Bất ngờ khi nhận kết quả bị suy thận
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống dạy học, từ nhỏ, anh Trần Đinh Quyến (SN 1977) đã luôn ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo giống bố của mình. Mong ước đó đã thành hiện thực, anh đã thi đỗ vào trường sư phạm chuyên ngành tiểu học.
Năm 2000, ra trường, thầy giáo trẻ Trần Đinh Quyến xung phong lên điểm trường vùng cao thuộc tỉnh Điện Biên. Điểm trường ở huyện vùng cao Mường Ảng, học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Việc vận động các em đến trường còn khó khăn, bởi theo quan niệm của nhiều người "học chữ, học viết không để làm gì, cuối cùng cũng đi làm nương".
Thầy giáo trẻ đã kiên trì vận động với mong muốn xóa mù chữ cho các em nhỏ nơi đây. Mỗi tiết học, thầy đều cố gắng giảng bài sao để học sinh dễ tiếp thu nhất và tạo không khí hứng khởi trong mỗi tiết học. Công tác gần 2 năm ở đây, thầy càng thêm yêu nghề hơn khi tuổi trẻ của mình được cống hiến ở nơi cần.
Cũng chính tại nơi đây, thầy đã có được tổ ấm riêng của mình với một cô giáo mầm non. Sau 15 năm cống hiến ở điểm trường xa xôi này, năm 2015, vợ chồng thầy đã được chuyển công tác về tỉnh Thái Nguyên gần gia đình.
Hiện nay thầy đang là giáo viên Trường Tiểu học Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Nói là chuyển về tỉnh công tác nhưng điểm trường này cũng thuộc vào huyện vùng cao cách nhà gần 90km. Nhưng rồi, bất hạnh đã ập đến với thầy Quyến. Cách đây gần một năm, thầy Quyến phát hiện sức khỏe bản thân có dấu hiệu đi xuống nhưng vì điều kiện khó khăn nên không đi thăm khám.
Đầu năm 2023, thầy Quyến thấy mắt mờ dần, chân tay phù nên đi khám. Lúc này, thầy mới biết mình bị suy thận giai đoạn cuối. "Vợ chồng tôi khi biết được kết quả đã rất lo lắng, chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Cũng vì điều kiện sống ở vùng sâu vùng xa không tiện đi khám mà phát hiện bệnh khi đã nặng" – thầy Quyến chia sẻ.
Ước mong được ghép thận để cống hiến với nghề gieo chữ
Gần một năm qua, cuộc sống của vợ chồng thầy Quyến bị đảo lộn. Đồng lương ít ỏi từ nghề giáo viên của vợ chồng thầy dù tằn tiện cũng chỉ có thể lo được thuốc thang, dụng cụ lọc thận hằng ngày. Các con của thầy đang độ tuổi ăn học nên càng tốn kém. Con trai cả đang học Đại học Sư phạm thể thao và con trai út học Cao Đẳng xây dựng.
Vợ chồng thầy phải xoay sở mọi nơi để lo kinh phí điều trị. Thầy Quyến sức khỏe yếu nhưng không dám nghỉ ngày nào mà phải gắng gượng để đứng lớp. Để tiện cho việc lên lớp dạy học, thầy Quyến phải lọc thận qua màng bụng mỗi ngày 4 lần.
Thường xuyên phải chạy thận, nhưng tình trạng sức khỏe của thầy yếu dần do đã bị suy thận nặng. Nhắc đến ngày 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Quyền bảo chỉ có một nỗi niềm duy nhất là sợ sẽ không còn đủ sức đứng trên bục giảng. Mỗi lần suy nghĩ, đôi mắt thầy lại đượm buồn.
"Chỉ sợ một ngày nào đó, tôi không còn sức đứng dạy học cho các em nữa. Bác sĩ nói cách duy nhất với tôi lúc này là ghép thận mới. Bao năm nay, vợ chồng tiết kiệm mua được căn nhà, giờ vẫn còn nợ ngân hàng. Tôi cũng biết chi phí ghép thận quá lớn với gia đình. Tôi không thể lo đủ được. Giờ chỉ mong được ghép thận, có sức khỏe để gắn bó, cống hiến với nghề mà không biết có được không" - thầy Quyến nói.
Nhắc đến hoàn cảnh của thầy Quyến, các thầy cô giáo tại trường Tiểu học Nghinh Tường ai cũng chua xót. Theo đồng nghiệp, thầy Quyến là một giáo viên rất tận tâm, năng động, đầy nhiệt huyết, học sinh yêu quý.
Thầy Đỗ Đức Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghinh Tường cho biết, cảm thông trước hoàn cảnh của thầy Quyến, nhà trường luôn tạo điều kiện hỗ trợ để thầy vẫn vừa đứng lớp, vừa bố trí thời gian đi chữa bệnh. Bệnh của thầy Quyến phải chạy chữa lâu dài nên tốn kém. Qua sự kết nối của báo chí, thầy Tuấn cũng mong các mạnh thường quân sẽ giúp thầy Quyến có thêm điều kiện chạy chữa bệnh, để thầy được tiếp tục đứng trên bục giảng.
Mọi sự giúp đỡ gia đình thầy Quyến - Mã số 968 xin gửi về:
1. Thầy Trần Đình Quyến, Trường Tiểu học xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 968
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái" tại tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 968
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/0394332489
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.
6. Ủng hộ USD qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 118.000.202.194 (USD)
Đề gửi Mã Số 968