Kỳ thực, việc lo sợ mất đi những người hoặc sự vật mình yêu quý cũng là một phần của cuộc sống, khi mà những chuyện được mất hay hợp tan cũng là lẽ thường tình của đời người. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ đó trở nên trầm trọng, thường trực đến mức ám ảnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống của chủ thể, nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến người đó không thể xây dựng được những mối quan hệ tốt cũng như có một cuộc sống bình yên thoải mái.
Một người từng phải chịu đựng nỗi đau bị bỏ rơi dễ gặp tình trạng khó khăn hoặc căng thẳng về mặt tâm lý, bởi họ luôn lo sợ bi kịch sẽ tái diễn. Chẳng hạn, một đứa trẻ từng bị cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng bỏ mặc hoặc không chăm sóc đầy đủ thường có tính cách “nắng mưa” thất thường, hay khóc hoặc dỗi hờn, dễ nóng giận hoặc cáu gắt; và nếu không được khắc phục, tình trạng này có thể kéo dài đến khi đứa trẻ đó lớn lên, thậm chí suốt đời, khi mà những hành vi bốc đồng cáu kỉnh như thế sẽ khiến cho những người xung quanh ngại tiếp xúc và xa lánh người đó.
Một người mẹ bỏ rơi con không nhất thiết phải gói ghém đồ đạc hành lý rồi rời khỏi nhà và bỏ lại đứa trẻ; mà sự bỏ rơi có thể diễn ra cả về mặt thể xác (tức khoảng cách địa lý) lẫn tinh thần. Một người cha hoặc mẹ không thể hiện tình cảm yêu thương với con cái, thường xuyên lạnh lùng hoặc hờ hững với đứa trẻ cũng là một hành vi bỏ rơi, kể cả khi tất cả cùng sống dưới một mái nhà. Những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ không ngừng tự vấn bản thân rằng tại sao cha mẹ lại bỏ mình. Chúng liên tục tự hỏi rằng: “Mình đã làm gì sai để cha hoặc mẹ hành xử như vậy?”; “Tại sao cha mẹ không yêu mình?”; “Tại sao cha mẹ luôn cưng chiều em gái/em trai hơn mình?”... để rồi luôn bị ám ảnh bởi việc phải tìm ra câu trả lời. Những đứa trẻ này luôn lo sợ rằng mình không ngoan, không dễ thương, rằng mình bất bình thường, nên cha mẹ mới như thế. Và cái suy nghĩ sai lệch rằng mình không đáng được yêu thương này có thể được đứa trẻ mang theo suốt đời, để rồi người đó không dám kết bạn, e ngại sự gần gũi, và gặp khó khăn trong mọi mối quan hệ.
Tệ hơn, một số trẻ em bị bỏ rơi có thể suy nghĩ lệch lạc rằng chúng cần phải bảo vệ bản thân mình khỏi mọi nỗi đau bằng mọi giá. Những đứa trẻ này vể sau có thể trở thành những người lớn khó gần, sống với suy nghĩ rằng thà bỏ rơi người khác hoặc tự tay chấm dứt mối quan hệ trước nhất, còn hơn là để người ta bỏ rơi mình.
Trong nhiều trường hợp, nỗi sợ bị bỏ rơi còn có mối liên hệ mật thiết với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Chẳng hạn, một tai nạn thảm khốc khiến cho một đứa trẻ mất đi những người thân yêu, hay một môi trường sống không an toàn - nơi mà đứa trẻ bị ngược đãi về mặt thể chất lẫn tinh thần đều có thể để lại chấn thương tâm lý nặng nề lên trẻ, bao gồm cả nỗi sợ bị bỏ rơi. Sang chấn tâm lý hoàn toàn có thể xảy ra với những trẻ em hoặc người lớn sống trong môi trường gia đình ngột ngạt, bị người thân trêu đùa cảm xúc, hoặc bị cha mẹ đặt những kỳ vọng quá cao và không thực sự chính đáng, và trong cả những gia đình mà cha mẹ cũng có những khó khăn về mặt tâm lý, có biểu hiện sở hữu hoặc bấu víu con cái như thể giá trị của họ được quyết định chỉ bởi sự thành đạt hoặc xuất chúng của con mình.
Nỗi sợ bị bỏ rơi trầm trọng và kéo dài còn gây tác động tiêu cực đến với lòng tự trọng của con người. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có lòng tự trọng thấp dễ kết bạn với những người cũng có những niềm tin tiêu cực giống mình. Nỗi sợ bị bỏ rơi cũng như lòng tự trọng thấp khiến cho chủ thể không thể tin tưởng ai, không dám tin vào cuộc sống, thường cảm thấy bản thân mình vô dụng, không thích các mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi, hoặc thường xuyên phải chống chọi với tình trạng lo âu, trầm cảm, phụ thuộc quá mức vào người khác, và đối mặt với nhiều khó khăn khác trong cuộc sống.
PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
(Tổng hợp từ Internet)
Mời xem tiếp bài 2: Dấu hiệu nhận biết của nỗi sợ bị bỏ rơi ra ngày 18/7/2015