Hà Nội

Nội tiết tố là 'con dao hai lưỡi', phụ nữ tuổi mãn kinh nên bổ sung thế nào để có lợi cho sức khỏe?

29-10-2022 07:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tất cả phụ nữ đều trải qua thời kỳ mãn kinh, nhưng nhiều người không thực sự nghĩ về nó cho đến khi các triệu chứng xuất hiện. Thời kỳ mãn kinh đánh dấu một điểm quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ và kéo theo một loạt các triệu chứng do nồng độ hormone thay đổi.

1. Thời kỳ mãn kinh là gì?

Mãn kinh là khi buồng trứng không còn phản ứng với các thông điệp nội tiết tố được gửi từ tuyến yên trong não. Khi quá trình mãn kinh xảy ra dẫn đến sự kết thúc của quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Trong giai đoạn trước mãn kinh, được gọi là tiền mãn kinh, nội tiết tố của phụ nữ trải qua một quá trình thay đổi từ sau tuổi 35-40. Nồng độ của các nội tiết tố dao động, có thể suy giảm, có thể là mất cân bằng và làm thay đổi sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của người phụ nữ.

2. Nội tiết tố nào liên quan đến thời kỳ mãn kinh?

Có nhiều loại hormone liên quan đến chức năng sinh lý của nữ giới. Các hormone chính là estrogen, progesterone và testosterone nhưng các hormone khác như hormone kiểm soát kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH) cũng đóng một vai trò quan trọng.

Khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh đến mãn kinh, buồng trứng sản xuất ít estrogen và progesterone hơn. Phụ nữ sẽ bị mất cân bằng hormone khi họ bước vào và chuyển sang thời kỳ mãn kinh do lượng estrogen, progesterone và testosterone giảm và sự gia tăng các hormone kiểm soát FSH và LH.

Nội tiết tố thay đổi như thế nào trong giai đoạn mãn kinh? - Ảnh 2.

Các nội tiết tố ảnh hưởng tới phụ nữ sẽ bị thay đổi trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

3. Các thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh

Chúng ta hãy xem xét 3 loại hormone chính, estrogen, progesterone và testosterone và vai trò của chúng trong thời kỳ mãn kinh.

3.1 Estrogen

Estrogen chủ yếu được sản xuất trong buồng trứng, nhưng một lượng nhỏ cũng được sản xuất ở tuyến thượng thận và là một trong 2 loại hormone sinh dục chính ở phụ nữ, loại còn lại là progesterone.

Estrogen có vai trò trong toàn bộ cơ thể và là hormone quan trọng trong tuổi dậy thì giúp mang lại những thay đổi về thể chất và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Estrogen giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt, là hormone quan trọng trong khả năng sinh sản và giúp duy trì thai kỳ.

Nội tiết tố thay đổi như thế nào trong giai đoạn mãn kinh? - Ảnh 3.

Estrogen là một trong những nội tiết tố nữ quan trọng.

Estrogen cũng rất quan trọng trong chức năng não, bao gồm cả tâm trạng, cũng như góp phần vào sức khỏe của xương và tim. Estrogen giúp kiểm soát lượng cholesterol, đó là lý do tại sao phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sẽ có mức cholesterol tăng lên.

Bình thường, mức độ estrogen và progesterone cân bằng với nhau. Tuy nhiên, khi phụ nữ bước vào độ tuổi từ giữa 30 đến đầu 40, mức progesterone bắt đầu giảm và buồng trứng bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn.

Sự suy giảm mạnh mẽ của estrogen được biết đến là nguyên nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo và các vấn đề về trí nhớ, xảy ra vào cuối thời kỳ tiền mãn kinh.

3.2 Progesterone

Progesterone là một loại hormone steroid được cơ thể sản xuất trong quá trình rụng trứng. Vai trò chính của nó là chuẩn bị cho cơ thể người phụ nữ mang thai.

Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, progesterone hoạt động theo cách ngược lại với estrogen để giữ cho cả hai loại hormone này được cân bằng. Estrogen tăng lên trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt để thúc đẩy sự phát triển của trứng, trong khi ở giai đoạn tiếp theo, progesterone đảm nhận việc chuẩn bị cho cơ thể để mang thai hoặc cho đến khi kỳ kinh nguyệt xảy ra.

Tuy nhiên, trong thời kỳ tiền mãn kinh khi buồng trứng trở nên ít đáp ứng hơn với mức độ dao động của estrogen và progesterone, do đó chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ khó dự đoán hơn và mức progesterone thấp cũng có thể gây ra chảy máu kinh nguyệt nặng hơn.

Ngoài những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, mức progesterone suy giảm cũng có thể gây ra các triệu chứng khác như khô âm đạo.

