"Được quây quần bên gia đình ngày cuối năm" với chúng ta điều đó thật dễ dàng nhưng với những y bác sĩ, nhất là các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch nó lại trở nên... hiếm hoi. Họ phải gác lại những niềm vui, hạnh phúc cá nhân vì sức khỏe cộng đồng.
Từ khi đi làm đến nay, ThS. BS Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa không nhớ được bao nhiêu lần trực ngày cuối năm, chỉ biết là từng nấy năm làm nghề, anh luôn là người xông đất cho gia đình vào năm mới.
"Một năm tất bật lo toan, ngày cuối cùng của năm ai cũng háo hức muốn được sum vầy bên những người thân yêu, nhưng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc không cho phép, tuy cũng có một chút chạnh lòng nhưng đã lựa chọn nghề này thì phải có trách nhiệm với công việc và sự lựa chọn của mình" BS Dũng tâm sự.
Những ngày cuối năm này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với BS Dũng, khi đấng sinh thành của anh đã vượt qua cơn bạo bệnh và anh là một trong những bác sĩ tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành y tế Thanh Hóa trong năm qua và vinh dự được được đồng chí Đỗ Trọng Hưng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa tới thăm và chúc Tết gia đình!
Và niềm vui to lớn hơn khi Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa chào đón sinh linh bé bỏng chào đời an toàn trong khu điều trị người bệnh COVID-19. Tiếng khóc oe oe của bé cùng niềm vui, sự rạng rỡ trên khuôn mặt người mẹ mắc COVID khi thấy con chào đời khỏe mạnh là niềm động lực giúp các y bác sĩ quên đi những mệt nhọc.
"Trước đó ít hôm, dưới sự nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa, cụ bà 100 tuổi đã hồi phục khỏe mạnh sau 11 ngày nhập viện điều trị COVID-19" - BS Dũng vui mừng cho biết.
Hai tháng đi chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, đã giúp cho điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Giang - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh COVID-19. Bởi vậy, khi BV Điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa cần nhân lực hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhi mắc COVID-19, không chần chừ chị đăng ký ngay.
Đã tròn 1 tháng công tác trong khu điều trị COVID-19, lẽ ra đã được ra ngoài nhưng chị vẫn đăng ký ở lại. "Có một mình, nên tôi cũng muốn được đón giao thừa cùng các đồng nghiệp và bệnh nhân để cảm nhận được không khí ấm cúng, vui vẻ ngày cuối năm và cũng mong muốn được đóng góp một phần sức lực nhỏ nhoi để giúp đỡ người bệnh", điều dưỡng Giang nói.
"Tại khu điều trị bệnh nhi có những hoàn cảnh rất khó khăn, một số trường hợp là người dân tộc thiểu số mắc bệnh hiểm nghèo, hàng tháng phải đi truyền máu dưới bệnh viện tỉnh, chẳng may bị mắc COVID phải chuyển sang điều trị tại đây. Bệnh chồng bệnh, những đứa trẻ non nớt, đã thiệt thòi đủ thứ lại phải gánh chịu những cơn đau về thể chất, khiến chúng tôi rất xót xa".
"Các y bác sĩ 2 người chung một suất cơm để nhường suất cho bệnh nhân, đồng thời nhờ bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm như quần áo, sữa, bánh kẹo… Mỗi người đóng góp một ít để các bé có những ngày cuối năm trên giường bệnh thật vui vẻ, mong vơi bớt những đau đớn, thiệt thòi mà các bé phải gánh chịu", chị Giang tâm sự.
Cũng như BS Dũng, đêm trực cuối năm nay có ý nghĩa đặc biệt với điều dưỡng Lê Thị Hòa - Điều dưỡng trưởng Khu điều trị Hồi sức tích cực 1 (BV điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa). Đã rất nhiều lần trực vào đêm cuối năm nhưng năm nay là năm đầu tiên không tổ chức tất niên cũng không đi chúc Tết các khoa phòng.
Chị Hòa chia sẻ, mọi năm trực tại khoa điều trị thông thường, sau tiệc tất niên mỗi khoa sẽ có vài người đại diện cùng lãnh đạo Bệnh viện đi chúc Tết các khoa phòng, mời nhau chén rượu đầu xuân, động viên các anh em làm việc. Nhưng năm nay dịch bệnh, đặc thù của khu điều trị COVID phải cách ly, đảm bảo yêu cầu nhiễm khuẩn, quần áo bảo hộ.... Do vậy, mọi người cũng chỉ biết gọi điện động viên tinh thần các anh em.
"Ngày cuối năm ai cũng hối hả được trở về với gia đình, còn mình lại mang hành lý vào bệnh viện. Tuy tất cả đều sẵn sàng, tự nguyện thực hiện nhiệm vụ nhưng cũng không khỏi chạnh lòng, nhất là khi phút giao thừa đến" chị Hòa trải lòng.
Tuy nhiên, các bác sĩ buồn nhưng những bệnh nhân đang điều trị tại đây còn buồn và cô đơn hơn, khi bệnh nặng lại không có người thân ở bên chăm sóc động viên. Biết được điều đó, các bác sĩ ngoài việc chăm sóc ăn uống, vệ sinh cá nhân, cũng luôn trò chuyện, động viên, kể những câu chuyện cười giúp người bệnh phấn chấn tinh thần, vượt qua bệnh tật.
Chiều nay, Bệnh viện Điều trị COVID-19 số 1 cũng đã tổ chức dọn dẹp, sắp xếp mọi thứ gọn gàng để chuẩn bị đón năm mới. Năm mới hy vọng tất cả mọi người đều khỏe mạnh, dịch bệnh sớm được đẩy lùi để chúng ta sớm về với cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 10/9/2021, có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2; điều trị, cấp cứu người bệnh COVID-19; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật khám và điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh viện có quy mô 350 giường bệnh gồm 4 khoa (1 khoa hồi sức tích cực và 3 khoa nội) với hơn 70 y bác sĩ.
Từ khi thành lập đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 2210 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2009 bệnh nhân đã xuất viện. Hiện Bệnh viện đang điều trị cho 141 bệnh nhân COVID trong đó có 24 bệnh nhân nặng tầng 3 và 13 phụ nữ mang thai.