Nổi u vàng khắp người vì mỡ máu cao

21-08-2023 13:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mỡ máu tăng cao khiến nữ bệnh nhân 52 tuổi nổi những cục u vàng trên mặt. Khối u ngày càng to và vàng đậm trông rất mất thẩm mỹ.

Tại Khoa nội tiết, Bệnh viện 19-8 ( Bộ Công an) điều trị cho rất nhiều bệnh nhân ngoại trú mỡ máu tăng cao dẫn đến các biến chứng khác như tim mạch, tiểu đường, viêm gan thận, đặc biệt là nổi u vàng trên da.

Chị Trần Thị V. (52 tuổi, sống tại Hà Nội) đang điều trị tại khoa trong tình trạng đã cắt tuyến giáp và điều trị suy giáp, mỡ máu tăng cao, gan nhiễm mỡ, xuất hiện các u cục màu vàng vùng gần mắt. Các khối u này càng ngày càng to và vàng đậm. Dù đã ăn uống kiêng khem, uống thuốc đều đặn nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau khi tiếp nhận điều trị, khối u đã giảm cũng như không còn vàng như trước đó. Điều này không chỉ giúp chị đỡ mệt mỏi trong người mà còn lấy lại tự tin về khuôn mặt hơn.

Tuy nhiên, dù hiện nay tình trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn do đang uống thuốc điều trị mỡ máu nhưng các nguy cơ biến chứng, trong đó nặng nhất là viêm tụy cấp, xơ vữa mạch vẫn có thể xảy ra.

BSCKII Phạm Tuấn Dương giải đáp về tình trạng rối loạn mỡ máu gây u vàng.

Rối loạn mỡ máu là bệnh gì?

Bệnh rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid. Rối loạn mỡ máu là tình trạng khi có một hoặc nhiều chỉ số mỡ máu bị rối loạn từ đó dẫn đến triglyceride máu tăng cao.

Các chỉ số máu có thể bao gồm: tăng cholesterol máu, máu, tăng chỉ số LDL cholesterol, tăng triglyceride (TG) hoặc giảm thấp HDL cholesterol. Điều này không chỉ gây viêm tụy cấp mà còn có nhiều biến chứng khác, trong đó bao gồm nổi u vàng khắp người.

Biến chứng u vàng do mỡ máu cao

U vàng trên da là một tổn thương da lành tính gây ra bởi sự lắng đọng cục bộ của lipid, đặc biệt là triglycerid trong lớp hạ bì.

Biểu hiện của u vàng là các nốt đặc, sẩn màu vàng hồng có kích thước khác nhau từ 1-4mm, thường xuất hiện ở vị trí như mặt, tay, chân, lưng, vùng khuỷu. Các khối u có thể tròn to nhưng cũng có thể dạng sùi… Nhiều bệnh nhân bị nổi sẩn cả lưng hoặc tay chân gây mất thẩm mỹ. Tình trạng này thường đặc trưng bởi nồng độ triglycerid máu tăng cao.

Những trường hợp mắc u vàng trên da thường gặp ở các bệnh nhân có bệnh lý đi kèm như: viêm tụy cấp, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử mắc rối loạn lipid máu điều trị, béo phì, gan nhiễm mỡ...

U vàng thể củ, thể gân, và thể phát ban thường liên quan đến rối loạn lipid máu di truyền hoặc mắc phải. Khi nồng độ lipoprotein trong huyết thanh tăng đáng kể, tăng vận chuyển lipoprotein qua các mao mạch trung bì, các đại thực bào ăn lipid tạo thành các tế bào chứa lipid có thể quan sát dưới kính hiển vi điện tử.

Khoa Nội tiết, Bệnh viện 19-8 thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh bị biến chứng u vàng trên da. Thậm chí nhiều ca nổi u cục cả lưng, sẩn từng mảng, hoặc nổi u trên mặt, gần sát mắt.

Khi phát hiện ca bệnh, bác sĩ cần làm các sinh thiết để khẳng định chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm đánh giá mức độ rối loạn lipid máu cũng như phát hiện các bệnh nền có thể gây tăng lipid máu như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, bệnh gan hoặc bệnh thận.

Bệnh nhân nữ nổi u vàng khắp người vì mỡ máu cao - Ảnh 2.

Bệnh nhân nổi u vàng do mỡ máu cao.

Điều trị u vàng do rối loạn mỡ máu

Hiện nay, để điều trị u vàng, điều đầu tiên các bác sĩ thực hiện chính là điều chỉnh bằng thuốc nhằm ổn định tình trạng chuyển hóa lipid. Điều này không chỉ giúp hạn chế các biến chứng do tăng lipid máu như giảm nguy cơ bệnh tim mạch, ngăn ngừa viêm tụy.

Điều trị thuốc cũng dẫn tới sự biến mất các u vàng trên da. Trong đó, u vàng thể phát ban thường biến mất vòng vài tuần khi lipid máu giảm.

Rối loạn mỡ máu nên ăn gì?

Để giảm biến chứng u vàng trên da do rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng khác do mỡ máu gây ra, người bệnh cần thăm khám định kỳ, tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Bên cạnh việc kiểm soát chỉ số mỡ máu cần phải kết hợp chế độ ăn lành mạnh. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên lựa chọn các chất béo không bão hòa có trong quả bơ, dầu oliu, dầu đậu nành… để sử dụng.

Cần kết hợp việc tập luyện thường xuyên, giảm cân để hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu tốt hơn. Điều quan trọng nhất là phải chú ý điều chỉnh mỡ máu cho bệnh nhân để tránh tái phát.

Ngoài ra, các bệnh lý đi kèm có thể làm tăng rối loạn mỡ máu như béo phì, đái tháo đường, bệnh lý suy giáp… Nếu bệnh nhân có những bệnh lý đi kèm cần điều trị để kiểm soát tình trạng mỡ máu.

Xem thêm video được quan tâm:

2 Người Phụ Nữ Suýt Thủng Ruột Do Vòng Tránh Thai 'Chạy' Lạc Chỗ I SKĐS


BSCKII Phạm Tuấn Dương
Trưởng Khoa Nội tiết – Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn