Nỗi niềm nghề “phun độc”

24-08-2012 13:17 | Xã hội
google news

Nhìn tất cả những người phụ nữ làm nghề phun thuốc trừ sâu, ai cũng mang gương mặt phờ phạc. Biết là sẽ tổn hại rất nhiều đến sức khỏe và cái nghề phun thuốc trừ sâu thuê hẳn nhiên chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ,

Nhìn tất cả những người phụ nữ làm nghề phun thuốc trừ sâu, ai cũng mang gương mặt phờ phạc. Biết là sẽ tổn hại rất nhiều đến sức khỏe và cái nghề phun thuốc trừ sâu thuê hẳn nhiên chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ, thế nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn nhắm mắt phó mặc.

Nghề bất đắc dĩ

Men theo quốc lộ 21B, xuôi về vùng đất Ứng Hòa trong tiết trời oi ả, không khó để bắt gặp hình ảnh trên cánh đồng bát ngát chưa kịp xanh màu lúa là hàng chục người mang trên mình bình thuốc trừ sâu đang mải miết cầm chiếc vòi phun hóa chất để xịt, bụi thuốc bay trắng như sương. Lại gần hỏi chuyện một người phụ nữ tên Chín, người xã Hòa Nam đang tính toán lượng nước để hòa lẫn mấy gói thuốc sâu mà chủ ruộng thuê chị phun.
 
Vác trên vai bình thuốc nặng trịch, mồ hôi rịn ra ướt lưng áo, chị nở nụ cười "khoe" mỗi sào lúa sau khi phun thuốc xong chị được chủ ruộng trả công 40.000đ, phun thuê từ sáng đến giờ chị được hơn 2 sào ruộng rồi nếu cả ngày cần mẫn làm sẽ có hơn 100.000đ, tích cóp để đứa con trai sắp ngày nhập học.

Tự nhận có thâm niên nghề nghiệp ngót chục năm, bà Đinh Thị Thuận, người thôn Nam Dương chia sẻ, chỉ cần mỗi ngày đi phun thuốc trừ sâu thuê được từ 2, 3 sào ruộng hoặc tính theo số lượng bình là 4, 5 bình thuốc thì được trả công từ 150.000-250.000 đồng. Như thế chỉ cần "chịu khó" độc hại khoảng gần chục ngày sẽ có tiền triệu đút túi. Trong khi đó làm lúa cả vụ, bám mặt vào ruộng nương đến lúc thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí như: thuê cấy gặt, tiền nộp sản phẩm, thủy lợi phí… cũng chưa chắc được tiền triệu. "Thời giá thị trường, làm việc gì cũng tính ra tiền cả, hơn nữa tiếp xúc với cái thứ hóa chất độc hại ấy sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên tiền công khi làm xong việc cũng cao hơn bình thường", bà Thuận nói.

 Nhiều người nông dân chưa biết cách bảo hộ khi phun thuốc trừ sâu.

Độc hại khôn lường

TS. Phạm Thị Bích Ngân (thuộc Trung tâm Khoa học con người và sức khỏe lao động, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động) đánh giá rằng, nếu tiếp xúc lâu dài với thuốc trừ sâu có thể dẫn đến các rối loạn tim mạch, phổi, thần kinh và mắc các bệnh về máu, các bệnh về da thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong những hoàn cảnh làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê mà tôi gặp ở huyện Ứng Hòa, có lẽ éo le và bấp bênh nhất là cảnh đời của người phụ nữ tên Đinh Thị B., người xã Hòa Nam.

Nhà nghèo, làm lụng quần quật quanh năm cũng không đủ ăn. Đã thế, chồng B. lại sinh ra cái tật cờ bạc, nghiện hút, gánh nặng nuôi hai đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn đè nặng lên đôi vai gầy guộc của chị. Nhìn thân hình gầy nhom cõng bình thuốc trên lưng, không ai tin rằng người phụ nữ ấy tuổi chưa đến 30.

Những ngày vác bình thuốc trừ sâu đi xịt khắp cả cánh đồng đã khiến sức khỏe chị B. không còn tốt như xưa, thay vào đó chị thường xuyên ốm vặt rồi bệnh ngoài da có khi cảm thấy khó thở đầu đau nhức. Tiền mua thuốc chữa bệnh còn nhiều hơn số tiền mua thức ăn hàng ngày. "Ngày trước khi đi phun thuốc em chẳng bao giờ mang theo khẩu trang hay găng tay gì cả vì thấy nó cũng bình thường thôi. Sau một lần bị choáng nằm vật ở cánh đồng vì say thuốc thì người ta mách rằng mang theo nước chanh đường để uống sẽ khỏi…", chị B. chia sẻ.

Không chỉ chị B. có tâm lý "coi thường" như vậy. Theo quan sát của chúng tôi, đa phần những người làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê đều chỉ có vật dụng bảo vệ rất thô sơ, chỉ là chiếc nón lá, khăn bịt miệng bằng vải cũ kỹ. Cứ 10 người nông dân thì có đến 9 người không đeo khẩu trang, không mang ủng, găng tay khi xịt thuốc trừ sâu. Biểu hiện bệnh về đường hô hấp, đường ruột với các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, chân tay sẩn ngứa với họ cũng thường xuyên gặp phải.

Đáng lưu tâm hơn là sau khi phun thuốc xong, những người dân này còn có thói quen gột rửa tay chân ngay tại mương nước gần ruộng. Còn vỏ bao bì thuốc trừ sâu cũng vứt bừa bãi ngay đó...

Từ giai đoạn ngâm ủ đã có thuốc trộn giống, gieo sạ, cấy hái xong là thuốc trừ sâu, rầy, rồi thuốc trừ nấm bệnh, diệt ốc bươu… thứ nào cũng có bộ sản phẩm với 3-4 lần phun… cho ăn chắc; một loại thuốc chưa đủ thì phối hợp 2, 3 loại với nhau theo kiểu 2 trong 1, 3 trong 1.

"Trước đây, khi cá đồng còn nhiều, cứ vào đầu vụ lúa là cá bị nhiễm độc chết nổi trắng sông. Nhưng bây giờ chẳng còn thấy cá chết nữa, vì nguồn nước bị nhiễm độc nên tôm cá đều hết sạch"- bà Thuận hãi hùng kể về tác hại của thuốc trừ sâu.

Việc sử dụng thuốc hóa học một cách tràn lan, thiếu tính khoa học cũng như vật dụng bảo hộ, khách quan mà nói không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người nông dân được. Theo lời ông Đinh Văn Viễn, một cán bộ xã Hòa Nam, trách nhiệm một phần thuộc về những cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đáng nói là trong những tài liệu hướng dẫn được phát cho các hộ xã viên không hề có bất kỳ dòng chữ nào đả động hay nhắc nhở mọi người tác hại, cách phòng trừ, đeo dụng cụ bảo hộ khi phun thuốc.

Thiết nghĩ chính việc thờ ơ trong cách tuyên truyền của cơ quan chức năng khiến nhiều người nông dân không nhận thức đầy đủ về cách phòng trừ, an toàn của người dân khi tiếp xúc với các loại thuốc hóa học độc hại.

Luyện Đinh


Ý kiến của bạn