Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực sống

26-08-2023 15:49 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Mỗi ngày đến với ngôi nhà đặc biệt - Hợp tác xã Vươn Lên (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng), những thân phận bấy bớt, không lành lặn lại như thấy được bình minh...

Với họ, ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được thắp lên như những tia nắng ấm áp, rồi từ đó, mọi muộn phiền, những suy nghĩ tiêu cực bị xóa nhòa.

Giúp nhau vượt qua sự nghiệt ngã, vươn lên trong cuộc sống

Từ xa lạ trở thành thân thuộc, từ tuyệt vọng sống dậy niềm tin, từ chán nản, buông xuôi thành chủ gia đình... Suốt gần 20 năm qua, bao đổi thay kỳ diệu ùa đến, hiện hữu tại Hợp tác xã Vươn Lên, như một hành trình của san sẻ, yêu thương.

Đẩy chiếc xe lăn trên nền gạch đã úa màu, giữa rộn rã tiếng cười đùa, tiếng lách cách của khung thêu, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Vươn Lên bộc bạch, từ đây, nhiều người như được hồi sinh. Gần 40 thành viên của hợp tác xã đều là người khuyết tật. Mỗi người một khiếm khuyết khác nhau như: Liệt chân, khiếm thính, dị tật tay… nhưng đều có chung một khát vọng tự học nghề, sản xuất ra sản phẩm và vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực của mình.

Ngược thời gian, mấy chục năm trước, từ một sự cố, đôi chân của chị Hạnh bị tật nguyền và không thể chữa khỏi nên chị thấm hiểu những đớn đau khi rơi vào cảnh không lành lặn. Cũng hơn ai hết, chị Hạnh hiểu tận cùng hai chữ "hạnh phúc" khi vượt qua sự tủi phận.

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 2.

Dẫu bản thân không hoàn toàn lành lặn nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (bên phải) vẫn luôn tiếp thêm nghị lực cuộc sống cho người cùng cảnh ngộ.

Từ đó, chị Hạnh tất tả đi khắp nơi động viên và gắn kết những người đồng cảnh ngộ để trao cho họ "nguồn sống". Đó chính là học nghề đan lát, đánh máy vi tính, thêu thùa. Có người động viên một ngày chưa được, chị Hạnh kiên trì thuyết phục họ bằng tất cả sự chân tình của mình trong nhiều ngày.

Chị Hạnh luôn tâm niệm rằng: "Nếu mình thương người khuyết tật, lâu lâu tặng họ món quà thì cũng rất quý, nhưng cái bền vững nhất đó là tạo ra nghề nghiệp cho họ, gắn kết các thân phận lại với nhau để cùng thi đua lao động, cùng bán sản phẩm và hưởng thu nhập từ sức lao động của mình. Khi người khuyết tật cảm thấy được sẻ chia, cảm nhận được mình là người hữu ích không thua gì người lành lặn… thì bao đổi thay bất ngờ sẽ đến. Điển hình như những thân phận tự ti, buồn phiền tách mình ra khỏi cộng động sẽ hồ hởi hòa nhập trở lại…

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 3.

Dẫu khiếm khuyết nhưng người khuyết tật vẫn miệt mài học nghề để lo cho cuộc sống của mình

Để người khuyết tật trong hợp tác xã nhanh chóng thạo nghề, chị Hạnh nhờ một số cơ quan, tổ chức hỗ trợ dạy những điều cơ bản, sau đó chị tiếp tục kề bên từng người, chỉ bảo từng chi tiết. Có hôm như quên cả khái niệm thời gian, từ sáng tinh mơ đến đêm khuya, chị Hạnh vẫn miệt mài chỉ cách thêu thùa thành thạo cho một số người khiếm thính, dị tật tay…

Nhiều thành viên Hợp tác xã Vươn Lên chung cảm nhận, tình thương của chị Hạnh bao trùm cả ngôi nhà đặc biệt này. Chị Hạnh còn nhớ tên, hiểu khiếm khuyết từng người. Chẳng những chăm lo công việc, chị còn xoay sở đủ đường lo động viên tinh thần, quan tâm việc ăn uống của từng thành viên. Có những lúc bơ phờ vì mệt nhưng nỗi trăn trở tạo ra đời sống tốt nhất cho người khuyết tật lại xua tan cơn mệt mỏi của chị.

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 4.

Sản phẩm của Hợp tác xã Vươn Lên do người khuyết tật làm rất đa dạng

Bước qua vô vàn khó khăn, rào cản rồi những chùm quả ngọt cũng đến khi các sản phẩm của người khuyết tật làm ra như: thú bông, mũ len, áo len, tranh thêu… ngày càng đẹp.

