Trong các tuyên bố của mình trước khi xảy ra sự kiện Crimea trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, Mỹ và EU đều tỏ ra cứng rắn rằng sẽ “không tha thứ” cho Matxcơva. Tuy nhiên, đến nay đã gần một tuần kể từ ngày Crimea thông báo sẽ trở thành một phần của Nga, các biện pháp trừng phạt được đưa ra mới chỉ dừng lại ở mức độ “giơ cao đánh khẽ”.
Thậm chí, các quốc gia mạnh mẽ lên tiếng đến nay đều tỏ ra rất thận trọng khi bàn về việc trừng phạt Nga. Có vẻ như sự phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu hóa đã khiến việc trừng phạt kinh tế hoặc cô lập ngoại giao dễ trở thành con dao hai lưỡi, "lưỡng bại câu thương" hay chí ít cũng là chạm vào đâu cũng dễ dàng bị bỏng đến đấy.
EU lúng túng
Ngày 11/3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án hành động của Nga tại Ukraine. Trong nghị quyết này, họ thúc giục Nhà Trắng phải loại Nga ra khỏi khối G8 và áp đặt các lệnh trừng phạt. Khối G8 bao gồm 8 nước công nghiệp phát triển là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy, Nhật Bản và Nga.
Tuy vậy, đến quá nửa G8 là các quốc gia đến từ châu Âu đề còn vướng mắc về kinh tế với Nga.
Ngày 19/3, Thủ tướng Anh David Cameron trong buổi họp với quốc hội ở London đã nói: "Tôi nghĩ chúng ta nên thảo luận về việc trục xuất Nga vĩnh viễn khỏi G8 nếu tiếp tục thêm các biện pháp trừng phạt với Nga". Sự thận trọng này của nước Anh nhằm giảm thiểu thiệt hại cho mối quan hệ kinh tế giữa hai bên trong hoàn cảnh tình hình kinh tế chung là chưa khả quan. Anh không muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính mà Pháp đề xuất vì nó có tác động xấu đến London.
Trong khi đó, Pháp lại muốn tránh các biện pháp trừng phạt liên quan đến quân sự bởi hiện tại, Pháp và Nga đang có hợp đồng quốc phòng trị giá lên đến 1 tỷ euro.
Đối với Đức, ngay từ đầu, nước này đã không muốn căng thẳng với Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel từng lên tiếng ủng hộ việc đình chỉ hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra tại Nga vào tháng Sáu tới. Nhưng bà không đồng ý trục xuất Nga khỏi tổ chức này. Đức và Ý đều phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Liên Hợp Quốc không thể làm gì
Là một trong 5 nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Nga đã khiến cho mọi cuộc họp về vấn đề Ukraine đều trở thành thất bại. Cho đến nay, LHQ đã họp phiên họp bất thường lần thứ 8 để bàn về cuộc khủng hoảng Đông Tây. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể đưa ra được bất cứ kết luận nào.
Tại các phiên họp, Nga luôn bảo vệ quan điểm của mình khi cho rằng việc Crimea muốn tách ra khỏi Ukraine là hoàn toàn hợp pháp. Ngược lại, Mỹ và 12 nước thành viên khác đều phản đối và cho rằng Nga đang xâm lược Ukraine. Trung Quốc hoàn toàn đứng trung lập khi đưa ra phiếu trắng trong phiên họp bất thường thứ 7 được tổ chức vào hồi đầu tuần. Cuộc bỏ phiếu là nhằm không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở nước Cộng hòa tự trị Crimea hôm Chủ nhật (16/3).
Phiên họp lần thứ 8 diễn ra không có thêm bất cứ giải pháp khả quan nào, thậm chí, Nga và Mỹ đã đối đầu kịch liệt tại đây. Sau hai giờ đồng hồ căng thẳng, không còn thành viên nào của HĐBA LHQ muốn phát biểu thêm trước báo chí. Cũng sau cuộc họp này, không có một cuộc họp báo nào được tổ chức.
Mỹ khó tìm ra giải pháp thích hợp
Trong khi chính phủ Mỹ đang cố gắng để không công nhận Crimea thuộc về Nga thì Hiệp hội địa lý Quốc gia Mỹ (NGS) đã lên kế hoạch vẽ lại bản đồ thể hiện Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
Mỹ đã đưa ra được một lệnh trừng phạt, đó là cấm thị thực và phong tỏa tài sản nước ngoài đối với một số quan chức Nga cũng như Ukraine mà Washington cho rằng có liên quan đến “sự xâm lược ở Crimea”. Tuy nhiên, ngay lập tức sau đó, các chính khách Nga đã ngay lập tức trả đũa bằng cách đưa ra yêu cầu Mỹ nếu muốn trừng phạt, hãy trừng phạt tất cả họ.
Theo hãng tin RT của Nga, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã cùng thống nhất yêu cầu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt với tất cả các nghị sĩ Nga thay vì chỉ một số người như hiện nay.
Nghị sĩ Mikhail Markelov cho rằng các biện pháp trừng phạt trên của Mỹ và EU là "một nỗ lực phi lý", và đề nghị rằng Mỹ nên trừng phạt tất cả các thành viên của Hạ viện Nga. Ông nói: "Họ đã đưa nghị sĩ Lyudmila Mizulina vào danh sách đen, thì họ cũng nên áp đặt các lệnh trừng phạt đối với tất cả 436 nghị sĩ đã bỏ phiếu cho đạo luật bảo vệ trẻ em khỏi các hoạt động tuyên truyền đồng tính".
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Tư (19/2) nói rằng Mỹ sẽ không tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine để chống lại Nga, loại trừ khả năng gây áp lực lên Matxcơva bằng biện pháp vũ lực. Việc này vừa là để tránh căng thẳng gia tăng, cũng là để tránh cho việc Mỹ bị sa lầy vào một cuộc chiến không có lối thoát và vô nghĩa.
Mới đây nhất, Mỹ đưa ra biện pháp trừng phạt áp đặt lên 20 nghị sỹ và quan chức cấp cao chính phủ Nga cùng các nhân vật quan trọng, bổ sung thêm cho danh sách 11 người trước đó. Đặc biệt, ngân hàng trong danh sách trừng phạt là Bank Rossiya – một ngân hàng có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế Nga.
Ukraine đứng giữa hai dòng nước
Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine, vì thế, khó có thể để Crimea trở về với Nga một cách dễ dàng đến như vậy. Tuy nhiên, với vị thế sắp sụp đổ về kinh tế, lực lượng quân sự không thể so sánh lại với Nga, Ukraine dường như đang loay hoay tìm cho mình một sự lựa chọn. Hiện tại, Ukraine không thể tự lo cho sự bảo toàn lãnh thổ của mình. Binh lính của Ukraine ở Crimea đã có kẻ bỏ súng để về với Nga, còn những người ở lại không biết sẽ đi đâu về đâu.
Châu Âu cũng như Mỹ đã có lời hứa sẽ đảm bảo cho Ukraine tránh khỏi vỡ nợ. Nhưng đến nay, chưa có một hành động cụ thể nào được thực hiện, thậm chí là khoản tiền 1 tỷ USD mà Mỹ đồng ý viện trợ cũng chưa được giải ngân ngay lập tức.
Trong khi đó, Nga đã thay đổi các chính sách ưu tiên dành cho Ukraine. Matxcơva sẽ không trợ giá khí đốt cho Ukraine nữa, buộc Kiev sẽ phải mua khí đốt với giá thị trường, nhiều hơn 30% giá trợ giá trước đây mà Nga từng đề nghị nếu nước này không ký kết các thỏa thuận thương mại với EU. Đồng thời, Nga cũng yêu cầu Ukraine ngay lập tức phải thanh toán món nợ mua khí đốt trước đây, con số lên đến 1,8 tỷ USD.
Biết rằng mình đang ở giữa dòng nước, Ukraine buộc phải dịu giọng hơn trong các tuyên bố về vấn đề ly khai của Crimea.
Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã có một bài phát biểu tới toàn thể Ukraine nhằm xoa dịu những căng thẳng giữa dân tộc Ukraine và những người nói tiếng Nga hôm 18/3. Ông phát biểu bằng tiếng Nga và đặc biệt chú trọng vào các khu vực có nhiều người nói tiếng Nga ở đông nam Ukraine.
Để thuyết phục Crimea, ông khẳng định Ukraine sẽ không gia nhập NATO: “Vấn đề gia nhập NATO hiện không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ Ukraine".
Ông Yatsenyuk còn cho biết đã quyết định ngừng ký các thỏa thuận kinh tế với Liên minh châu Âu vì lo sợ các điều khoản thương mại tự do sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà máy nằm rải rác ở các khu công nghiệp nằm ở phía đông nam Ukraine.
Ông cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ tốt với Liên bang Nga. Ông nhấn mạnh Ukraine sẽ giữ nguyên Luật ngôn ngữ năm 2012, theo đó tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia thứ 2 tại các vùng nói tiếng Nga và có giá trị ngang với tiếng Ukraine.
Theo Phan Sương