Nỗi niềm phim truyền hình đề tài nông thôn

30-08-2012 15:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm 2012 được xem là năm thành công của phim truyện đề tài nông thôn, đặc biệt là truyền hình ở phía Nam. Những thước phim mang đến cho khán giả những chuyến du ngoạn thực sự về đồng đất, sông nước, miệt vườn.

(SKDS) - Năm 2012 được xem là năm thành công của phim truyện đề tài nông thôn, đặc biệt là truyền hình ở phía Nam. Những thước phim mang đến cho khán giả những chuyến du ngoạn thực sự về đồng đất, sông nước, miệt vườn. Hình ảnh nông thôn Việt Nam mộc mạc hữu tình lên phim được xem là một bước ngoặt trong công cuộc "đổi món" phim truyền hình được đánh giá là rất duyên dáng, mặn mà.

Những tour du lịch miền quê

Từ đầu năm nay, hàng loạt các kênh VTV1, VTV9, HTV9, HTV7, VL1, SCTV 14, Bình Dương… đều kịp gây ấn tượng với những bộ phim mang đậm phong cách những miền nông thôn khác nhau. Đó là Tình ca cao, Tiếng tơ đồng, Đua nhau làm giàu, Về quê cưới vợ, Chuyện tình làng hoa, Qua ngày giông bão, Lúa trổ bông, Đồng quê... Tiếp nối mạch phim đang được Nhà nước khuyến khích, những Chuyện làng bè, Tay chơi miệt vườn (M&T Pictures), Bìm bịp kêu chiều (Trung Dân), Hương bưởi, Vọng kim lang… hay Đất mặn, Chân trời cỏ biếc, Cá lên bờ (TFS sản xuất), Giấc mơ xanh (V-Art)…đang là những phim chiếm thị phần người xem cao.

 Cảnh phim Hương bưởi

Điều đặc biệt là đa số những người "nghiền" phim về đề tài nông thôn, nông dân lại là người thành phố. Lồng trong những thước phim với đầy đủ vui buồn, hạnh phúc, khổ đau, bất trắc ấy là cảnh sắc thiên nhiên phong phú, đẹp mắt của nhiều vùng nông thôn trù phú.

Lấy bối cảnh những vùng đất trù phú, bao quanh bởi sông nước như Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Long An, Bình Dương, Củ Chi…, các đạo diễn đã vô tình đồng tâm cùng thực hiện cho khán giả một tour du lịch khám phá vô cùng lý thú với phim truyền hình. Đất mặn - bộ phim gần đây nhất về đề tài nông thôn Nam bộ của đạo diễn Nguyễn Tường Phương gây nhiều cảm tình cho khán giả bởi nhiều lý do. Thứ nhất vì kịch bản phim mô phỏng từ nhiều tác phẩm nổi tiếng các tập bút ký Ðồng cỏ chát, Canh bạc, Nỗi niềm U Minh Hạ của nhà báo Võ Ðắc Danh, bút ký Tiếng dội của đất và chương Ðồng trong tập trường ca Ðầu mùa mưa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín. Thứ hai là diễn biến về cuộc chiến giữ đất hết sức cam go. Thứ ba là bối cảnh đất Mũi Cà Mau tuyệt đẹp trong phim làm xiêu lòng những người yêu vẻ đẹp nguyên sơ của đồng bằng sông Cửu Long.

Trăn trở những nỗi niềm

Bối cảnh xa xưa, đời sống cơ cực của người nông dân Nam bộ vùng Cà Mau, Bạc Liêu thời thực dân phong kiến đã được đạo diễn Phương Nam chuyển tải rất sâu sắc qua bộ phim Đồng quê. Cũng đau đáu với nỗi niềm của người nông dân trước cảnh đất đai trở thành những sân golf trong công cuộc hiện đại hóa nông thôn, đạo diễn Nguyễn Tường Phương đã khiến khán giả xót xa với bi kịch của những người nông dân bám đất trong Đất mặn. Những giá trị nguyên bản của nông thôn xưa bị pha tạp, lai hóa dần để lại những nuối tiếc khôn nguôi cho những người trọng bản sắc truyền thống của dân tộc, vùng miền.

Lần lượt những hoạt động nông nghiệp như nuôi cá tra, cá bè, trồng bưởi Năm Roi, trồng lúa cao sản xuất khẩu, trồng rau sạch, trồng cây vú sữa lên phim cho khán giả một hình dung rõ nét về đời sống của người nông dân. Lẫn trong đó là những cảnh huống đáng buồn, những giọt mồ hôi, nước mắt, những vấp ngã, đấu tranh để giữ nghề truyền thống của cha ông, giữ bản sắc của thôn làng, giữ nếp sống nếp nghĩ mộc mạc, chân quê trong thời đại nếu không vững vàng sẽ bị cuốn theo những xa hoa, cạm bẫy. Và có cả là khao khát được đưa những đặc sản của vùng miền chiếm lĩnh thị trường và trở thành một thương hiệu đáng tin cậy.

Điều đáng mừng là cùng với những tên còn khá mới mẻ, một loạt những diễn viên tên tuổi kỳ cựu của làng phim tuyền hình phía Nam sẵn sàng dấn thân vào phim đề tài nông thôn, bất chấp những vất vả, khó khăn, nguy hiểm. Những Huỳnh Đông, Lê Phương, Đình Toàn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà, Kim Hiền, Hoài An, Diễm Châu, Kim Tuyến, Quốc Thái... đều thể hiện tâm huyết và tình yêu với những mảnh đất, cảnh đời khốn khó với một diễn xuất hết mình.

Vấn đề còn lại để phim đề tài nông thôn có những bước tiến dài hơi chỉ có thể là đầu tư thêm cho những kịch bản với nguồn sống dồi dào, khỏe mạnh, bám sát hiện thực, tâm tư tình cảm của người nông dân. Giải quyết khâu mấu chốt này, phim truyền hình về đề tài nông thôn, nông dân sẽ phủ sóng rộng khắp hơn nữa, trở thành món ăn tinh thần quý của khán giả nhiều thế hệ, nhiều vùng miền trên khắp đất nước.

Hạnh Văn


Ý kiến của bạn