Các suất diễn đều chật kín khán giả khi Cuộc chiến COVID qua sự thể hiện của các nghệ sĩ của Sân khấu Lệ Ngọc, đã tái hiện một cách chân thực về công cuộc chống dịch của Việt Nam.
Đúng như tên gọi, trên sàn diễn Cuộc chiến COVID cho thấy có những người lãnh đạo sát sao trong công tác phòng dịch, đưa ra chỉ thị quyết liệt và đúng đắn để khoanh vùng, chặn đứng nguy cơ lây lan, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Vở kịch của đạo diễn NSND Lê Hùng cũng tái hiện hình ảnh đội ngũ y bác sĩ quên ăn quên ngủ, cắt cả mái tóc dài, hy sinh hạnh phúc riêng vì bệnh nhân, xung phong lên tuyến đầu chống dịch mà không ngần ngại trước khả năng chính mình bị lây nhiễm.
Cảnh trong vở kịch Cuộc chiến COVID.
Cuộc chiến COVID còn ca ngợi những chiến sĩ công an trắng đêm canh gác, hỗ trợ ngành y trong công cuộc truy vết, cách ly các ca bệnh. Đặc biệt, vở kịch này đã lan tỏa tinh thần nhân văn khi đem tới cảnh những người dân với lòng nhiệt thành và trắc ẩn đã hỗ trợ, ủng hộ hết mình, từ hiện vật, tới những cây ATM gạo, những siêu thị 0 đồng ấm áp tình người… chia sẻ khó khăn với những người yếu thế trong những ngày cao điểm phòng chống COVID-19. Ngoài ra, Cuộc chiến COVID là tiếng nói đanh thép lên án những kẻ lợi dụng khốn khó để trục lợi, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận... và phải trả giá cho hành động sai trái của mình.
Với sự đầu tư bài bản và dàn dựng sân khấu hoành tráng, kịch bản sâu sắc, lớp lang, nhiều tình tiết thắt nút, Cuộc chiến COVID mang tới những cảm xúc khó quên cho khán giả. Đáng chú ý, vở kịch tạo ấn tượng bởi diễn xuất của dàn diễn viên đi cùng công nghệ màn LED, 3D mang tới hiệu ứng âm thanh, ánh sáng mới lạ. Khán giả đã rùng mình trước cảnh tượng đại dịch tràn qua, nín thở hồi hộp khi các bác sĩ giành giật mạng sống bệnh nhân ở ranh giới sinh tử. Nhiều khán giả đánh giá, Cuộc chiến COVID là lời nhắc chúng ta rằng dù cuộc chiến chống dịch vẫn còn dài, nhưng chỉ cần có niềm tin, có sự đồng lòng, đoàn kết và tình thương giữa người với người thì chắc chắn sẽ chiến thắng.
Theo đánh giá của ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL), Cuộc chiến COVID là tác phẩm sân khấu đặc biệt và có chất lượng. “Tôi rất bất ngờ được xem một vở diễn trực tiếp nói về đại dịch COVID-19. Tôi cho rằng, tuyên truyền bằng văn hóa nghệ thuật là một hình thức tuyên truyền rất tốt. Thông qua vở diễn, sẽ giúp người dân thêm tự hào và củng cố thêm lòng tin vào thành công của Việt Nam”, ông Trần Hướng Dương cho biết.
Trước đó, vở kịch Người trong mắt bão (kịch bản Trần Tuấn Tiến, đạo diễn Trần Thị Hoàng Mai) của các nghệ sĩ Đoàn kịch nói Hải Phòng biểu diễn cũng được khán giả yêu mến. Tác phẩm sân khấu này thể hiện lời tri ân sâu sắc tới những “chiến binh” trong tuyến đầu phòng, chống dịch, sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần, tình người trong cuộc chiến với dịch bệnh.Trong vở Người trong mắt bão, hình ảnh của các chiến sĩ trong tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh được khắc họa chân thật.
Có thể kể đến hình ảnh của bác sĩ Huyền dù đã mang thai đến ngày sinh nở vẫn hăng hái tham gia công tác tại khu cách ly, làm việc vất vả, là hình ảnh đồng chí công an dù khi cha mất vẫn xin ở lại trực tại khu cách ly, anh bộ đội miệt mài tại nơi tuyến đầu, các cụ cao niên đến tận nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đóng góp lương hưu, gạo, trứng vào quỹ phòng, chống dịch... Cùng với đó, Người trong mắt bão đã khéo léo phê phán những người lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán khẩu trang không đạt chuẩn, đội giá nhiều lần hoặc một số người dân còn thiếu ý thức khi đăng tin tức giả mạo trên mạng xã hội để bán hàng online, người không chấp hành đeo khẩu trang…
Các tác phẩm sân khấu kể trên đã truyền tải những câu chuyện thời sự, nóng bỏng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 ở nước ta. Thông điệp của các vở diễn được truyền tải một cách mềm mại, đời thường, nêu bật lên tinh thần người Việt Nam lá lành đùm lá rách trong những lúc hoạn nạn. Đó còn là sự tôn vinh và biết ơn các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua.