Bệnh nhân Phan Xuân Đính (69 tuổi, trú tại xã Kỳ tân - huyện Kỳ Anh) cho biết: Cách đây gần 1 tháng, trong một lần ăn cháo gà thì bị sặc và sau vài ngay thì xuất hiện ho, khạc đờm nhiều, khó thở... Gia đình cứ nghĩ là do ông có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nên coi đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh nhân xuất hiện khó thở, khò khè nhiều và xuất hiện đờm nhiều hơn nên gia đình đã đưa ông đi khám.
Sau khi đưa vào bệnh viện, bệnh nhân được chuyển lên khoa Nội tổng hợp, tại đây các bác sỹ đã cho là các xét nghiệm cần thiết nhưng phát hiện ra vấn đề gì. Lúc này các bác sỹ đã hỏi tiền sử bệnh nhân trong thời gian qua thì nghi ngờ bệnh nhân bị mắc dị vật, đồng thời tiến hành chụp CT lồng ngực thì phát hiện ở lòng phế quản trung gian phổi phải có dị vật.
Vị trí dị vật bị mắc ở lòng phế quản trung gian phổi phải qua hình ảnh chụp CT.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa nội tổng hợp tiến hành điều trị kháng sinh 1 đợt trong 4 ngày để cải thiện tình trạng đợt cấp COPD trên bệnh nhân theo dõi dị vật lòng phế quản phổi phải, sau khi tình trạng phù nề được cải thiện, thở dễ hơn... các bác sỹ đã quyết định nội soi gắp lấy dị vật. Khi soi phát hiện dị vật là một mẩu xương nằm ở lòng phế quản trung gian phổi phải, tiến hành gắp ra được 1 mẩu xương có kích thước 1.5cm x 1,5cm. Sau khi gắp dị vật ra khỏi lòng phế quản, bệnh nhân Đính đã dễ thở hơn, ít ho và dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sỹ Trần Ngọc Anh - Khoa nội tổng hợp người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: bệnh nhân Đính đến viện đã xuất hiện phù nề, chảy máu xung quanh phần dị vật mắc, nếu gia đình không đưa bệnh nhân đến kịp thì có thể gây ra viêm, áp xe, thậm chí thủng phế quản, tràn khí trung thất... lúc đó thì sẽ khó điều trị hơn và thời gian điều trị dài hơn.
Mẫu xương gà có kích thước 1,5x1,5cm sau khi được gắp ra.
Thông thường khi bị hóc xương cá, xương gà... thì người dân thường cố gắng khạc, dùng tay móc hoặc ăn cục cơm, chuối để lấy xương ra. Nhưng thực tế, những việc làm này sẽ làm cho viêm mạc họng bị trầy xước, nhiễm trùng, viêm nhiễm đường họng. Khi nuốt cơm, chuối còn làm cho xương xuống sâu hơn khiến cho việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.Theo bác sĩ Anh, việc dị vật đường thở bỏ quên thường không rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, người bệnh được chỉ định điều trị lao, phổi. Mãi một thời gian lâu sau đó thì mới phát hiện dị vật bỏ quên mới chính là “thủ phạm”.
Bác sĩ Anh khuyến cáo, người dân không nên vừa ăn vừa đùa giỡn, khi ăn nên nhai kỹ, ngồi ăn và không nên vừa nằm vừa ăn để tránh bị dị vật đường ăn, đường thở. Đặc biệt, đối với trẻ em, khi trẻ bị viêm phổi tái phát nhiều lần, ho nhiều… thì nên thăm khám ở các bệnh viện chuyên khoa vì có thể là có dị vật đường thở bỏ quên.