Bệnh nhân là trường hợp của cụ bà H.T.D sinh năm 1922, ở Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh. Theo lời kể bệnh nhân hoàn toàn không có bệnh lý gì bất thường. Cách nhập viện 4 ngày, bệnh nhân bỏ ăn, đau bụng thượng vị và hạ sườn phải, sau đó sốt lạnh run, vàng da vàng mắt.
Bệnh nhân được gia đình đưa nhập viện tại một bệnh viện địa phương rồi chuyển viện Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Ngoại tổng quát để điều trị.
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Toàn là bác sĩ điều trị trực tiếp bệnh nhân cho biết:Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tỉnh, vàng da vàng mắt, sốt lạnh run từng cơn, buồn nôn, ấn chẩn đau hạ sườn phải. Bệnh nhân được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, một số kết quả đáng chú ý như sau: Kết quả CT scan bụng có cản quang cho thấy giãn lớn đường mật trong và ngoài gan, đường kính ống mật chủ khoảng 17mm. Nghi có sỏi ống mật chủ đoạn cuối. Sỏi túi mật có đường kính ngang khoảng 30mm, thành túi mật mỏng. Giãn ống tụy chính, đường kính khoảng 7mm.
Hình ảnh ERCP đặt stent (mũi tên xanh) giải áp đường mật cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng đường mật nặng do sỏi ống mật chủ, sỏi túi mật. Suy thận cấp và được điều trị bằng kháng sinh nhưng không cải thiện. Do đó các bác sĩ khoa Ngoại Tổng quát quyết định tiến hành ERCP cấp cứu để đặt stent giải áp đường mật cho bệnh nhân bên cạnh việc tiếp tục điều trị kháng sinh.
Theo BS. Nguyễn Thế Toàn do bệnh nhân đã 97 tuổi, nên có nhiều nguy cơ và các bác sĩ đã giải thích kỹ cho người nhà về tình trạng bệnh, sự cần thiết thực hiện ERCP và những nguy cơ khi thực hiện ERCP cho bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành thủ thuật đưa 1 stent nhựa 10Fr dài 7cm đặt vào ống mật chủ, chụp Xquang đường mật cản quang trước và sau đặt stent.
Sau thủ thuật tình trạng bệnh nhân diễn tiến tốt, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, không sốt, còn đau nhẹ hạ sườn phải. Bệnh nhân được xuất viện sau đó 2 ngày.
ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn khám kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau khi làm ERCP.
ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn cho biết thêm: “Bệnh nhân này cao tuổi (97 tuổi) nên nếu mổ mở (cổ điển) có thể bệnh nhân sẽ không qua khỏi. Do đó để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trong giai đoạn cấp cứu này chúng tôi quyết định làm ERCP để đặt stent giải áp đường mật cho bệnh nhân trước, sau vài tháng sẽ thực hiện ERCP lần 2 để lấy hết sỏi và lấy stent ra. Đây là trường hợp thứ 2 bệnh nhân 97 tuổi được chúng tôi làm ERCP thành công tại bệnh viện.
Từ trường hợp bệnh nhân này, BS. Toàn khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Trường hợp đã phát hiện có sỏi đường mật thì nên tái khám mỗi 6 tháng và khi có biến chứng thì cần đến ngay các cơ sở y tế có kỹ thuật nội soi để can thiệp.Sau khi can thiệp bệnh nhân nên tái khám mỗi 3 đến 6 tháng vì sỏi có thể tái phát.
Nhiễm trùng đường mật là tình trạng viêm đường mật do vi khuẩn gây nên, thường xảy ra trên bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật (do sỏi, u, ký sinh trùng,...)
Khi bị nhiễm trùng đường mật, triệu chứng điển hình nhất là tam chứng Charcot: Đau, sốt, vàng da.
Đau: Cơn đau ở vùng bụng trên bên phải xuất hiện đột ngột, kéo dài trong nhiều ngày, đau tăng nặng hơn khi người bệnh thở mạnh, do đó họ thường có xu hướng nín thở. Đau cũng có thể lan ra sau lưng hoặc lên vai phải.
Sốt: Thường sốt cao trên 39OC
Vàng da: Khi đường mật bị tắc nghẽn, bilirubin trong máu tăng cao khiến da, củng mạc mắt có màu vàng.
Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chán ăn, sợ mỡ, ăn uống không tiêu, đầy trướng,...