Hà Nội

Nỗi niềm làng nghề non 100 tuổi

22-08-2010 10:08 | Xã hội
google news

Đó là làng đóng tàu thuyền Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam). Không chỉ là một làng nghề đơn thuần, mà đó là một làng nghề nổi tiếng từ trước đến nay,

Đó là làng đóng tàu thuyền Tam Phú (Tam Kỳ, Quảng Nam). Không chỉ là một làng nghề đơn thuần, mà đó là một làng nghề nổi tiếng từ trước đến nay, từ những chiếc ghe nan nhỏ cho đến những chiếc tàu thuyền lớn được người dân nơi đây tự tay đóng. "Một người biết nghề... trăm người cùng làm", đó là phương châm của các tay thợ đóng tàu thuyền chuyên nghiệp nên nghề được người dân ở làng đóng tàu Tam Phú lưu truyền cho nhau, không những đời này mà còn về sau cho đến con cháu. Nhưng sau thời gian gần 100 năm qua thì nay nghề đóng tàu thuyền ở đây dần dần mai một...

Làng nghề vang bóng một thời

Chúng tôi về lại làng đóng tàu thuyền Tam Phú khắc nghiệt vào những ngày giữa hè, được con cháu của các bậc cao niên trong nghề đóng tàu thuyền có thâm niên kể lại. 70 năm về trước, ông Trần Bến (một cao niên trong nghề đóng tàu thuyền đầu tiên tại xã Tam Kỳ, nay đã mất - PV) lặn lội đi học nghề đóng ghe nan, xuồng tre đủ nơi cùng ông Phạm Tiễn (trú Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Một thời gian, tay nghề của hai ông đã cứng cáp, ông cùng ông Phạm Tiễn về lại nơi đất sinh thời là bến Tân Hội (nay là bến Tam Phú - PV) để hành nghề. Mới đầu hai ông chỉ làm những chiếc xuồng tre, ghe thuyền nhỏ để đi làm nghề sông nước, từ những chiếc ghe xuồng nhỏ và tiếng tăm đóng được ghe đã vang xa, được nhiều người biết đến. Một số người ở xa về Tam Phú đặt ghe thuyền của hai ông, thị xã Tam Kỳ lúc trước chỉ có ông Bến và ông Tiễn  đóng được ghe, nhưng nhận nhiều ghe xuồng mà không có thợ, lúc đó rất hiếm thợ biết đóng tàu thuyền, nên ông Bến đã lập một xưởng nhỏ để vừa làm ghe vừa dạy nghề cho anh em trong nhà và bà con trong xóm. Từ những chiếc ghe xuồng nhỏ, lúc trước chỉ đóng bằng tay, xẻ gỗ bằng cưa kéo, khoan bằng khoan tay, mỗi chiếc ghe dài 20m, rộng 4m, với 7 người thợ đóng cả 5 đến 6 tháng trời mới xong, gỗ thì chèo ghe ra tận Hội An để mua về, đi 3 - 4 ngày chưa chở được gỗ về... cho đến lúc có điện thì máy móc đã có, nghề đóng tàu thuyền cũng nhanh hơn gấp bội lần ngày trước và đóng được những chiếc ghe to, tàu thuyền lớn hơn.

 Ba chiếc ghe nhỏ đang đóng chưa hoàn chỉnh của con anh Trần Văn Chương con của ông Trần Ngọc Văn, để đó phơi mưa phơi nắng... đã gần 1 năm chưa có ai đến mua.

Sau một thời gian, ông Trần Bến và ông Phạm Tiễn mất, nghề đóng tàu thuyền cũng truyền lại cho con cháu sau này, đó là ông Trần Ngọc Văn, Trần Tin, Trần Trọng (con của ông Trần Bến), rồi đến ông Trần Kim, Trần Phu, Trần Chinh (con của ông Trần Tường và cháu của ông Phạm Tiễn)...

Khi các bậc cao niên trong nghề đã đi xa, theo ước nguyện của ông cha để lại, ông Trần Ngọc Văn (nay đã 72 tuổi) đã huy động anh em trong làng thành lập Hợp tác xã (HTX) do ông Trần Ngọc Văn làm chủ nhiệm và ông Trương Ngọc Bích (55 tuổi) làm phó chủ nhiệm. Lúc đầu HTX lấy tên "xóm đóng tàu thuyền", đi vào hoạt động được 3 năm nhưng do không có kinh phí và thưa dần khách đến đặt đóng tàu ghe thì HTX đã giải tán... từ đó đến giờ, trong làng đóng tàu thuyền Tam Phú nếu người nào biết nghề thì tự về mở doanh nghiệp tư nhân, ai biết nấy đóng, không còn đóng chung như trước kia - ông Văn nói.

Về lại làng đóng sửa tàu thuyền Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam trong những ngày vừa qua, cả bến rộng đến vài ha kéo dài từ bến dưới đến bến trên nhưng chỉ có vài ba chiếc ghe nhỏ chưa được đóng hoàn chỉnh nằm đó. Trao đổi với ông Trần Ngọc Văn (72 tuổi, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú, Tam Kỳ - ông Văn là con ruột của ông Trần Bến), ngồi buồn xo bên gốc gồn già cạnh sông Bàn Thạch, nơi từng là bãi đà của làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tam Phú: Ở đây đóng tàu thuyền đã gần 70 năm, tui theo nghề của cha để lại cũng gần 60 năm (lúc ông tập làm là 14 tuổi - PV). Ông nhớ lại từ trước giải phóng, làng nghề được ngư dân từ đảo Lý Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Lăng Cô (Huế)... và một số nơi ở xa cũng về đây đặt đóng ghe thuyền.

Còn ngư  dân trong tỉnh xem nơi đây là "bạn hàng ruột". Thợ ở đây lúc trước không nơi nào sánh bằng, tay nghề cứng, đóng rành và nhanh nên các chủ tàu thuyền rất ưng ý. Dọc bến sông Bàn Thạch, đàn bà con gái nấu cơm bán, nấu nước đổi, dịch vụ cho thợ và khách thập phương. Đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân ở đây trước kia khấm khá lên hẳn.

Chạy dọc theo dòng sông Bàn Thạch ngày trước có đến vài chục cái xưởng đóng ghe thuyền lớn nhỏ, nhưng nay chỉ còn vài ba cái xưởng nhỏ cầm chân giữ nghề ông cha... Ngày trước mỗi xưởng như thế đóng hàng chục chiếc ghe tàu lớn nhỏ, có nhiều tàu có công suất 45 - 100CV, chưa kể ghe, xuồng đóng mới và sửa chữa; giải quyết việc làm cho hàng trăm thợ mộc địa phương với mức lương mỗi tháng từ 2 - 3 triệu đồng. "Bây giờ, nơi đây không còn như xưa nữa anh ơi, tan tành hết rồi, những thợ chính bỏ nghề hết chuyển sang cào hến và đi làm nghề dưới sông. Do những năm vừa qua ít ai đến đây đặt đóng tàu thuyền  nên bà con tự chuyển nghề, chứ bu theo nghề đóng tàu ghe này chắc chết đói - đó là những lời giãi bày của ông Trần Ngọc Văn.

 Chiếc thuyền lớn dài 18m, rộng 4m của cơ sở anh Trần Minh Đức, đóng hơn 1 năm nay cũng để đó chứ chưa có ai đến đặt mua…mưa gió lâu ngày làm gỗ cũng mục đi.

Cái kết của làng nghề... là ngõ cụt?

Sau khi những bậc cao niên trong nghề mất đi và HTX chỉ  hoạt động được 3 năm thì đã không còn, từ đó nghề đóng tàu thuyền ở đây như đi vào ngõ cụt. Từ năm 2002, làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tam Phú có dấu hiệu tụt dốc. Đơn đặt hàng ngày một thưa dần. Anh Trần M.C., cháu nội ông Trần Bến, cho biết: Nguyên nhân nghề đóng tàu thuyền nơi đây tụt dốc là do bất tiện trong việc di chuyển phương tiện ra khỏi xưởng bởi chiếc cầu máng cách đó khoảng 1km (thuộc huyện Núi Thành) nằm án ngữ giữa sông khiến tàu thuyền qua lại khó khăn. Mặt khác, việc mua bán, vận chuyển gỗ cũng không dễ dàng như trước và giá cả mỗi ngày một lên. Trong khi đó, hạ tầng phục vụ cho làng nghề như không được tiếp tục đầu tư. Ngoài ra, nhiều cơ sở ở Hội An, Đà Nẵng được đầu tư quy mô hơn đã thu hút hết khách hàng. Làng nghề bây giờ chỉ còn vài ba cơ sở hoạt động cầm chừng để khỏi mất nghề - anh Trần M.C. nói.

Cơ sở đóng thuyền của ông Trần Trọng (con ông Trần Bến) một thời ăn nên làm ra trong làng, đang bên bờ vực phá sản. Mấy năm gần đây hình như cơ sở của ông không đóng được chiếc ghe nào lớn, chỉ có ba chiếc ghe nhỏ để bà con hành nghề dưới sông.

 Mấy năm trở đây làng nghề đã tụt dốc, nên cơ sở của ông Trần Ngọc Trọng không đóng được chiếc tàu thuyền nào lớn, chỉ có vài ba chiếc ghe nhỏ cầm chừng, do con và cháu anh Trọng đóng.

Ngày trước có một dự án có tổng giá trị 2,5 tỷ đồng do một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản tài trợ đã được chính quyền địa phương thỏa thuận nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì làng nghề. Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Nên - Trưởng thôn Tân Phú, được biết: Các hạng mục của dự án đã được quy hoạch chi tiết như xây dựng 3km đường kiên cố vào làng nghề; rồi nhà máy sản xuất đinh, bu-lông, ốc vít, công trình đường ray kéo tàu... Nhưng không hiểu vì lý do gì mà dự án này vẫn chưa được đầu tư. Ngoài ra, những năm gần đây, ngư dân miền Trung gặp bão biển và chi phí đóng tàu cao hơn... nên không còn mặn mòi với nghề biển.

Trước tình hình của làng đóng tàu thuyền Tam Phú ngày càng kém phát triển và có nguy cơ mất nghề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch xã Tam Phú, cho biết: từ năm 2002, chúng tôi đã triển khai và thực hiện đề án xin tỉnh và TP cấp giấy chứng nhận làng nghề, nhưng từ năm 2002 đến nay, làng nghề hoạt động cầm chừng, không phát triển như những năm về trước nên không được cấp chứng nhận làng nghề, việc đầu tư kiên cố 3km đường bê tông với kinh phí 600 triệu đồng do Phòng kinh tế TP. Tam Kỳ làm chủ đầu tư hạng mục đường bê tông hóa vào làng nghề đã hoàn thành vào cuối năm 2008, việc làng nghề nhiều lần chúng tôi đã triển khai nhiều cuộc họp với các cơ sở và doanh nghiệp đóng tàu thuyền để cùng nhau xây dựng làng nghề nhưng các cơ sở đó ít tham gia nên khó khăn cho công tác xin giấy chứng nhận làng nghề... Từ năm 2002 cho đến nay, dù chưa được cấp giấy chứng nhận làng nghề thì nghề đã phai nhạt và có nguy cơ mất nghề.

Làng nghề đóng tàu thuyền Tam Phú những năm gần đây đã tụt dốc và có nguy cơ bị xóa sổ nếu không được đầu tư và cải tạo lại để phát triển.

Phóng sự của Trương Hồng Phong


Ý kiến của bạn