Mùa hè là mùa vải thiều chín rộ và cũng là mùa nhiều trẻ em phải nhập viện vì bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB), nhiều trường hợp tử vong do bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn. Ở các vùng nông thôn (Bắc Giang, Hải Dương), nhiều người thấy có chim tu hú đến ăn quả vải thì cho rằng chim là nguyên nhân gây nên bệnh VNNB nên tìm mọi cách để tiêu diệt chim, có người không dám ăn vải vì sợ bị bệnh. Vậy chim tu hú có truyền bệnh VNNB không? Vai trò của chim trong vụ dịch VNNB như thế nào và ăn vải có bị viêm não như một số người quan niệm không?
Chim tu hú có truyền bệnh VNNB?
Thực ra quả vải không liên quan gì đến bệnh VNNB. Mầm bệnh gây nên bệnh VNNB là một loài virut gây thành dịch lớn trên toàn đất Nhật Bản vào mùa hè năm 1924 với hơn 6.000 người mắc bệnh. Futaki - nhà bác học người Nhật gọi bệnh này là "viêm não mùa hè", sau này các nước thống nhất gọi là VNNB. Bệnh VNNB là bệnh viêm não virut do muỗi truyền với tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines...) mỗi năm 45.000 trường hợp, chủ yếu ở trẻ em.
Đường truyền bệnh của Arbovirus gây bệnh viêm não Nhật Bản. |
VNNB là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu do Arbovirut nhóm B, thuộc họ Togaviridea, dòng Flavivirut gây nên. VNNB gây tổn thương hệ thần kinh trung ương và có ổ bệnh trong thiên nhiên. Ổ chứa virut là các động vật máu nóng: lợn, chim, ngựa, dơi... Lợn và chim là những vật chủ quan trọng nhất dự trữ, nhân lên và lan rộng virut. Ngựa cũng bị nhiễm bệnh VNNB, nhưng nó không đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền bệnh. Ngoài ra một số loài chim hoang dã, chim sẻ, chim liếu điếu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền virut từ nơi này sang nơi khác. Nguy hiểm nhất là thời kỳ chim đang ấp trứng. Đó là thời kỳ thuận tiện nhất cho virut hoạt động trong máu. Virut sinh sản chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương. Qua nghiên cứu người ta thấy, đối với các trường hợp tử vong, số lượng virut tập trung cao nhất ở các tế bào thần kinh vùng đồi thị và thân não.
Môi giới trung gian truyền virut VNNB là muỗi Culex, chủ yếu là muỗi Culex Tritaeniorynchus và Culex Bitaeniorynchus. Muỗi hút máu động vật có virut, đặc biệt là lợn, chim trong thời kỳ nhiễm virut huyết, khi đốt truyền sang cho người và gia súc khác. Muỗi mang virut có khả năng truyền bệnh suốt đời và có khả năng truyền virut sang thế hệ sau qua trứng. Chu kỳ bình thường của virut VNNB trong thiên nhiên là "chim - muỗi", về mùa hè chu kỳ cơ bản này phát triển thêm ra 2 chu kỳ là "muỗi - lợn" và "muỗi - người".
Virut phát triển tốt trong cơ thể muỗi ở nhiệt độ 27oC - 30oC, nếu dưới 20oC thì sự phát triển của virut dừng lại. Đó chính là lý do VNNB chỉ xảy ra vào mùa hè, vào những tháng nóng ở các nước nhiệt đới. Ở nước ta, bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9, cao điểm vào tháng 6 và tháng 7. Ở những nơi nhiều muỗi, tập trung đông người (bệnh viện, trường học, lớp mẫu giáo, chợ...) nguy cơ mắc bệnh cao. Mọi người chưa có kháng thể đặc hiệu đều có thể mắc VNNB, nhưng đối tượng chính là trẻ em từ 3-15 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm 3-5 tuổi cao hơn người lớn từ 5-10 lần. Như vậy muỗi mới là thủ phạm chính, là côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm, chim chỉ là một trong những động vật máu nóng dự trữ virut mà thôi. Cần tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người tập trung vào diệt muỗi, chứ không phải là diệt chim.
Các thể lâm sàng của VNNB
Bệnh VNNB là một bệnh nặng, để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao (30%). Có 3 thể lâm sàng: thể viêm não, thể viêm màng não nước trong và thể nhẹ kèm theo sốt, đau đầu. Ngoài ra còn có thể ẩn (nhiễm virut không biểu hiện triệu chứng).
Thể điển hình (viêm não): Thể điển hình của VNNB trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn nhiễm virut huyết, giai đoạn viêm não và giai đoạn di chứng. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-15 ngày, trung bình từ 5-8 ngày. Chẩn đoán xác định bệnh bằng xét nghiệm huyết thanh để phát hiện kháng thể VNNB. Người ta dùng kỹ thuật MAC-ELISA để phát hiện kháng thể IgM đặc hiệu của VNNB trong nước não tủy hoặc trong huyết thanh bệnh nhân từ 3-4 ngày sau khi mắc bệnh.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh: bệnh khởi phát bằng sốt cao đột ngột 39oC - 40oC, rét run, đau đầu dữ dội, đặc biệt là vùng trán, mặt đỏ, đau bụng, buồn nôn và nôn, bạch cầu cao, bạch cầu đa nhân tăng. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ. Trường hợp nặng từ ngày thứ 3-4 của bệnh có những triệu chứng của viêm não và màng não, từ rối loạn thần kinh, rối loạn ý thức như u ám, ngủ gà, lú lẫn đến mất trí nhớ. Có những triệu chứng tổn thương lan tỏa não và tủy: liệt nửa người, liệt tứ chi, liệt các dây thần kinh sọ não, liệt vận nhãn, liệt mặt, mất vận động ngôn ngữ, những dấu hiệu bó tháp và ngoại tháp như Babinxky ( ), co cứng cơ, phản xạ gân xương tăng. Những dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật: mạch nhanh, vã mồ hôi... Bệnh nhân sốt li bì, dẫn đến mê sảng, hôn mê và tử vong trong 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn. Từ ngày thứ 8 trở đi, bệnh nhân đỡ dần, chỉ còn sốt nhẹ, tuy nhiên quá trình hồi phục chậm. Di chứng để lại là di chứng tinh thần (người lờ đờ, trí nhớ kém), di chứng vận động (cử động cứng nhắc, vụng về, một số trường hợp bị teo cơ, liệt các chi...). Hôn mê càng kéo dài thì di chứng càng nhiều và càng nặng.
Thể viêm màng não: Bệnh khởi phát có sốt và nhức đầu, có các triệu chứng màng não (cứng gáy), nhưng không có dấu hiệu tổn thương khu trú của não, đôi khi có rối loạn ý thức nhẹ. Phần lớn bệnh nhân thuộc nhóm từ 10-30 tuổi.
Thể nhẹ: Sốt 38oC, nhức đầu, đau mình mẩy, nôn... tuy nhiên các triệu chứng này thoái giảm nhanh chóng, bệnh nhân khỏi bệnh sau 1-2 tuần.
Các biện pháp phòng bệnh VNNB - Biện pháp quan trọng nhất là diệt vectơ truyền bệnh, tức là diệt muỗi và không để muỗi đốt. Diệt muỗi trưởng thành bằng phun hóa chất, ngăn muỗi vào nhà bằng căng lưới kim loại hoặc lưới Olyset ở cửa sổ. Nằm màn chống muỗi đốt cả buổi trưa và buổi tối. Có thể dùng vợt muỗi để diệt muỗi trưởng thành. - Thường xuyên thau rửa chum vại đựng nước, khơi thông cống rãnh để diệt bọ gậy. Ở các khu tập thể cần đậy kín các bể chứa nước, các chai lọ đựng nước, lọ hoa, bồn chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng vào. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, không treo vắt quần áo mặc dở ở dây để triệt nơi ẩn nấp của muỗi. - Nếu thấy lợn nuôi trong chuồng có hiện tượng bị viêm não (sảy thai, đẻ non, chết) cần báo ngay cho bác sĩ thú y để áp dụng các biện pháp dự phòng. - Tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động bằng cách tiêm vaccin phòng VNNB. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã sản xuất được vaccin phòng VNNB có hiệu lực cao, phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Việc tiêm vaccin phòng VNNB ở nước ta đã được Bộ Y tế đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy các bậc cha mẹ cần chú ý cho trẻ tiêm đủ vaccin theo hướng dẫn để chủ động phòng bệnh. |
BS. Phạm Khang