SKĐS - Trong ranh giới giữa sinh và tử, người bệnh COVID-19 nặng sẽ nghĩ về con, về những điều chưa làm được cho con, cho gia đình mình để giành giật với COVID-19 từng hơi thở, nhưng với y, bác sĩ thì không. Họ phải gác lại tất cả nỗi nhớ để làm việc gấp nhiều lần công suất, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cứu người.

Xét nghiệm làm việc 12 giờ mỗi ngày

Mặc dù nằm trong "luồng xanh" – luồng an toàn của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế (Bệnh viện dã chiến số 14, tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) nhưng phòng xét nghiệm lại luôn trong tình trạng đóng chặt, bởi đây là nơi tập trung các mẫu dịch tễ của bệnh nhân mắc COVID-19.

Nhân viên y tế nơi đây cũng chẳng khác nào những bác sĩ đang "căn" từng giây để dõi theo chỉ số sinh tồn ở bên kia khu điều trị bệnh nhân nguy kịch. Bởi họ cũng mặc đồ bảo hộ, cũng "luôn chân luôn tay" làm mẫu. Đặc biệt, với số lượng bệnh nhân luôn trên 300 người thì tổ xét nghiệm của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế phải luôn trực 24/24h.

Thỉnh thoảng, chiếc điện thoại kết nối với các khoa, phòng đặt bên cạnh cỗ máy phân tích mẫu lại vang lên liên hồi. Âm thanh của những cuộc trao đổi trong điện thoại vang lên rành rọt, nội dung chỉ xoay quanh kết quả bệnh phẩm của bệnh nhân này, bệnh nhân kia hoặc kết quả bổ sung mẫu xét nghiệm nào đó của bệnh nhân COVID-19 nặng cần cập nhật thông tin ngay.

Nỗi niềm của y bác sĩ trong khu điều trị tích cực người bệnh COVID-19 - Ảnh 1.

TS. BS Tôn Thất Ngọc - Trưởng khoa Xét nghiệm có ca làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ một ngày. Ảnh: B.Loan

Mặc dù chỉ có 18 thành viên, trong đó có 6 thành viên phụ trách xét nghiệm PCR nhưng để đáp ứng mẫu xét nghiệm của hơn 300 bệnh nhân, Tổ xét nghiệm phải chia thành 4 kíp, trực 24/24h. Riêng Trưởng khoa Xét nghiệm - TS. BS Tôn Thất Ngọc, thì ca làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ một ngày.

Vừa kết thúc ca làm việc dài đằng đẵng, anh Ngọc trải lòng: "Chỉ có bây nhiêu nhân sự thì vất vậy đó, nhưng anh em ở bệnh phòng còn vất vả, gian truân hơn nhiều. Tổ của tôi phụ trách có 6 nhân sự trực xét nghiệm PCR với các mẫu dịch tễ COVID-19. Còn lại 12 nhân sự sẽ thay nhau phụ trách các xét nghiệm khác như điện giải, đông máu, xét nghiệm sinh hóa… cho bệnh nhân COVID-19".

Anh Ngọc kể: "Cũng giống như nhân sự trong phòng bệnh, nhân viên xét nghiệm phải làm việc trong tinh thần khẩn trương nhất để sớm có kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân. Để đáp ứng thông tin xét nghiệm của bệnh nhân, tổ xét nghiệm chủ động liên lạc với bộ phận bên trong khu điều trị để lấy mẫu, hoặc liên lạc với bộ phận hành chính để chỉ định các xét nghiệm sớm khi thiếu chỉ định, thiếu mẫu, hoặc bổ sung những cái cần thiết trong điều trị cho bệnh nhân".

"Chúng tôi lúc nào cũng quá tải, phải làm việc gấp 3 lần công suất bởi khi các bệnh viện vào đây (các bệnh viện hỗ trợ Bệnh viện TƯ Huế - PV) hỗ trợ đều chưa từng làm việc với tốc độ khủng khiếp như hiện nay", anh Ngọc trải lòng.

Khi dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh bắt đầu phức tạp, TS. BS Tôn Thất Ngọc đã gác lại tất cả những niềm riêng ấy mà viết đơn tình nguyện, xin vào "tâm dịch" cứu người. Với hàng trăm, hàng ngàn mẫu dịch tễ đang bày ra trước mắt, anh Ngọc gạt đi những nỗi nhớ về con, những sự vui vẻ của cô con gái lớn vừa khoe về những ngày bước vào lớp 8, về cô con gái út 8 tuổi đang rất hào hứng với dư âm những ngày đầu nhập trường online, anh cũng đành gạt đi cả những câu hỏi thăm chứa đầy sự quan tâm, lo âu từ các con: "bố có mệt không", "bố ăn cơm chưa"… để "chạy đua" với sự sống của bệnh nhân.

Nỗi niềm của y bác sĩ trong khu điều trị tích cực người bệnh COVID-19 - Ảnh 2.

Nhắc đến hai con gái ở quê nhà, TS. BS Tôn Thất Ngọc không khỏi nghẹn ngào, ngấn lệ. Ảnh: B.Loan.

"Chẳng biết ngày nào sẽ được về cô ạ. Dịch phức tạp thế này, tôi cũng chẳng xác định ngày về nữa. Hôm vừa rồi hai con khai giảng, tôi đã tranh thủ giờ nghỉ đặt mua máy tính tặng tụi nó rồi. Mong hai đứa không trách ba chúng nó…", anh Ngọc nghẹn lòng, ngoảnh nhìn ra đằng xa…

Anh Ngọc bảo, những ngày "lao" vào "chiến trận" người vợ của anh chính là hậu phương để anh vững niềm tin nơi "chiến trận". Song, để chạy đua với cuộc chiến sinh tử của bệnh nhân, anh Ngọc đã gác lại nỗi niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi với anh, nhiệm vụ hoàn thành luôn tỷ lệ thuận với khoảng cách của ngày được trở về bên những khoảng không gian quen thuộc.

Điều dưỡng - muốn ngủ cũng không dễ

Anh Trần Thanh Hưng – Điều dưỡng viên của Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa cũng tương tự. Những ngày tập trung cao độ dõi theo và chăm sóc bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của BV Trung ương Huế, anh Hưng chẳng có một khoảng thời gian nào để trải lòng mình với người thân. Tất cả chỉ biết gói gọn trong một câu "vất vả". Bởi khi bước vào bệnh phòng, những điều dưỡng viên sẽ theo sát các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, hỗ trợ cấp cứu khi bệnh nhân diễn biến nặng.

Nỗi niềm của y bác sĩ trong khu điều trị tích cực người bệnh COVID-19 - Ảnh 3.

Điều dưỡng Nguyễn Thanh Hưng với dòng chữ "nghĩ về gia đình" để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là cứu người. Ảnh: B.Loan.

Anh Hưng kể, một quy trình chăm sóc bệnh nhân nặng với người điều dưỡng là cho bệnh nhân ăn, chăm sóc, bón cho bệnh nhân ăn, theo dõi bệnh nhân ăn. Sau đó là chăm sóc răng miệng, vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân, đến làm thuốc, theo dõi sát sao lượng oxy trong máu và các chỉ số sinh tồn…

Anh bảo, giữa một người bình thường và một người F0 thì chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khó khăn hơn rất nhiều. Bởi bệnh nhân COVID-19 khi ăn, đường thở không thông suốt, oxy trong máu cũng vì thế mà tuột xuống rất nhanh và nguy cơ cấp cứu khẩn trương cũng diễn ra trong tích tắc.

Anh Lê Văn Sáng – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế, kèm theo ánh mắt sầu tư, lắc đầu khi nhắc đến chuyện nghỉ ngơi của các y, bác sĩ sau kíp trực. Anh bảo: "Một ca làm 6 tiếng, còn tôi thì hầu như không có giờ, có thể đi một ca làm kéo dài đến 9, 10 tiếng hoặc đến nửa đêm mới về là hết sức bình thường. Bởi giai đoạn này tôi cần có mặt 24/24, kể cả ban lãnh đạo bệnh viện cũng vậy. Chúng tôi căng mình hết sức, ít nhất là tạo năng lượng, tinh thần cho anh em ở dưới. Còn ngủ thì… ngủ làm sao được, anh em ở đây nằm làm sao mà nhắm được mắt, vì vừa đặt lưng xuống thì chỗ này, chỗ kia kêu là phải hỗ trợ".

Anh Sáng là người trực tiếp điều phối công tác điều dưỡng tại Trung tâm với hơn 300 bệnh nhân mắc COVID-19 này. Là điều dưỡng trưởng, anh Sáng cũng mang trọng trách rất nặng nề khi phải đảm bảo nắm rõ từng tình trạng bệnh nhân, từng khu vực bệnh nặng, bệnh nhân nguy kịch để phân bổ lượng nhân sự.

Nỗi niềm của y bác sĩ trong khu điều trị tích cực người bệnh COVID-19 - Ảnh 4.

Nỗi niềm của y bác sĩ trong khu điều trị tích cực người bệnh COVID-19 - Ảnh 5.

Niềm vui lớn nhất với Điều dưỡng trưởng Lê Văn Sáng và các điều dưỡng viên chính là đi đến đâu, có bệnh nhân gọi cảm ơn đến đó với ánh mắt ngân ngấn trực trào. Ảnh: B.Loan

Dẫn chúng tôi đến hàng lang khu thoát hồi sức, anh Sáng bảo: "Bệnh nhân điều trị ở khu này đã qua giai đoạn nguy hiểm, họ tiến triển tốt hoặc rất tốt. Đồng nghĩa ngày về của họ cũng không còn xa nữa. Khi dựa theo các xét nghiệm của Bộ Y tế thì họ sớm được ra khu chuẩn bị xuất viện".

Dạo hỏi thăm tình hình sức khỏe của vài bệnh nhân lớn tuổi sắp được ra viện, ánh mắt của "thuyền trưởng" điều dưỡng sáng lên tia hy vọng một ngày về không xa. Giọng của anh có phần gấp gáp: "Được ra khu thoát hồi sức này, họ mừng lắm. Ai rồi cũng nhớ về những ngày đầu nhập viện, người nửa tỉnh nửa mê, chẳng phân biệt được ai, chẳng nhớ cả được số điện thoại người nhà nữa. Ấy thế mà, giờ họ đếm từng ngày được nhận thông báo xuất viện".

"Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là đi đến đâu, có bệnh nhân gọi cảm ơn đến đó với ánh mắt ngân ngấn trực trào. Đó là niềm động viên, là thành quả, là thành công mà tôi nghĩ rằng, chúng tôi xứng đáng được nhận", anh Sáng vui vẻ chia sẻ và tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc của anh đang trực trào, dù bao quanh đôi mắt thâm quầng ấy được chen chắn kỹ càng bởi lớp áo bảo hộ, kính chống giọt bắn.

Tình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tếTình hình dịch COVID-19: Cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế

SKĐS - Nội dung tình hình dịch COVID-19 dưới đây là số liệu chính thức, mới nhất theo nguồn tin từ Bộ Y tế, cập nhật mỗi buổi tối hàng ngày trên Báo Sức khỏe & Đời sống.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội.

Ý kiến của bạn