Hà Nội

Nội soi thực quản gắp cả thuốc lẫn vỏ cho cụ ông 61 tuổi

17-04-2019 13:14 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trung tâm Nội soi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa thực hiện thành công ca nội soi thực quản gắp dị vật là một đoạn cả thuốc lẫn vỏ cho bệnh nhân 61 tuổi.

Bệnh nhân tên là L.K.L (nam, 61 tuổi, ở Khương Thượng - Hà Nội). Gia đình bệnh nhân cho biết, ông L. tự mua một số loại thuốc tại nhà thuốc tư nhân về uống (không rõ các loại thuốc gì), khoảng 8h tối ông lấy ra uống cùng lúc cả nắm thuốc và vô tình uống nhầm viên thuốc chưa tách ra khỏi vỉ.

Khoảng 1 tiếng sau khi uống thuốc, ông thấy khó chịu và đau vùng cổ phía trên hõm ức nên lập tức vào viện thăm khám.

Ngay khi tiếp nhận, bác sĩ khám bệnh nghi ngờ dị vật đường thực quản nên chỉ định thêm xét nghiệm, chụp X-quang tim phổi cho các kết quả bình thường, không thấy hình ảnh phản quang. Nội soi Tai Mũi Họng kết quả bình thường, không phát hiện dị vật.

Quyết định nội soi dạ dày thực quản kiểm tra thì thấy tại 1/3 đoạn thực quản phía trên có dị vật là đoạn cả thuốc lẫn vỏ (thuốc chưa tách ra khỏi vỉ).

Hình ảnh nội soi thấy rõ mảnh vỉ thuốc trong thực quản bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành gắp dị vật bằng kìm cá sấu, kiểm tra tại lòng thực quản có vết xước nhỏ, không chảy máu. Sau thủ thuật, bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn hết đau, cổ họng không vướng, được ra viện ngay sau đó.

Bác sĩ Nguyễn Đức Anh - Trung tâm Nội soi cho biết: Với tính chất sắc nhọn của mảnh vỉ thuốc, nếu không lấy ra kịp thời có thể gây tổn thương đâm thủng thực quản, thậm chí có thể gây các vết xước, rách hoặc chảy máu tại nhiều vị trí khác mà nó tiếp xúc.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người già khi uống thuốc nên cẩn trọng (trẻ em phải có sự giám sát của người lớn), uống từng loại thuốc theo đúng chỉ định, liều lượng, tránh uống cùng lúc nhiều loại thuốc dẫn đến nguy cơ tương tác thuốc không mong muốn hoặc không may chủ quan uống nhầm cả thuốc còn chưa tách khỏi vỉ như trường hợp bệnh nhân L. gây nguy hiểm.

 

Dị vật bị hóc theo hai con đường: đường ăn (thực quản) hoặc đường thở (khí quản, phế quản). Khi dị vật được nuốt vào thực quản, nếu sắc nhọn hoặc có kích thước lớn sẽ mắc vào thực quản, cổ hoặc trong lồng ngực. Nếu không được lấy ra sớm, dị vật nhanh chóng gây loét ở nơi bị kẹt, rồi gây thủng thực quản, dịch và thức ăn trong thực quản thoát ra gây viêm trung thất. Người bệnh thường thấy đau ngực, nuốt khó, nuốt đau, thậm chí ói ra máu. Nặng hơn nữa, dị vật có thể đâm thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng.

Khi dị vật vào đường thở do sặc hoặc hít do vô ý, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, tử vong; nếu nhỏ hơn sẽ vào sâu trong khí quản và tùy theo kích thước hoặc hình dáng mà vào sâu tới phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, để lâu có thể ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc ápxe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi mà nó thông khí.

Khi khai thác bệnh sử của những người lớn hóc dị vật, các bác sĩ ghi nhận họ bị hóc dị vật khi vừa ăn uống vừa giỡn, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc hoặc khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ để tránh bị hóc dị vật là nên tập trung khi ăn uống.

Lê Mai
Ý kiến của bạn