Cầm trên tay cặp thú nhồi bông sặc sỡ sắc màu, anh Nguyễn Thanh Tuấn, một khách hàng của Hợp tác xã Vươn Lên trào dâng sự khâm phục khi biết những đường đan móc tỉ mỉ này do người liệt một tay làm nên. Tuấn tâm tình, người lành lặn làm ra sản phẩm tốt thế này khó một thì người khuyết tật khó mười. Nhưng với sự dẫn dắt của chị Hạnh, giờ thành viên nào trong hợp tác cũng mê học nghề.

Ước vọng và trăn trở

Xa lắm rồi những tháng ngày cô độc, mặc cảm, lẻ loi, những ngày này, trên khuôn mặt Tòng Văn Duy luôn tràn ngập niềm vui, sẵn sàng chuyện trò, hòa nhập với mọi người.

Mấy năm trước, đang là người khỏe mạnh thì bất ngờ Duy gặp tai nạn khiến đôi chân anh bị liệt. Vứt chỏng chơ chiếc xe lăn nơi góc nhà, Duy vùi mình trong sự mặc cảm, chán nản. Đúng lúc đó, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh cận kề động viên, kiên trì xóa bỏ tâm lý tiêu cực của Duy. Sau đó đưa anh về Hợp tác xã Vươn Lên để học nghề, tạo lập những trang mới trong cuộc sống, dẫu nhọc nhằn nhưng luôn lấp lánh niềm tin.

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 5.

Lớp học may được mở ra, chị Hạnh hy vọng sẽ nhận được đơn hàng từ các đơn vị về cho người khuyết tật may, có thêm nguồn thu nhập lo cuộc sống.

Duy bộc mạch những lời mộc mạc từ đáy lòng mình rằng, đến với hợp tác xã này tôi cảm giác như đây thực sự là ngôi nhà của sự nhân văn, bác ái mà tâm điểm của ngôi nhà ấy là chị Hồng Hạnh. Về đây, cuộc sống tôi hoàn toàn thay đổi, muộn phiền bỏ lại sau lưng, rất tự tin và tràn đầy ước vọng về một tương lai tốt đẹp.

Tòng Văn Duy chỉ là một trong nhiều thân phận được chị Hồng Hạnh xoay chuyển, trao cho yêu thương, sức mạnh và củng cố vững chắc ý nghĩ "tàn nhưng không phế".

Hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt những người khuyết tật ở Hợp tác xã Vươn Lên khi thấy sản phẩm của mình khách hàng tấm tắc khen ngợi, ưa chuộng. Đó tự như "liều thuốc" tinh thần an ủi rất nhiều đối với những thân phận kém may mắn. Thế nhưng, cũng còn đó nhiều trăn trở.

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 6.

Với chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh được giúp người đồng cảnh ngộ có cuộc sống tốt là niềm vui...

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ, các sản phẩm của người khuyết tật chúng tôi làm ra chủ yếu như những món quà lưu niệm, trước đây ký gửi ở nhiều điểm du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, du lịch chưa phục hồi mạnh mẽ nên lượng tiêu thụ sản phẩm cũng giảm, anh chị em tàn tật vẫn phải chắt bóp mới đủ tự lo liệu cuộc sống. Sau mỗi ngày làm việc, một số người khuyết tật thì về nhà, còn một số người thì ở lại luôn tại hợp tác xã. Tôi có lăn lộn đến nhiều nơi xin nhận đơn hàng là áo len về cho mọi người làm để có thêm thu nhập nhưng đơn hàng còn ít quá. Cùng với đó, nhờ sự hỗ trợ của địa phương tôi đã mở lớp học nghề may để có thể liên kết với các công ty may, nhận may cho họ. Tuy nhiên, do tật nguyền nên tay nghề của một số người còn yếu, cần rèn luyện nhiều".

Nơi thắp lên niềm tin và nghị lực cuộc sống - Ảnh 7.

Sản phẩm của người khuyết tật làm ngày càng đẹp

Khó khăn trước mắt vẫn còn đó nhưng một trong những hạnh phúc lớn lao nhất, thiêng liêng nhất mà chị Hạnh và nhiều người "tàn nhưng không phế" cảm nhận được là sau khi tự làm việc nuôi sống chính mình, nhiều người đã kết duyên với nhau thành vợ chồng ngay tại ngôi nhà đặc biệt.

"Có người khuyết tật nhẹ và cả người khuyết tật nặng, sau khi tìm lại được nghị lực và hòa nhập cuộc sống, họ tìm được một nửa của đời mình. Từ đó nương tựa, cổ vũ nhau, vươn lên thành người có ích"- Chị Hồng Hạnh tâm tình.

Những gia đình nhân ái với 500 lần hiến máu Những gia đình nhân ái với 500 lần hiến máu

SKĐS - Tại buổi gặp mặt gia đình hiến máu tiêu biểu năm 2022 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 25/6, hàng chục gia đình, dòng họ, đã có mặt để chia sẻ với nhau "động cơ" khiến họ duy trì nghĩa cử cao đẹp này.



Đông Hưng
Ý kiến của bạn