Nóng bỏng Gió làng Kình

16-11-2008 07:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì chính một phần từ sự tự ái nghề nghiệp mà ông và các đồng nghiệp đã quyết định dấn thân vào đề tài nông thôn thời đổi mới. Tại sao lại cứ phải né tránh, phải núp bóng bao cấp để nói về quá khứ, để đổ lỗi cho cơ chế?

Nói như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thì chính một phần từ sự tự ái nghề nghiệp mà ông và các đồng nghiệp đã quyết định dấn thân vào đề tài nông thôn thời đổi mới. Tại sao lại cứ phải né tránh, phải núp bóng bao cấp để nói về quá khứ, để đổ lỗi cho cơ chế? Nông thôn hôm nay có quá nhiều vấn đề để nói, nhưng như thế cũng có nghĩa là các ông sẽ phải đụng đầu với... kiểm duyệt.

Còn nhớ năm 2007, bộ phim Ma làng của ông làm 19 tập từng gây xôn xao dư luận, phim phản ánh thực trạng nông thôn thời bao cấp ở một làng quê với sự lũng đoạn của một hệ thống cán bộ xã, nhưng mới chiếu đến tập 14 đã phải dừng phát sóng vì lý do... không có lợi.

Cảnh trong phim Gió làng Kình.
 
Lần này với 25 tập Gió làng Kình (tên ban đầu là Những trận gió người) đi trực diện vào những vấn đề nông thôn thời đổi mới với những xáo động về quyền lợi kinh tế, đất đai, những tệ nạn xã hội và cả sự tác oai tác quái của những kẻ nắm quyền. Được hỏi: các ông có lường trước được sự cố như Ma làng? Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giọng buồn buồn nhưng đầy tâm huyết: Khi làm, chúng tôi đều phải tính đến chuyện được duyệt. Chúng tôi làm về cái xấu nhưng với tinh thần xây dựng, làm với “trái tim cộng sản”.

Bắt đầu từ ngày 17/11/2008, vào lúc 20 giờ 10 phút từ thứ 2 đến thứ 6 trên sóng VTV1, khán giả sẽ được xem bộ phim Gió làng Kình. Theo đạo diễn, Gió làng Kình sẽ mở đầu cho series phim về các vấn đề của nông thôn đổi mới, vì thế cái cấp chính quyền mà các ông đề cập tới trong phim này bắt đầu từ cấp thấp nhất ở làng quê: cấp thôn. Đây là câu chuyện về sự khuynh đảo của ông trưởng thôn ở làng Kình – một làng nông thôn điển hình của Việt Nam. Ông bảo đây không phải là Ma làng 2 như có người từng nghĩ, nếu có thì Ma làng 2 sẽ là chuyện của 10 năm sau so với bối cảnh của bộ phim trước, nhưng chắc chắn sẽ không còn là nông thôn của thời quá khứ nữa.

Câu chuyện trong Gió làng Kình bắt đầu từ nhiệm kỳ mới của ông trưởng thôn tên Khuyếnh. Với thủ đoạn mị dân, dùng chiêu bài góp quỹ đất bán đi để chia cho dân, để xây dựng đường xá, đền miếu... hắn đã được những người dân cả tin, đang hoang mang trước sự xáo trộn của thời kinh tế thị trường bầu làm trưởng thôn dù rằng trước đây vốn là một phó chủ nhiệm hợp tác xã bị mất chức vì tham ô. Xuất thân từ một gia đình tử tế, có học thức, nhưng sự đểu giả ở một kẻ có học thì càng gian ác và hiểm độc. Là người con của dòng họ Phạm, có ông trưởng họ là Bí thư chi bộ thôn, nhưng Khuyếnh chống đối ngay cả dòng họ mình và dân làng mình. Tập hợp trong tay một êkíp có cả những cán bộ trước đây từng bị kỷ luật, cả kẻ lưu manh, Khuyếnh đã sử dụng những thủ đoạn bẩn thỉu nhất, thậm chí cả những trò rất “nhà quê” như ra lệnh giết trâu, giết chó, đốt nhà, xúi bẩy người này người khác... Có cảm giác trưởng thôn Khuyếnh như một kẻ bệnh hoạn, điên cuồng làm những việc táng tận lương tâm, gây sóng gió cho cả làng Kình vốn đang bình yên. Tất nhiên những việc làm của Khuyếnh và tay chân của hắn cũng gặp phải sự phản ứng của chính quyền xã, của những người tốt ở trong thôn. Cả câu chuyện phim là cuộc đấu tranh của những người tích cực trong thôn với thói lộng quyền, hách dịch của Khuyếnh. Cuối cùng thì Khuyếnh cũng phải bỏ làng ra đi, bọn đàn em thì lần lượt bị bắt.

 Cảnh trong phim Gió làng Kình.
Xem Gió làng Kình, có lẽ người nông dân sẽ thực sự sửng sốt và có thể sẽ bừng tỉnh về ý thức công dân của mình. Một người có chức vụ ở cái cấp nhỏ nhất ở nông thôn do dân bầu ra lại có thể làm khuynh đảo cả một vùng làng quê thế sao? Người xem chắc sẽ phẫn uất với sự lộng hành của Khuyếnh, xót xa với cuộc sống của người dân làng Kình, nhưng cũng phần nào cảm thông với sự cả tin, dẫn đến sai lầm trong quyết định của người nông dân. Bối cảnh phim xảy ra trong khoảng 3 năm từ 2004 – 2006, khi mà ở nông thôn có quá nhiều sự biến đổi dẫn đến sự đảo lộn cuộc sống vốn lâu nay êm ả của người dân. Phim đi vào phản ánh những vấn đề đó: từ hiện tượng người dân sục sôi về vấn đề đất cát, nóng lòng trong cơn sốt làm giàu, đến cả chuyện có tiền nhưng thiếu văn hóa tiêu tiền, rồi cả những tệ nạn rượu chè, đánh bạc, cave... Trong cái làng xã hỗn loạn phức tạp đó, chỉ cần những lời hứa hẹn, chỉ cần sự phỉnh nịnh của kẻ có mưu đồ xấu, người ta dễ nhầm lẫn và bầu ra những kẻ không xứng đáng. Chính người dân làng Kình đã phải gánh chịu hậu quả đó. Phim Gió làng Kình như một lời nhắc nhở: người dân, nhất là người nông dân cần phải tỉnh táo, bình tĩnh trước sự thay đổi của làng quê mình, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường đang phát triển. Hãy vì sự bình ổn của làng quê mình, đừng vì những lợi ích trước mắt mà vô tình chuốc những hậu quả vô cùng tai hại cho bản thân, gia đình và làng xóm. Đó cũng chính là thông điệp của bộ phim.

Thật ngẫu nhiên bộ phim được phát sóng vào thời điểm này, khi mà Quốc hội đang bàn về đề án thí điểm để người dân trực tiếp bầu chủ tịch ủy ban nhân dân xã thì vấn đề đặt ra trong phim lại càng mang tính thời sự, nó như một tiếng nói của nghệ sĩ góp phần vào giải quyết những vấn đề của xã hội. Khi mà những vùng quê vẫn còn uy lực của dòng họ thì rất có thể những dòng họ mạnh do đông, thậm chí do lưu manh cũng có thể tìm cách khống chế để đưa được người của dòng họ mình lên làm chủ tịch. Một khi những chủ tịch xã như Khuyếnh ở làng Kình xuất hiện thì người dân sẽ là nạn nhân đầu tiên của chính kẻ mình bầu ra.

Thêm một lần nữa, NSƯT Bùi Bài Bình vốn đã “bị” ghét cay ghét đắng trong vai Tòng của Ma làng thì lần này lại càng bị... trong vai Khuyếnh đểu giả và nham hiểm. Những lão Tòng, lão Khuyếnh giờ đã là câu cửa miệng khi người ta gọi Bùi Bài Bình. Và đó cũng chính là thành công của anh.

Lan Hương


Ý kiến của bạn