Hà Nội

“Nóng” bầu cử Tổng thống Iran

18-05-2017 08:21 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 17/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kêu gọi Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng dân quân Basij cũng do IRGC kiểm soát, không được can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Iran diễn ra vào ngày 19/5.

Đây là một lời cảnh báo nhằm vào IRGC, cho thấy căng thẳng chính trị đang có dấu hiệu gia tăng tại Iran. Hãng thông tấn Lao động Iran (ILNA) dẫn nội dung trong bài phát biểu tranh cử của ông Rouhani tại thành phố Mashad yêu cầu lực lượng Basij và IRGC ở nguyên vị trí và làm công việc của mình. Ông Rouhani cũng đã trích dẫn lời của Đại Giáo chủ Iran trước đây Ruhollah Khomeini cảnh báo lực lượng vũ trang không được can thiệp vào chính trị.

Ở Iran, IRGC hiếm khi bị chỉ trích công khai. Hiện chiến dịch tranh cử của ông Rouhani đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ theo đường lối cứng rắn là giáo sĩ Ebrahim Raisi, người được cho là nhận được sự ủng hộ của IRGC. Năm 2009, cũng đã từng có những đồn đoán rằng IRGC và lực lượng Basij làm giả các kết quả bầu cử nhằm trợ giúp ông Mahmoud Ahmadinejad dẫn tới làm sóng biểu tình trên toàn quốc khiến hàng chục người thương vong.

Sau khi có 2 ứng cử viên rút lui, đến nay, cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống Iran sẽ chỉ còn 4 ứng cử viên, gồm Tổng thống Rouhani, ông Raisi, ông Mostafa Mirsalim theo đường lối bảo thủ và cựu Phó Tổng thống Mostafa Hashemitaba ủng hộ cải cách.

Tổng thống Rouhani sẽ tái đắc cử?

Tổng thống Rouhani sẽ tái đắc cử?

Theo thể lệ bầu cử Iran, các ứng cử viên tiến hành chiến dịch vận động tranh cử đến ngày 18/5, nhưng không tranh luận trực tiếp với nhau như trước đây. Kết quả có thể sẽ được xác định tại vòng đầu tiên nếu người chiến thắng dành được trên 50% tổng số phiếu bầu, hoặc sẽ chọn ra 2 ứng cử viên có số phiếu bầu nhiều nhất để tiếp tục bước vào vòng thứ hai.

Cạnh tranh quyết liệt

Cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào ngày 19/5 được cho là phép thử đối với chính quyền của ông Rouhani. Bởi chính sách kinh tế tự do của ông Rouhani đang vấp phải nhiều trở ngại từ chủ nghĩa dân túy bảo thủ. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với các tuyên bố thù địch sẽ càng giúp phe cứng rắn tạo được ảnh hưởng nhiều hơn với cử tri Iran. Trong khi đó, việc Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini công khai ủng hộ đối với giáo sĩ Raisi sẽ khiến việc tái đắc cử của ông Rouhani thêm khó khăn.

Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống Rouhani đang dẫn đầu, song ông sẽ phải đối mặt với thách thức từ các đối thủ theo đường lối bảo thủ do kinh tế đình trệ kéo dài. Ông Raisi - người được Đại giáo chủ Ali Khamenei ủng hộ đã bác bỏ thành tựu kinh tế cũng như chính sách đối ngoại ôn hòa của Tổng thống Rouhani.

Trên thực tế, dù được giáo chủ Ali Khamenei hậu thuẫn, song ông Raisi không phải là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm. Thăng tiến nhanh chóng kể từ cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979, ông Raisi vốn là công tố viên, sau đó được bổ nhiệm làm phó chánh án và Bộ trưởng Tư pháp Iran. Ông là chủ tịch của quỹ từ thiện giàu có nhất trong thế giới Hồi giáo Astan Quds Razavi và là người quản lý khu thờ Imam Reza, một trong những đền thờ thiêng liêng nhất của Iran.

Trong khi đó, nếu tái đắc cử, ông  Rouhani sẽ tiếp nối các các chính sách kinh tế, đặc biệt là thiết lập các mối quan hệ ôn hòa với phương Tây. Một điểm thuận lợi ông Rouhani đã nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Iran Khatami. Năm 2013, ông Khatami đã giúp ông Rouhani lên nắm quyền bằng việc thuyết phục ông Mohammad Reza Aref không ra tranh cử để ủng hộ ông Rouhani.

Cuộc bầu cử ngày 19/5 được cho là sẽ không làm thay đổi thỏa thuận hạt nhân Iran với các cường quốc năm 2016. Báo The New Arab đã đưa ra 3 kịch bản về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Iran. Trong đó, nếu ứng cử viên Raisi của phe cứng rắn đắc cử Tổng thống, quan hệ Iran-Mỹ và phương Tây sẽ lâm vào khủng hoảng, các trục quan hệ Iran-Arab Saudi-Syria và cục diện Trung Đông sẽ diễn biến phức tạp. “Nếu ông Rouhani chiến thắng, ông ấy sẽ có xu hướng cải thiện quan hệ chính trị với nước ngoài”, nhà phân tích chính trị tại Đại học Tehran, giáo sư Foad Izadi phân tích.

Giới phân tích nhận định lá phiếu của 56 triệu cử tri Iran không chỉ quyết định ai sẽ làm Tổng thống mới cuả nước Cộng hòa Hồi giáo này mà còn góp phần quyết định xem cục diện chính trị Trung Đông sẽ diễn biến ra sao trong những ngày tới.


N.Quang
Ý kiến của bạn