Nội soi lấy móc ổ khóa trong dạ dày bé 20 tháng tuổi

30-04-2022 15:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị vừa gắp thành công dị vật là móc của ổ khóa trong dạ dày bé 20 tháng tuổi.

Nội soi cứu bệnh nhi 20 tháng tuổi bị dị vật mắc trong dạ dày  - Ảnh 1.

Các bác sĩ thực hiện gắp dị vật khỏi dại dày bệnh nhân N

Trước đó, vào khoảng 1h sáng ngày 25/4, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi N. (20 tháng tuổi, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) với chẩn đoán hóc dị vật đường tiêu hóa.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc chơi đùa, cháu N. có cầm ổ khóa trên tay, một lúc sau, người nhà phát hiện ổ khóa bé N cầm không còn móc khóa, nên đã đưa cháu đến bệnh viện huyện để thăm khám. Sau đó, bệnh viện đa khoa huyện đã chuyển bệnh nhi N. lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu và điều trị.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhi N. các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiến hành thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng và  phát hiện dị vật trong dạ dày bệnh nhi. Bác sĩ đã quyết định gây mê, thực hiện nội soi để gắp dị vật ra khỏi dạ dày bé N.

Hiện sức khỏe bệnh nhi N. đã ổn định và đã được cho xuất viện về nhà theo dõi tiếp.

"Khi thực hiện nội soi để gắp dị vật, do dạ dày của bệnh nhi N. còn nhiều thức ăn nên các BS đã gặp không ít khó khăn, một mặt dị vật lẫn với thức ăn, mặt khác trong quá trình lấy dị vật, vì là kim loại nên có khả năng rất cao làm xây xát, chảy máu niêm mạc dạ dày, thực quản dẫn đến nguy cơ chảy máu, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân", BS Hồ Thị Thảo - người tham gia điều trị cho bệnh nhân- cho biết.

Cũng theo BS Hồ Thị Thảo, thì dị vật đường tiêu hóa là một tình huống cấp cứu thường gặp. Tai nạn sinh hoạt hy hữu này có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, mà trẻ nhỏ thường là đối tượng dễ gặp nhất do tính hiếu động, luôn muốn khám phá thế giới xung quanh, nhất là lứa tuổi từ 2-7 tuổi.

Dị vật đường tiêu hóa rất đa dạng, có thể là đồng xu, pin, kim khâu, tăm tre, que kẹo mút, xương cá, kẹp tóc, ghim giấy, ốc vít, nút áo… là những vật thường thấy trong đời sống hằng ngày, thường trẻ do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi…

Nội soi cứu bệnh nhi 20 tháng tuổi bị dị vật mắc trong dạ dày  - Ảnh 2.

Dị vật được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân N.

Với những dị vật có hình thù sắc nhọn có thể gây rách ống tiêu hóa, chảy máu. Nếu dị vật để lâu có thể gây viêm thanh quản, viêm quanh cổ, áp-xe thực quản hay gây nhiễm khuẩn… nguy hiểm đến tính mạng nếu các bậc cha mẹ không phát hiện, đưa con đến cơ sở y tế xử trí kịp thời".

Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất và vị trí (to hay nhỏ), thời gian mắc dị vật. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh mới phát hiện dị vật.

Đối với dị vật tại thực quản, trẻ thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...

Còn khi bị dị vật đường tiêu hóa, trẻ thường kêu đau bụng, quấy khóc, buồn nôn, ăn không tiêu. Nếu dị vật để lâu trong dạ dày gây thủng nội tạng, chảy máu...

Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ đã nuốt dị vật, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn hay chỉ chờ đợi với mục đích làm dị vật "trôi" xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp. BS Thảo khuyến cáo.

Bị hóc dị vật đừng cố chữa bằng mẹoBị hóc dị vật đừng cố chữa bằng mẹo

SKĐS - Một số người lớn khi nuốt phải dị vật đã cố tìm cách chữa bằng mẹo, việc làm này gây tổn thương nặng các bộ phận cơ thể mà không giải quyết được vấn đề.


Khánh Tâm
Ý kiến của bạn