Hà Nội

Nội soi tiêu hóa cho trẻ cần chú ý những gì?

07-07-2023 14:04 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Nội soi tiêu hóa là phương pháp duy nhất có thể quan sát trực tiếp, đánh giá tốt nhất bệnh lý bên trong lòng ống tiêu hóa như viêm, loét, khối u và các dị tật.

Nội soi tiêu hóa cho trẻ có nguy hiểm?Nội soi tiêu hóa cho trẻ có nguy hiểm?

Con trai tôi 4 tuổi, cháu hay bị đau bụng kéo dài, biếng ăn, chậm tăng cân. Vừa rồi đi xét nghiệm phân phát hiện dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori, bác sĩ yêu cầu nội soi. Xin hỏi trường hợp cháu có nhất thiết nội soi? Thuốc gây mê có nguy hiểm tới sức khỏe của bé?

Nội soi với người lớn thì dễ dàng, nhưng với trẻ nhỏ lại khiến nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng. Vậy nội soi tiêu hóa cho trẻ cần chú ý những gì?

Cha mẹ cần làm gì trước khi trẻ nội soi tiêu hoá?

Thông thường việc chỉ định nội soi tiêu hóa ở trẻ là khi các bác sĩ thăm khám nghi ngờ trẻ mắc một số bệnh lý, điển hình như viêm loét dạ dày, tá tràng, trẻ hay nôn, chán ăn, đau bụng kéo dài, ăn nhiều không lớn, đi ngoài ra máu, đại tiện phân đen…

Bởi nội soi giúp bác sĩ thấy rõ tổn thương niêm mạc trong lòng thực quản, dạ dày và tá tràng, mà các xét nghiệm như siêu âm, X-quang, CT-scan… không khảo sát được. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiêu hóa chính xác nhất và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

Nội soi là phương pháp duy nhất có thể tiến hành sinh thiết niêm mạc ống tiêu hóa tại đúng vị trí cần thiết, nhờ đó làm được các xét nghiệm quan trọng khác như:

+ Xét nghiệm tế bào học để đánh giá mức độ viêm, loét, u lành tính hay ác tính.

+ Xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) là loại vi khuẩn liên quan đến viêm loét dạ dày bằng các phương pháp khác nhau: Test nhanh Urease, nhuộm Giemsa nhận dạng xoắn khuẩn H. Pylori, nuôi cấy vi khuẩn H. Pylori tìm kháng sinh phù hợp, miễn dịch thấm.

Ngoài ra, nội soi có thể điều trị một số bệnh lý ống tiêu hóa: Hẹp thực quản, polyp, chảy máu tiêu hóa, dị vật… mà trong nhiều trường hợp các phương pháp khác không thể ưu việt hơn.

Nội soi tiêu hóa rất phổ biến và khá an toàn, mặc dù vậy cũng có một số nguy cơ, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của trẻ. Trường hợp phản ứng dị ứng với thuốc mê, hít sặc, chảy máu chỗ sinh thiết, thủng ruột... thật sự rất hiếm gặp. Thông thường bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ gây mê sẽ khám thật kỹ cho trẻ trước khi quyết định thực hiện nội soi, để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ khi nội soi.

Để nội soi đảm bảo an toàn, cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ biết các bệnh lý mạn tính của trẻ, đặc biệt là bệnh phổi và tim mạch. Hãy cho các bác sĩ biết trẻ có tình trạng dị ứng không, các thuốc trẻ đang uống… hoặc có những bất thường đối với trẻ trước khi nội soi.

Nội soi tiêu hóa cho trẻ cần chú ý những gì? - Ảnh 2.

Việc chỉ định nội soi tiêu hóa trên ở trẻ, khi các bác sĩ thăm khám nghi ngờ trẻ mắc một số bệnh lý về đường tiêu hoá. Ảnh minh hoạ.

Ngày thực hiện nội soi tiêu hóa, trẻ cần thực hiện nhịn ăn uống như sau:

- Nhịn ăn uống 4 giờ, nếu trẻ < 6 tháng;

- Nhịn ăn uống 6 giờ nếu trẻ < 8 tuổi;

- Nhịn ăn uống 8 giờ nếu trẻ > 8 tuổi.

Có thể uống nước đường lần cuối trước khi nội soi 3 giờ. Nếu đã ăn uống cần hoãn nội soi, vì khi gây mê có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu ý sau khi trẻ nội soi tiêu hóa

Nội soi tiêu hóa trên không gây đau, hầu hết trẻ có thể về nhà trong ngày sau nội soi. Ở lứa tuổi của trẻ với thời gian gây mê ngắn (khoảng 5 - 15 phút), được sử dụng các loại thuốc mê mới sẽ giúp trẻ tỉnh ngay sau khi nội soi, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này.

Tuy nhiên, sau khi nội soi trẻ cần được theo dõi tại bệnh viện ít nhất 2 giờ để đảm bảo an toàn. Bác sĩ sẽ khám lại cho trẻ một lần nữa trước khi xuất viện hoặc cho trẻ nhập viện theo dõi thêm nếu cần.

Sau nội soi trong 24 giờ, trẻ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn tại nhà. vì tác dụng của các thuốc gây mê có thể còn. Trẻ có thể mệt mỏi, đau họng và đầy bụng trong một vài ngày. Không cho trẻ tham gia các hoạt động như đi xe đạp, bơi lội, sử dụng vật dụng sắc nhọn trong 24 giờ sau nội soi. Không trèo cầu thang, không tự đi trên sàn nhà trơn trong vòng 12 giờ.

Trẻ có thể ăn uống lại khi cảm thấy khỏe (uống nước, ăn thức ăn lỏng và sau đó là thức ăn đặc). Tránh dùng các nước uống có gas. Nếu trẻ sốt cao, nôn ói, khó nuốt, đau ngực, đau bụng, đi cầu ra máu… cần thông báo ngay cho các bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

Nội soi dạ dày có thể bao gồm những biến chứng nào?


TS. BS Phan Thị Hiền
Ý kiến của bạn