Nôn trớ ở trẻ nhỏ, khi nào cần chữa trị?

07-01-2019 18:39 | Đời sống
google news

SKĐS - Nôn trớ là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ nôn trớ càng nhiều. Có tới 20-50% trẻ sơ sinh bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi trẻ được 6-12 tháng tuổi.

Nôn trớ là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ nôn trớ càng nhiều. Có tới 20-50% trẻ sơ sinh bị nôn trớ sau ăn và thường tự khỏi khi trẻ được 6-12 tháng tuổi. Tuy nhiên, nôn trớ còn là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau ở trẻ nhỏ. Khi trẻ nôn trớ nhiều sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn nước và điện giải, có khi nguy hiểm tính mạng. Do đó, bà mẹ nên phân biệt nôn và trớ để có cách xử trí đúng.

Trớ sữa chỉ là một hiện tượng sinh lý trong vòng 6 tháng đầu, thường ngay sau bữa bú hoặc trong bữa bú, chỉ một lượng sữa không đáng kể trào ra mép một cách tự nhiên, cơ thể không có bệnh nào khác. Trái lại, nôn là hiện tượng thức ăn bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co bóp của cơ hoành và thành bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những nguyên nhân gây trớ sữa

Thứ nhất, bé sơ sinh có vị trí dạ dày nằm ngang đáy dạ dày phẳng, cộng thêm dung lượng dạ dày nhỏ, cơ của dạ dày và thần kinh phát triển chưa chín muồi, điều này đều dễ dẫn đến trớ sữa; Thứ 2, do cơ  thượng vị của bé sơ sinh phát triển không hoàn thiện bằng cơ môn vị nên cửa ra của dạ dày chặt mà cửa vào của dạ dày lỏng nên khi bé nằm ngửa, thức ăn chứa trong dạ dày dễ chảy ngược thực quản mà sinh ra trớ; Phương pháp cho bú không đúng như cho bé bú quá nhiều, đầu vú mẹ bị tụt. Cho bé bú bình không hoặc khi cho bú bình đầu vú không đầy sữa dẫn tới bé nuốt vào quá nhiều không khí... Ngoài ra, có thể sau khi bú, trẻ đái ỉa nên đặt ngay trẻ để thay tã lót cũng làm trẻ trớ sữa.Lồng ruột - một nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ.

Lồng ruột - một nguyên nhân gây nôn trớ ở trẻ.

Trớ sữa có thể phòng tránh hoàn toàn. Trước tiên, khi cho bú bằng bình, lỗ vú bình vừa phải, khi cho bú trong đầu vú phải đầy sữa để tránh cho bé nuốt phải không khí. Nếu đầu vú mẹ tụt, cần phải điều chỉnh bằng cách hằng ngày vài lần vê kéo cho núm vú  nhô ra. Ngoài ra, sau mỗi lần cho bú, nên bế bé, để đầu bé tựa trên vai mẹ, vỗ nhẹ vào lưng bé khiến không khí trong dạ dày thoát ra. Thông thường, theo đà lớn lên của bé, sự kiện toàn của cơ vùng thượng vị, trớ sữa sẽ giảm cho tới khi hết.

Những nguyên nhân gây nôn thường gặp

Trẻ thường bị nôn trong một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm họng, viêm phế quản... Trong bệnh viêm phổi trẻ nhỏ, có khi triệu chứng bắt đầu là nôn và bỏ bú. Tuy nhiên, trong những bệnh này thường có sốt, ho, đôi khi ậm ạch khó thở. Điều trị nhiễm khuẩn là chính, khi hết viêm, trẻ sẽ hết nôn. Ngoài ra, một số trường hợp khác có thể gây nôn là trẻ bị ngộ độc (thường là trẻ 2-3 tuổi trở lên, ngộ độc thức ăn, do dị ứng thức ăn, do ăn quá nhiều...).

Nôn có thể báo hiệu bệnh nguy hiểm

Nôn do trong bệnh lý ngoại khoa: Nôn là dấu hiệu sớm của bệnh tắc ruột, lồng ruột, hẹp ruột bẩm sinh do phì đại môn vị, do viêm ruột thừa...

Trong hẹp ruột bẩm sinh: Nôn ngay sau mỗi bữa ăn hoặc vài giờ sau ăn. Nôn xuất hiện sớm có khi trong tuần lễ đầu, song phần lớn là 1-3 tháng. Sở dĩ nôn như vậy là vì lỗ môn vị bị hẹp. Thức ăn cứ đọng lại ở dạ dày mà không xuống được ruột non. Vì trẻ nôn nhiều nên lúc nào cũng cảm giác đói và đòi ngậm vú. Song bú vào lại nôn nên trẻ gầy sút, ở trong tình trạng mất nước (da môi, môi khô táo bón). Nếu phát hiện sớm, bệnh sẽ được chữa khỏi bằng phẫu thuật.

Trong bệnh lồng ruột ở trẻ nhỏ (thường xuất hiện ở trẻ từ 4-8 tháng tuổi): trẻ bụ bẫm khoẻ mạnh, nuôi bằng sữa mẹ, tự nhiên ưỡn người khóc thét từng cơn, bỏ bú và nôn vọt. Sau đó khoảng 6-12 giờ, đứa trẻ ỉa ra máu, thường là máu tươi có ít nhầy. Toàn trạng giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mắt trũng, tay lạnh. Nếu phát hiện lồng ruột sớm phải đưa ngay trẻ tới bệnh viện trong 6 giờ đầu, nghĩa là khi mới có cơn khóc thét, nôn và bỏ bú. Nếu đến sớm có thể tháo lồng dưới màn hình quang, nhưng nếu để muộn, quá 24 giờ, nhiều đoạn ruột đã bị hoại tử bắt buộc phải mổ cắt bỏ những đoạn ruột đó.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu nôn chỉ là hiện tượng thoáng qua thì điều đó không có gì đáng quan tâm cả. Song nếu nôn tiếp diễn, nôn vọt hoặc kèm những triệu chứng nghi ngờ khác thì không thể xem thường mà phải đưa trẻ đi khám cấp cứu. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi trọng lượng của trẻ, nếu thấy trẻ nôn nhiều, không tăng hoặc bị sút cân thì phải khám tìm nguyên nhân và điều trị thích hợp.

BS. Nguyễn Kim Dung
Ý kiến của bạn