Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 626 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về người (18 người chết, 9 người bị thương), 9 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản (khoảng 400 tỷ đồng). Ông Định nêu rõ những lo ngại liên quan đến khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn. Theo ông, đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Dù đã công bố danh sách 79 chung cư vi phạm PCCC từ nhiều tháng nay nhưng đến nay mới chỉ có 19 tòa nhà được khắc phục.
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (ngày 19/11), liên quan công tác quản lý trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn là vấn đề nhức nhối đối với thành phố. Năm 2017 phát sinh 1.916 trường hợp vi phạm và cơ quan chức năng đã xử lý. Hiện còn 154 trường hợp chưa xử lý xong.
Về 79 chung cư vi phạm PCCC trên địa bàn thành phố, theo Bí thư Thành ủy, đến nay còn 26 trường hợp khó xử lý. Ông yêu cầu phải có biện pháp mạnh xử lý rốt ráo các chung cư vi phạm PCCC bởi vì các chung cư này xây không đảm bảo điều kiện, phương pháp khắc phục cũng rất khó khăn. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát và có giải pháp bảo đảm an toàn PCCC các khu dân cư, nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh...
Về việc các chung cư vi phạm PCCC, ông Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư và cả người dân. Pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể về nguyên tắc, thủ tục xây dựng các công trình nhà cao tầng. Theo đó, điều kiện nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy là một nội dung không thể thiếu trong hồ sơ thiết kế, thi công và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Đến khi hoàn thành, các hạng mục PCCC của công trình như: hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, lối thoát hiểm... phải được kiểm tra, nghiệm thu.
Dự án chưa tuân thủ các điều kiện pháp luật về PCCC sẽ không được phép đưa vào sử dụng. Điều đó cho thấy cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ PCCC từ trước khi công trình triển khai xây dựng cho đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư từ khi khởi công đến khi hoàn thành dự án gần như không gửi báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền; Nhiều chung cư chưa được nghiệm thu về an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn cho các hộ dân vào ở.
Thậm chí có một số chung cư dù dân cư đã về ở trong một thời gian dài nhưng công tác PCCC không được quan tâm hay chỉ làm đối phó. Nhiều chung cư có hệ thống PCCC nhưng không thể vận hành, thiết bị PCCC xuống cấp, không đầy đủ... Trong quá trình vận hành sử dụng thì ở nhiều chung cư, người sử dụng không chú trọng đến công tác này, việc tập huấn PCCC tại các công trình cao ốc chỉ mang tính hình thức, qua loa, người dân vẫn còn chủ quan, ỷ lại...
Ngoài ra, còn có trường hợp chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân; có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng không dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố; hoặc chừa đường vào cho xe chữa cháy nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...
Để khắc phục tình trạng vi phạm PCCC, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần rà soát điều chỉnh các quy định về pháp luật; xây dựng các quy chế phối hợp giữa Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm...