Nông dân có thể góp cổ phần bằng đất?

18-04-2013 12:13 | Xã hội
google news

Luật đất đai năm 2003 đã góp phần rất quan trọng trong việc quản lý nhà nước về đất đai, tạo ra khung pháp lý cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ về lĩnh vực đất đai...

Luật đất đai năm 2003 đã góp phần rất quan trọng trong việc quản lý nhà nước về đất đai, tạo ra khung pháp lý cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ về lĩnh vực đất đai... Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai cũng đã phát sinh những hạn chế, bất cập như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa hợp lý; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất còn chưa phù hợp; giá đất chưa phù hợp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế... Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật cũng như giải quyết những bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành luật thì việc khẩn trương sửa đổi Luật đất đai hiện hành là cần thiết, cấp bách. Dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi xin tham gia ý kiến về việc cần quy định để nông dân đóng góp cổ phần bằng đất - mảnh đất là nguồn sống mà họ đã gắn bó, canh tác, sản xuất trước khi thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền, nhất là khi nhà nước thu hồi đất để phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.
Nông dân có thể góp cổ phần bằng đất? 1
 Người bị thu hồi đất nông nghiệp thường gặp khó khăn trong tìm việc làm. Nguồn internet.

Hiện nay, việc thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp đang diễn ra theo hình thức “mua đứt, bán đoạn”, nghĩa là sau khi có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư hoặc nhà nước chỉ cần bồi thường cho người dân một khoản tiền theo giá đất là xong. Khi bị thu hồi đất, người nông dân có một khoản tiền nhất định, tuy nhiên lại mất đi tư liệu sản xuất để đảm bảo cuộc sống lâu dài và kế sinh nhai cho bản thân và gia đình. Bất đắc dĩ, nhận được khoản tiền bồi thường không biết làm gì, đầu tư vào đâu, để lâu ngày dần sẽ tiêu hết. Thậm chí, nhiều người sẵn có tiền nhưng không có việc làm, sinh ra “nhàn cư, vi bất thiện” nào là tệ nạn bài bạc, rượu chè, ăn chơi đua đòi, mua sắm và đa số họ cuối cùng đều rơi vào cảnh khó khăn, bần cùng phải rời bỏ quê hương, cầu thực. Do đó, khi bị thu hồi đất, người dân, nhất là nông dân không muốn, không hào ứng về số tiền bồi thường, thậm chí có trường hợp chống đối quyết liệt đến cùng và việc giải quyết bài toán hậu thu hồi đất cứ vòng vo, luẩn quẩn không có hồi kết tốt đẹp.

Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên đứng ra gửi tiết kiệm hộ người dân tiền thu hồi đất. Song, cách này không khả thi, vì người dân vẫn không được tự quyết định vốn (đất) của mình và cũng rất khó nhận được sự đồng tình của người dân. Bởi vì, việc gửi tiết kiệm rủi ro cao, lợi nhuận ít, trong khi nhu cầu cuộc sống rất cấp thiết, nhất là vấn đề về việc làm, nơi ở, sinh hoạt...

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài tiền bồi thường đất, cần phải để người nông dân được góp cổ phần bằng chính phần đất của mình, từ đó họ như một cổ đông của doanh nghiệp, tạo kế sinh nhai lâu dài cho họ. Cách làm này đã được áp dụng ở nhiều nơi như ở Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa); góp vốn bằng đất để trồng cao su, cà phê ở một số địa phương ở Tây Nguyên... Cách làm này bước đầu đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận và vượt xa sự mong đợi của chính người dân và doanh nghiệp. Có thể bổ sung quy định vào Dự thảo Luật đất đai về quyền của người dân được góp cổ phần bằng đất khi nhà nước, doanh nghiệp triển khai các dự án, khu công nghiệp, vui chơi giải trí... Theo đó, người dân có quyền tham gia góp cổ phần bằng đất tương ứng với % tổng vốn đầu tư tại các dự án phát triển kinh tế - xã hội đó.

Khi được góp vốn bằng đất, vấn đề khó khăn, nan giải hậu thu hồi đất mà ở đâu cũng gặp phải là việc làm cho nông dân cơ bản được giải quyết, có thể cải thiện, nâng cao đời sống cho họ. Đồng thời, khi người nông dân có cổ phần ở các dự án phát triển kinh tế - xã hội,  doanh nghiệp, thì nhất định họ sẽ có trách nhiệm, gắn bó sống chết với dự án, doanh nghiệp. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, thúc đẩy toàn diện việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với vấn đề an sinh của người dân và trật tự an toàn xã hội. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét một cách nghiêm túc việc bổ sung quy định về góp cổ phần bằng đất của nông dân vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sắp tới. 

Vĩnh Linh


Ý kiến của bạn