Nỗi niềm làng gốm cổ Thổ Hà

11-05-2014 12:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vào sáng sớm một ngày năm con Ngựa, chúng tôi “bay” từ Hà Nội lên TP. Bắc Giang rồi xuôi Thổ Hà, một làng cổ bên dòng sông.

Vào sáng sớm một ngày năm con Ngựa, chúng tôi “bay” từ Hà Nội lên TP. Bắc Giang rồi xuôi Thổ Hà, một làng cổ bên dòng sông thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dù quãng đường không xa, nhưng đi từ TP. Bắc Giang xuống, chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến được bờ đê sông Cầu dẫn vào ngôi làng cổ này.

Cổng làng Thổ Hà
Cổng làng Thổ Hà

Bước chân qua cổng làng, tôi chợt nghĩ rằng nền kinh tế thị trường có thể làm cho mâm cơm của người dân nơi đây đầy đặn hơn những món ngon, của lạ nhưng cũng làm cho con đường dẫn vào làng bị thu hẹp lại so với cách đây vài chục năm tôi đã từng đến.

Vẫn con đường xưa, hai bên là những nếp nhà rêu phong trơ lớp tường bằng tiểu sành và gạch xây không trát; mái đình cong trầm mặc vắt ngang qua chiều dài lịch sử văn hóa Việt; ngôi chùa cổ kính hàng trăm năm tuổi vẫn còn đây như chứng tích của một thời hoàng kim mang tên Thổ Hà. Bầy trẻ khoác những manh áo mỏng ngồi vắt vẻo trên những cành cây ven sông vừa ngơ ngác nhìn khách lạ vào làng vừa reo hò như xài một món độc quyền của trẻ con miền thôn dã.

Vào đến trụ sở UBND xã, các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND đón chúng tôi tay bắt mặt mừng. Chưa kịp uống cạn chén nước, tôi vào chuyện ngay. Trước khi đến Vân Hà, tôi được biết xã có những ngành nghề phát triển, ăn nên làm ra như nghề nấu rượu, nghề tráng bánh đa nem, miến gạo...

Nhưng thật lạ, khi nói tới nghề gốm cổ Thổ Hà thì nét mặt của những người đang tiếp chuyện tôi bỗng dưng như trầm lại, dường như có gì đấy khó nói đối với họ? Tôi mơ hồ đọc được ý nghĩ của những cán bộ lãnh đạo địa phương giàu trăn trở, suy tư về nghề gốm nhưng đành lực bất tòng tâm trong thời buổi kinh tế thị trường. Tôi nói ngay ý định về Thổ Hà lần này là để được “mục sở thị” những chứng tích còn sót lại của gốm Thổ Hà cách đây 7 - 8 trăm năm và muốn hiểu vì sao nghề gốm cổ Thổ Hà đang lâm vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Lúc này, tôi mơ được hóa thành chàng Danko có trái tim cháy bỏng yêu thương đã dũng cảm cứu nguy cho cả bộ tộc khỏi bị diệt vong thuở nào để có thể cứu những lò gốm đêm ngày đỏ lửa của Thổ Hà từ bao đời nay bỗng dưng tắt lịm?

Anh Trịnh Đắc Lưu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân dẫn chúng tôi về thăm lò gốm duy nhất còn sót lại của Thổ Hà, trước đây của người anh trai, cố nghệ nhân gốm Trịnh Đắc Tân. Ông Tân trước đây là một người lính, khi trở về làng vẫn ôm mộng tiếp tục “chiến đấu” những mong làm sống lại nghề gốm từng vang bóng một thời được sử sách lưu danh. Chỉ tiếc là nghệ nhân Trịnh Đắc Tân vừa ra đi đầu năm nay vì bạo bệnh, chỉ kịp để lại lòng nhiệt huyết cháy bỏng với đôi ba ngón nghề gọi là kinh nghiệm và một ý tưởng rõ ràng trong Đề án khôi phục nghề gốm cổ hàng trăm năm tuổi cho người con rể.

Trong bản kế hoạch của ông thể hiện rõ những yếu tố cần để khôi phục và phát triển nghề gốm cổ ngay chính tại quê hương. Theo ông Tân, mặt bằng sản xuất là nút thắt trong kế hoạch phục hồi làng nghề, bởi cả thôn Thổ Hà có tổng diện tích khoảng 20ha, gần 1.000 hộ với 3.500 nhân khẩu. Đất thì chật, người lại đông, chỉ riêng chỗ ở cho người cũng là vấn đề không đơn giản, huống hồ nghề gốm cần nhiều mặt bằng để trộn đất, hong phơi sản phẩm trước khi nung, rồi chỗ dựng lò, kho chứa sản phẩm sau khi nung chờ xuất bán... Gỡ rối được khâu mặt bằng coi như quá trình khôi phục nghề gốm cổ của làng đã đi được nửa chặng.

Được biết, trước đây, cái gọi là “Hợp tác xã” gốm Thổ Hà được đặt trong quần thể khu vực đình, chùa của làng. Cũng chính vì thế mà Dự án vẫn trong quá trình tìm kiếm mặt bằng. Theo ông Tân, đây vẫn là địa điểm thích hợp nhất để khởi dựng lại làng gốm vì chỉ có ở đây mới gần với mỏ đất sét sông Cầu. Đây là mỏ đất sét rất có tiềm năng cho kế hoạch tái thiết làng gốm của ông. Điều này đã được anh Lưu và anh Nguyễn Đăng Tập - con rể ông Tân (hiện đang “sống ngoi ngóp” với nghề gốm bên cạnh nghề đúc than tổ ong và tráng bánh đa nem) xác nhận.

Trước đây, do cơ chế quản lí quan liêu bao cấp “cha chung không ai khóc” nên trong một thời gian dài, Thổ Hà chỉ tập trung sản xuất một cách ồ ạt những đồ gốm “rẻ tiền”, kém chất lượng, không đảm bảo mỹ quan và thị hiếu của khách hàng nhưng lại vẫn thiếu những mặt hàng có chất lượng, đẹp và quý. Vì vậy, theo ông Tân, phục hồi gốm ở Thổ Hà hoàn toàn có thể thành công ở quy mô hộ gia đình. Quy mô nhỏ sẽ kích thích sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong từng sản phẩm của chính mình.

Ông Tân cho biết, ở thời điểm ấy, có rất nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn, có những đơn hàng lên đến hàng tỷ đồng, tuy nhiên trong điều kiện hiện tại ông vẫn không dám nhận bởi nằm ngoài khả năng cung ứng. Theo ông chủ mới Nguyễn Đăng Tập, gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao khoảng 1200-1300 độ C, để tự chảy nhựa men ra từ đất và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ vào tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đậy chặt không bao giờ ẩm mốc. Anh Nguyễn Đăng Tập cho biết thêm, hiện tại thi thoảng vẫn có khách từ các vùng khác như Hà Nội, Lạng Sơn, người Trung Quốc, khách Tây trong tour du lịch cũng ghé thăm lò gốm này. Biết đâu trong hàng ngàn, hàng vạn người đến đây sẽ có một bất ngờ nào đấy, làm nên sự đổi thay cho nghề gốm cổ nơi đây. Cả tôi, anh Lưu và anh Tập đều có chung suy nghĩ và niềm hy vọng dù rất mong manh ấy.

Tôi thật sự chia sẻ với câu nói của ông Nguyễn Anh Minh, Bí thư Huyện ủy Việt Yên: Làm nên một thương hiệu rất khó, có khi phải mất chục năm, trăm năm, thậm chí là cả ngàn năm, chứ làm ra một sản phẩm chỉ mất chưa đầy một phút. Gốm Thổ Hà đã từng là một thương hiệu mạnh, tồn tại 7- 8 thế kỷ nay trong ký ức của bao thế hệ người Việt, làm sao có thể mất đi một sớm một chiều được. Bởi đây là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nổi tiếng nhất của người Việt bên cạnh làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Sản phẩm của làng nghề này đã có thời nổi danh khắp thiên hạ. Từ lúc có nghề gốm đến cuối những năm 80, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm.

Nhìn vào bàn tay sần chai và nét mặt đăm chiêu của người thợ trẻ Nguyễn Đăng Tập, tôi thấy từ trong thẳm sâu ánh mắt ấy lóe lên một tia sáng của niềm hy vọng, như lời nhắn nhủ rằng gốm cổ Thổ Hà sẽ được phục dựng và phát triển trong một tương lai không xa. 

Ghi chép của Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn