Trần Văn Bảy (Thanh Hóa)
Theo y học hiện đại, sau khi tắt kinh, thai phụ thường có tăng tiết nước bọt, buồn nôn, nôn, báo hiệu có thai. Nếu dấu hiệu nghén tăng lên ảnh hưởng đến sinh hoạt gọi là chứng nôn nghén. Nếu tình trạng nôn nặng hơn có ảnh hưởng tới sức khỏe gọi là bệnh nôn nặng. Nếu thai phụ có nôn, phù hai chi dưới, tăng huyết áp, protein niệu là tình trạng nhiễm độc thai nghén cần phải theo dõi và điều trị chặt chẽ. Nguyên nhân chưa rõ, có thể do nồng độ hCG tăng gây nôn, do do dị ứng với thai - là protein lạ đối với cơ thể mẹ, do có những tổn thương cũ đường tiêu hóa. Điều trị chứng nôn nghén nặng thường là để thai phụ nằm ở phòng yên tĩnh, thoáng, không có mùi thức ăn, ánh sáng vừa đủ, chế độ ăn nguội để ít gây nôn. Có thể cho dùng thuốc chống nôn, giảm tiết dịch, vitamin B6. Theo Đông y, chứng nôn nghén được gọi là ác trở có thể chia làm 5 thể bệnh (thể khí huyết không điều hòa, thể vị nhiệt, thể tỳ vị hư nhược, thể đàm ẩm, thể can vị bất hòa), tùy theo nguyên nhân mà điều trị. Nếu vợ bạn có triệu chứng nôn nghén nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và thai nhi thì cần đi khám và xin tư vấn bác sĩ chuyên khoa. Tùy điều kiện mà theo Tây y hoặc Đông y, nhưng không nên chủ quan với chứng nôn nghén hay tự ý mua thuốc điều trị.