc.
Qua kiểm tra phân tích yếu tố dịch tễ, mổ khám, kết quả xét nghiệm, kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, bước đầu có thể nhận định cá nuôi lồng bị chết không do yếu tố dịch bệnh, mà do thiếu oxy…
Xem video khu vực nuôi cá lồng ở Hải Dương bất ngờ chết hàng loạt:
Nông dân Hải Dương mất trắng cơ nghiệp vì cá nuôi lồng chết hàng loạt.