Nội soi hút cục máu đông cứu "cánh tay chết" cho cụ ông 87 tuổi

03-10-2019 14:38 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - TS.BS Bùi Long - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu nghị cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành phẫu thuật nội soi hút cục máu đông cho cụ ông 87 tuổi bị tắc mạch chi, tránh cho bệnh nhân phải trải qua một cuộc mổ lớn nếu như phải điều trị bằng phương pháp trước đây. Được biết, BV Hữu nghị là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc áp dụng kỹ thuật này, giúp nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.

Bệnh nhân cao tuổi này là ông Bùi S. (ở Hà Nội), bệnh nhân được gia đình đưa đến BV Hữu nghị trong tình trạng yếu liệt tay bên phải, toàn bộ cánh tay phải lạnh ngắt, mất cảm giác.

Trước thời điểm nhập viện vài tiếng, khi đang ở nhà, ông S. đột nhiên thấy tay phải yếu dần, không thể chống tay xuống giường để đứng lên được. Cứ nghĩ mình bị trúng gió, ông S. đã lấy dầu xoa bóp nhưng xoa mãi mà tay không ấm nóng lên, ngược lại ngày càng lạnh đi, mất cảm giác. Sau đó người nhà đã đưa ông đến BV Hữu nghị cấp cứu.

Tại BV Hữu nghị, các bác sĩ đã thăm khám và cho bệnh nhân đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả chiếu chụp cho thấy, bệnh nhân có khối máu đông gây tắc động mạch từ vùng nách khiến toàn bộ cánh tay phải của người bệnh không được tưới máu, lạnh như "cánh tay chết".

TS.BS Bùi Long cho biết, cánh tay bệnh nhân lạnh ngắt, bắt mạch cổ tay không có. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh tắc mạch chi cấp. Điều này khác với những trường hợp bị đột quỵ, tuy có yếu liệt tay nhưng cánh tay người bệnh vẫn ấm, hồng chứ không tím và lạnh ngắt, bệnh nhân đau, tay mất cảm giác, mất mạch như tắc mạch chi.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Sau khi tiến hành đặt đầu dò siêu âm bác sĩ thấy ngay không có dòng máu chảy từ động mạch nách xuống tay bệnh nhân. Trên siêu âm còn thấy cục máu đông rất lớn chặn ngay động mạch từ vùng nách khiến toàn bộ cánh tay phải bệnh nhân không được tưới máu.

Chính vì vậy, các bác sĩ đã quyết định đưa ra phương án điều trị là sử dụng thiết bị nội soi chuyên dụng để hút cục máu đông thay vì phẫu thuật mổ mở cho bệnh nhân.

Tránh nguy cơ cắt tay, bệnh nhân hồi phục nhanh

Theo chuyên gia can thiệp tim mạch Bùi Long, thông thường với những trường hợp tắc mạch chi cấp tính, phương pháp kinh điển bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tiến hành gây tê, phẫu thuật để lấy cục máu đông. Tuy nhiên, với bệnh nhân này tuổi khá cao, nên các bác sĩ quyết định sử dụng thiết bị nội soi để hút cục máu đông. Trường hợp bệnh nhân này, nếu vì lý do nào đó không mổ được, không can thiệp nội soi hút cục máu đông ngay được, người bệnh sẽ phải cắt tay để bảo toàn tính mạng.

Rất may mắn, sau khoảng 40 phút phẫu thuật với 10 lần hút các cục máu đông, các bác sĩ đã hút ra rất nhiều cục máu đông trong lòng mạch của bệnh nhân. Quá trình kiểm tra sau đó thấy động mạch đã thông thoáng, máu lại được tưới đều khắp cánh tay đến tận ngón tay. Cánh tay người bệnh lập tức ấm hồng trở lại, không còn lạnh ngắt như "cánh tay chết" lúc đầu, bệnh nhân có thể giơ tay cao như bình thường.

Một ca can thiệp tại khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu nghị.

TS. Long cho biết, nội soi hút cục máu đông cho bệnh nhân tắc mạch chi cấp là kỹ thuật mới lần đầu tiên được triển khai tại miền Bắc. BV Hữu nghị đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và cứu sống bệnh nhân. Với phương pháp này, bệnh nhân không phải trải qua một cuộc mổ lớn như trước đây. Bác sĩ sẽ dùng thiết bị chuyên dụng để luồn vào động mạch từ dưới đùi đi ngược lên, tiến tới vị trí có cục máu đông để hút ra, giải phóng động mạch, máu lưu thông bình thường.

Cũng theo TS. Long, trường hợp tắc mạch chi cấp tính, nếu không điều trị kịp thời, mạch máu tắc không giải phóng tưới máu cho tay sẽ khiến toàn bộ cánh tay, bàn tay, hoại tử nhanh chóng, mất hết chức năng về cơ, thần kinh. Khi cánh tay bị hoại tử sẽ giải phóng chất độc, nếu không kịp thời xử lý chất độc này do hoại tử đi sâu vào cơ thể gây tình trạng suy thận cấp, có thể tử vong do hoại tử gây độc cho cơ thể.

Để phòng tránh tắc mạch chi cấp tính, cần điều trị tốt các bệnh lý có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc mạch cấp (như bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch máu mạn tính...) và quan trọng nhất là khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa mạch máu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

Hiện nay, một điều đáng báo động là đa số bệnh nhân đến viện vẫn còn ở giai đoạn muộn dẫn đến khả năng bảo tồn chi còn rất hạn chế. Một số người bệnh có đến viện nhưng không đúng chuyên khoa cũng dẫn đến mất cơ hội bảo tồn chi và làm giảm kết quả điều trị, vì vậy trong tắc động mạch chi cấp tính, vấn đề chẩn đoán kịp thời và thời gian được điều trị là rất quan trọng.

Theo các bác sĩ, tắc động mạch chi cấp tính là tình trạng đột ngột thiếu máu chi, đe dọa đến khả năng bảo tồn chi. Đây là bệnh cảnh cấp cứu và nguy hiểm nhất đối với mạch ngoại biên, dễ có nguy cơ cắt cụt chi gây tàn tật, thậm chí tử vong nếu không được điều trị thích hợp.
Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây tắc mạch chi cấp tính, đó là do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển gây tắc mạch, do huyết khối hình thành trên các mạch máu bệnh lý có sẵn và do chấn thương mạch máu.
Người bệnh tắc mạch chi thương có dấu hiệu đau đột ngột ở chi, mất mạch, xanh xao, rối loạn cảm giác chi, liệt vận động... Do đó, khi thấy có dấu hiệu bất thường kể trên cần nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Dương Hải
Ý kiến của bạn