Sự cân bằng giữa estrogen và progesterone thay đổi theo một mô hình nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, sự sụt giảm cả hai hormone trong thời kỳ tiền mãn kinh và sau mãn kinh, thường ở các tỷ lệ khác nhau và theo cách khác nhau sẽ dẫn đến những thay đổi về tâm sinh lý ở phụ nữ trung niên.

Nội tiết tố là 'con dao hai lưỡi', phụ nữ tuổi mãn kinh nên bổ sung thế nào để có lợi cho sức khỏe? - Ảnh 5.

Sự sụt giảm estrogen thay đổi theo lứa tuổi.

3.3 Testosterone

Testosterone thường liên quan đến nam giới nhiều hơn phụ nữ và được coi là 'nội tiết tố nam'. Tuy nhiên, testosterone cũng đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể phụ nữ dù với một lượng nhỏ.

Testosterone ở phụ nữ được sản xuất trong buồng trứng và tuyến thượng thận, góp phần vào ham muốn tình dục, kích thích tình dục và cực khoái ở phụ nữ cũng như duy trì chức năng trao đổi chất bình thường, sức mạnh cơ và xương, tâm trạng và chức năng nhận thức.

Không giống như mức progesterone hoặc estrogen giảm đột ngột vào thời điểm mãn kinh, mức testosterone suy giảm chậm khi phụ nữ già đi. Mức độ testosterone suy giảm có thể góp phần làm giảm ham muốn tình dục, thay đổi chức năng nhận thức và tâm trạng cũng như làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương.

4. Phụ nữ mãn kinh có nên bổ sung nội tiết tố?

Nội tiết tố của buồng trứng gồm estrogen và progesterone thay đổi kéo theo nhiều hệ quả không chỉ đối với sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng tới tinh thần của chị em tuổi mãn kinh.

Theo ThS. BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện, BV Phụ sản Hà Nội: Nội tiết tố nữ được ví như nhựa sống của người phụ nữ. Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, khi nội tiết tố nữ suy giảm sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Dễ nhận thấy nhất là da khô, nám da, tóc khô gãy, rụng tóc, có thể khô rát âm đạo, viêm âm đạo, cũng có thể gây các bệnh tăng huyết áp, tim mạch và nhiều bệnh lý khác, thậm chí cả ung thư,…

Tuy nhiên hiện nay, nhiều người khi thấy các triệu chứng của tiền mãn kinh hoặc khi thấy bản thân có nhiều thay đổi sau 35 tuổi thì cho rằng mình bị thiếu estrogen và bổ sung các loại thực phẩm chức năng chứa estrogen. BS Diêm Thủy cho rằng đây là việc làm chưa đúng, thậm chí gây nguy hiểm cho người bệnh.

ThS Diêm Thị Thanh Thủy cho biết, nội tiết tố là "con dao 2 lưỡi". Chỉ cần 1 thay đổi rất nhỏ cũng ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể người phụ nữ. Bình thường estrogen và progesterone cân bằng. Phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh thường bị mất cân bằng do progesterone suy giảm nhanh còn estrogen suy giảm chậm hơn gây sự mất cân bằng. Khi tự ý bổ sung estrogen, lượng estrogen càng cao và progesterone càng bị ức chế gây tình trạng mất cân bằng nội tiết.

BS Thủy khuyến cáo, chị em nên đi khám để được bác sĩ khám và tư vấn các biện pháp điều trị thích hợp. Đối với những người bị suy buồng trứng sớm cần phải dùng thuốc điều trị nội tiết hỗ trợ để cơ thể dần thích ứng với sự mãn kinh. Còn với những người bình thường thì không nên bổ sung nội tiết bằng thuốc.

Chúng ta thường cho rằng tuổi mãn kinh thiếu estrogen nên bổ sung estrogen và càng bổ sung thì progesterone lại càng thấp gây mất cân bằng nội tiết. Thừa estrogen gây nhiều vấn đề về sức khỏe như lạc nội mạc tử cung

BS Thủy đưa ra lời khuyên, chị em phụ nữ ngoài 30 tuổi có thể uống các loại thuốc bổ, vitamin để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể. Chị em nên chú ý thực hiện lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, lạc quan yêu đời, tập thể dục đều đặn, chế độ ăn uống hợp lý. Khi sức khỏe tổng thể tốt hơn thì nội tiết tố cũng tốt hơn.

5 hệ lụy khi bị rối loạn nội tiết tố nữ5 hệ lụy khi bị rối loạn nội tiết tố nữ

SKĐS - Nội tiết tố nữ đóng một vai trò rất quan trọng và có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe của phụ nữ. Nếu nồng độ estrogen dưới 100 pg/ml là bị rối loạn nội tiết tố nữ và cần cân bằng nội tiết tố nữ.

Xem thêm video đang được quan tâm

5 thói quen đơn giản có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn