Sau tai nạn hy hữu, mới đây, một bé trai 3 tuổi đã may mắn được các bác sĩ BV Việt Đức nối liền bàn chân đã bị đứt rời trong một thời gian tương đối lâu, khoảng 10 tiếng đồng hồ. Thành công của ca phẫu thuật không chỉ trả lại tiếng cười cho trẻ thơ mà còn mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho cả gia đình bệnh nhi bởi một phút sơ sểnh của người lớn đã gây ra tai họa cho đứa trẻ.
Chỉ đến khi bàn chân của bé Nguyễn Văn D. (3 tuổi, con trai của anh Nguyễn Văn C., ở Tiền Hải - Thái Bình) đã có dấu hiệu của sự sống, hồng ấm trở lại, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt (BV Việt Đức) mới thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, so với những ca phẫu thuật ghép nối chi mà các bác sĩ đã thực hiện trước đây, đây quả thực là một ca rất khó. Không chỉ bởi bệnh nhi còn quá nhỏ, mới 3 tuổi, mạch máu rất nhỏ (0,8mm), chỉ bằng 1/5 của người lớn mà còn bị tổn thương đụng giập với thời gian đứt rời tương đối lâu (khoảng 10 tiếng đồng hồ).
Họa của con trẻ - Bài học cảnh tỉnh cho người lớn
Theo lời kể của anh C., vợ chồng anh đi làm xa nên để bé D. ở nhà với ông bà nội. Do gia cảnh sống trên sông nước, trong lúc vừa làm việc, vừa trông cháu, ông bà nội của cháu D. vì sợ cháu chơi trên thuyền dễ ngã xuống sông nên đã lấy dây dù buộc vào cổ chân cháu, một đầu buộc vào thành thuyền, một đầu để dài lòng thòng. Không may, trong lúc cháu đang chơi một mình trên thuyền thì sợi dây dài bị cuốn vào guồng động cơ máy chạy thuyền, kéo căng và nghiến phăng bàn chân phải của cháu bé. Đúng lúc đó, ông nội của bé đang chạy thuyền thì thấy tiếng máy nghẹn lại, nhìn quanh lại không thấy cháu đâu. Ông vội vàng cho dừng thuyền lại thì nghe thấy tiếng cháu gào khóc ở dưới khoang thuyền. Nhìn cảnh tượng cháu bị ngã văng sang một bên còn bàn chân văng sang bên kia buồng máy, bà nội cháu sợ quá ngất xỉu, còn ông thì vội vàng cho thuyền quay vào đất liền để đưa cháu đi bệnh viện.
Bàn chân bị đứt rời.
Bàn chân cháu D. sau khi được nối. (Ảnh do BV Việt Đức cung cấp).
"Lúc đấy, ông nội nghĩ không nối được nên đã vứt bàn chân cháu xuống sông, trong khi tôi thì vẫn hy vọng nối được nên bảo ông bằng mọi cách phải mò chân cháu lên. Không nối được thì cũng đem chôn, chứ không vứt xuống sông như thế. May mắn là sau 1 tiếng nhờ nhiều người cùng mò thì cũng tìm thấy", anh C. kể lại.
Còn nước còn tát
Bé D. sau khi được sơ cứu tại BVĐK tỉnh Thái Bình thì được chuyển thẳng lên BV Việt Đức cùng với bàn chân đựng trong thùng đá vào lúc 2 giờ sáng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nối lại bàn chân sau khoảng 10 giờ bị đứt rời.
Bác sĩ Đào Văn Giang - Khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt (BV Việt Đức, Hà Nội) cho biết, cháu bé được đưa đến BV Việt Đức đêm 21/8 trong tình trạng bàn chân phải bị đứt rời hoàn toàn qua khớp cổ chân. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển vào phòng phẫu thuật với hy vọng cứu được bàn chân cho cháu bé. Khẳng định đây là một ca rất khó nhưng kíp phẫu thuật vẫn quyết tâm nối vì để bảo tồn chức năng của bàn chân cho cháu bé. Mặt khác, khả năng phục hồi thần kinh của trẻ tốt hơn người lớn rất nhiều, đặc biệt là tổn thương của cháu bé ở vị trí ngang khớp nên không cần phải cắt ngắn xương. Nếu ca nối bàn chân cho cháu thành công thì sau này cháu có thể đi lại bình thường, không bị chân thấp chân cao. Chính vì thế, kíp phẫu thuật đã dùng kính hiển vi để tiến hành phẫu thuật vi phẫu khâu nối động mạch, tĩnh mạch và dây thần kinh để phục hồi cảm giác bàn chân cho bệnh nhi.
Sau phẫu thuật 16 ngày, bàn chân của bé D. đã có những dấu hiệu của sự sống và hồng ấm trở lại, bé D. đã được xuất viện chiều ngày 5/9 trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Các bác sĩ cho biết, bé sẽ được tháo đinh, tháo bột và tập phục hồi chức năng sau 2-3 tuần nữa. Một vài tháng sau, bé có thể tập đi lại nhẹ nhàng.
Bác sĩ Đào Văn Giang thăm khám cho cháu D. trước khi xuất viện.
TS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình-hàm mặt cho biết, BV Việt Đức từng nối thành công nhiều trường hợp bị đứt rời chân, tay, tai, mũi, da đầu, dương vật... Tất cả các ca tai nạn này đều có thể phẫu thuật nối liền. “Nếu bệnh nhân được khâu nối trong khoảng 6-10 tiếng đồng hồ sau khi bị đứt rời các bộ phận thì tỷ lệ thành công là rất lớn, trên 80%”, tuy nhiên, sau khi bị tai nạn, người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc vào một miếng gạc (nếu có), sau đó cho vào túi nilon sạch, buộc kín lại, sau đó lại cho vào một túi nilon khác đựng nước, buộc kín rồi cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Việc làm này nhằm tránh cho bộ phận đứt tiếp xúc trực tiếp với đá gây bỏng lạnh và cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phận bị đứt rời.
Hạ Hiền