Nỗi niềm... gánh hàng rong

24-06-2012 17:13 | Xã hội
google news

Sự đổi thay của kinh tế - xã hội đã khác trước, đường phố ồn ào tấp nập người qua lại, nhưng công việc của những người bán hàng rong vẫn lặng lẽ trôi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác và dường như chính họ là một phần làm cho phố phường có những nét đời thường hơn.

(SKDS) –  Sự đổi thay của kinh tế - xã hội đã khác trước, đường phố ồn ào tấp nập người qua lại, nhưng công việc của những người bán hàng rong vẫn lặng lẽ trôi ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác và dường như chính họ là một phần làm cho phố phường có những nét đời thường hơn.

Nhọc nhằn mưu sinh

Xưa nay hình ảnh những gánh hàng rong có lẽ chẳng còn xa lạ gì đối với nhiều người. Với những tiếng rao mang đậm chất vùng miền và cũng là thể hiện hương vị, đặc sản của địa phương đó. Và phần lớn họ là những người phụ nữ xuất thân nghèo từ các vùng ven Hà Nội, hay những tỉnh lân cận, thậm chí có những người từ Thanh Hóa, Nghệ An cũng rong ruổi trong các ngõ ngách thành thị để bán hàng rong, mong kiếm được những đồng tiền ít ỏi. Đồ nghề của họ cũng đơn giản như chính con người họ vậy, với đôi quang gánh, chiếc xe đạp cũ để đẩy, có khi chỉ cần hai cái thúng nhỡ đựng hàng hóa cùng hai cái mẹt để ở trên bày đồ bán. Những thứ hàng của họ cũng đa dạng như, rau, hoa quả, hàng quà, đồ khô...

Đằng sau những gánh hàng rong đó là những cảnh đời, những số phận khác nhau. Hằng ngày họ vẫn kiên trì, bền bỉ với tiếng rao bán cùng những bước chân lẹp kẹp của đôi dép mòn cũ kĩ  đã gắn liền với họ trên mọi nẻo đường góc phố.

 Tuổi già nặng gánh hàng rong.

Liêu xiêu trong bóng chiều đô thị 

Theo chân chị Nguyễn Thị Thơm - người phụ nữ với dáng người nhỏ thó, khuôn mặt khắc khổ hằn lên những vết nhăn, nước da rám nắng đen sạm của khói bụi, ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy, với gánh hàng rong của mình là mấy cân xoài xanh, vài ba quả dứa, cùng táo, ổi mỗi thứ một ít. Tôi được nghe chị kể về cuộc đời mình: hai vợ chồng chị lấy nhau được gần 20 năm, cùng quê Vĩnh Phúc, hiện có với nhau hai mặt con, đứa con gái đầu học lớp 12, cháu thứ hai là con trai cũng chuẩn bị thi vào cấp ba.
 
Chồng chị cùng mấy anh em trong gia đình thành lập một tổ thợ xây dựng ở quê, nhưng cách đây vài tháng, trong một lần trèo lên giàn giáo không may anh bị ngã từ trên cao xuống gãy cột sống, gãy tay và chân, chạy chữa thuốc men hết gần trăm triệu, hiện giờ anh cũng chưa đi lại được nhiều. Mọi việc trong nhà lớn nhỏ đều mình tay chị đứng ra lo liệu. Để chữa chạy cho anh, chị phải mang sổ đỏ vay ngân hàng, hiện giờ đang còn nợ 40 triệu đồng cả tiền lãi suất không biết đến bao giờ mới trả được hết. Trong khi hai đứa con của chị cũng đang chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp và đại học.
 
Cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. “Với gánh hàng rong như thế này thì một ngày chị bán được bao nhiêu?” - tôi hỏi. Chị lấy tay áo quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, miệng trả lời: Tùy chú ạ, có khi ngày kiếm được năm mươi, bảy mươi hoặc hơn trăm nghìn nhưng phải đi nhiều nơi mới bán được thế. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị dừng lại bởi trên bầu trời lúc này đang xuất hiện những đám mây đen vần vũ kéo đến như báo hiệu trời sắp có mưa, và giờ cũng là lúc chị phải đi với hy vọng làm sao chiều về gánh hàng rong đã được bán hết.

Cùng với gánh hàng rong, nhưng chị Lan (quê Bắc Giang) có hoàn cảnh quá khó khăn. Chồng mất cách đây gần 7 năm do tai nạn giao thông, để lại cho chị 3 đứa con thơ và mấy sào ruộng, giờ đây tất cả đều trông chờ vào đôi vai của chị, từ tiền đóng học phí cho con đến mọi sinh hoạt chi tiêu hằng ngày. Ở tuổi 45, tôi không nghĩ chị lại già đến như vậy, khuôn mặt gầy guộc, hốc hác, mái tóc cháy nắng cũng đủ nói lên sự vất vả ở chị.

 Hơn 4 năm gắn bó với gánh hàng rong, dù trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè cứ 2-3 giờ sáng chị lại lóc cóc đôi quang gánh ra chợ Long Biên lấy hàng về bán. Hàng của chị cũng là những thứ hoa quả, xoài, nhãn, ổi, táo, lê, thanh long... mùa nào thứ đó. Mua song chị lại gánh đi khắp các hang cùng ngõ hẻm rao bán. Với gánh hàng rong trừ chi phí một ngày chị cũng kiếm được 60.000 đồng tiền lãi.
 
Với số tiền đó chị phải tiết kiệm mức tối đa, chỉ dám ăn một buổi cơm trưa với bát canh và vài ba miếng đậu phụ. Chị cùng với vài người thuê căn phòng chật hẹp lối Cầu Diễn lấy chỗ nghỉ ngơi. Cứ nửa tháng chị về nhà một lần đưa tiền cho các cháu, vun vén nhà cửa ruộng đồng. Mấy sào ruộng lúa cũng bước vào thu hoạch, mai mốt về xong mùa lại tiếp tục đi bán hàng tiếp. Tôi hỏi, chị đi như thế này các cháu ở nhà ai trông? Bọn nó tự trông nhau, đứa lớn trông đứa bé, vả lại có bà nội ở gần nhà cũng hay sang, chị trả lời.
 
Mỗi gánh hàng rong là một số phận, một mảnh đời nghèo khổ, họ có thể xuất thân từ thôn quê, sau lũy tre làng, chọn nơi chốn lao xao của phố phường để mưu sinh. Hình bóng liêu xiêu ấy trong sớm tinh mơ hay buổi chiều tà, vô tình  như gợi nhớ trong ta ký ức xa xăm về Hà Nội rêu phong, cổ kính.  

Bài và ảnh: Tô Hiển


Ý kiến của bạn