Suốt 113 năm thực dân Pháp và Mỹ thống trị (1862 - 1975), chúng đã biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian; giam cầm, tra tấn, đầy đọa, thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng và người yêu nước Việt Nam. Sau 43 năm Giải phóng, Côn Đảo đổi đời thành Khu du lịch lịch sử - du lịch tâm linh và sinh thái.
Cúng lễ bên mộ Anh hùng Võ Thị Sáu lúc nửa đêm tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Đến Côn Đảo mới hay lời người không hề thêu dệt, rằng: Côn Đảo là thiên đường ngoạn mục tạo hóa ban cho con người. Ngoạn mục bởi những cánh rừng nguyên sinh trên các hòn đảo. Ngoạn mục bởi nước biển ngọc bích, cát trắng mịn màng dan díu khách tới, khách lui nơi bãi tắm Đầm Trầu. Ngoạn mục bởi những rạn san hô kỳ thú bắt mắt bắt lòng quanh thềm biển Hòn Tre; bởi những bầy rùa theo mùa nối nhau lên Hòn Bảy Cạnh đẻ trứng, sinh sôi nảy nở...
Tiếc nỗi, Côn Đảo cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu tới non trăm hải lý. Việc đi lại bằng đường không và đường thủy chưa thật dễ dàng, vậy mà nhiều năm lại đây, số lượt khách tới Côn Đảo cả năm dồn lại thường gấp nhiều lần số dân sở tại. Anh Nguyễn Anh Nhựt - Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo nói với chúng tôi: Dân cả huyện chỉ có 8.000 người; vậy mà năm 2017 đã đón tới 120.000 lượt khách. Trong đó, có tới 100.000 khách du lịch lịch sử và du lịch tâm linh! Thông tin của anh Nhựt thôi thúc chúng tôi tiếp cận với chị Phạm Thị Tám - Giám đốc Ban Quản lý Khu Di tích Côn Đảo. Thấy chúng tôi để tâm đến môi trường du lịch di tích của mình, Giám đốc Tám như cởi lòng cởi dạ. Đôi mắt hạt hồng lay láy, giọng chan chan kể về bước đi, cách đi, về sự chuyển biến mạnh mẽ của Côn Đảo, nhất là từ khi Thủ tướng ký Quyết định “Côn Đảo là Khu Di tích đặc biệt của Quốc gia” (ngày 10/5/2012). Khách du lịch lịch sử và du lịch tâm linh mỗi ngày một đông, bởi Bảo tàng Côn Đảo luôn xứng với chức năng thông tin, giáo dục truyền thống cách mạng. Là nơi lưu giữ các giá trị vật chất, tinh thần tiêu biểu của quá khứ đấu tranh cách mạng anh dũng, quật cường của các thế hệ chiến sĩ và nhân dân ta trước mọi hành động dã man, tàn bạo nhất của đế quốc xâm lược. Là nơi ngày nối ngày những cán bộ Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, hoàn thiện, trưng bày... những chứng tích, những bằng chứng vật chất về những con người tiêu biểu như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh... Những nhà yêu nước, những chiến sĩ cách mạng lừng danh như Ngô Đức Kế, Phan Châu Trinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng... Những chứng tích và hiện vật hùng hồn nhất, thu hút khách nhất là Trại tù Phú Sơn, Phú Hải... Là những biệt giam “chuồng cọp”, “chuồng bò”...Là Nghĩa trang Hàng Dương - nơi gìn giữ tới 1.923 phần mộ các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù ám hại... Giọng nghẹn đắng, đôi mắt Giám đốc Tám ứa lệ: Trong số gần 2.000 phần mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương thì... chỉ có hơn 700 phần mộ là có tên tuổi; còn lại là vô danh vì thời gian phủ lấp, vì tội ác của quân xâm lược cho dù các phần mộ sau này chúng ta đều xây cất như nhau. Đến Côn Đảo là đến với quá khứ hào hùng nhưng đau thương, đẫm máu và nước mắt. Mộ cô Sáu (Võ Thị Sáu) như tâm điểm của Nghĩa trang Hàng Dương. Người dân đến đây (kể cả cán bộ) không chỉ thăm viếng mà còn để làm lễ. Âu cũng là nét du lịch văn hóa tâm linh bởi người ta nghĩ rằng những người chết vì Tổ quốc sẽ là người có sức mạnh của thần linh - linh thiêng sẽ hóa giải oan khiên, nỗi bất hạnh, khổ đau để bảo vệ con người, mang đến cho họ những cảm xúc thiêng liêng và giá trị văn hóa thẳm sâu trong tâm hồn thuộc đời sống tinh thần. Nên chúng tôi rất trân trọng quyền riêng tư của họ và tìm mọi cách để gìn giữ, tôn tạo nét văn hóa thiêng liêng, tĩnh lặng nơi yên nghỉ ngàn thu của các liệt sĩ; để nơi đây thật sự là “Công viên Nghĩa trang Hàng Dương” văn minh, hiện đại, môi trường sạch sẽ, trong lành, nhân văn, thân thiện; có hệ thống đèn led đủ sáng cho tất cả các ngôi mộ để khách thăm viếng bất kể ngày hay đêm... Việc trực bảo vệ, hướng dẫn khách thăm viếng luôn tận tình chu đáo, được khách yêu mến, nể trọng.
Tác giả và Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Phạm Thị Tám.
Khách du lịch thăm di tích nhà tù Phú Hải.
Thế nhưng, tình trạng xuống cấp là vấn đề luôn hiện hữu bởi khu di tích rộng lớn, chiều dài lịch sử đến nay đã là 150 năm; khi đó ngân sách chi phí cho tu bổ, gìn giữ, tôn tạo lại rất eo hẹp; cán bộ của Ban Quản lý quá mỏng. Đặc biệt, tâm linh “thần bí, linh thiêng” như là hiệu lực vật chất, vật thể có cường tính mạnh mẽ lên cuộc sống của số ít người nên họ tới Nghĩa trang Hàng Dương là để lễ, để cậy nhờ “Thần” ban phát, chở che... Ngày ngày, đêm đêm, nhất là thời điểm giao hòa của ngày trước ngày sau; người ta bưng lễ, đội lễ, khiêng lễ mặn, đủ thứ vật nuôi như: gia súc, gia cầm, hải sản; xôi, oản, bánh trái đủ loại; vàng mã, hương trầm...thi nhau đặt lên mộ, vây quanh lấy mộ cô Sáu; cúng bái, cầu khẩn. Họ tùy tiện đốt vàng mã bên mộ cô Sáu; lửa rừng rực cháy; khói hương mù mịt... mà (tôi - người viết bài này) đã “mục sở thị”. Giám đốc Phạm Thị Tám thở than: Chúng tôi lo lắm, nỗi niềm lắm bởi Nghĩa trang Hàng Dương rộng tới 110,69ha. Nếu bắt lửa, nghĩa trang sẽ thành rừng lửa. Vạn sự sẽ dội lên đầu lên cổ chúng tôi. Công tác bảo vệ, hướng dẫn rất quyết liệt nhưng không sao thấu được. Chúng tôi trương bảng hướng dẫn tránh đốt vàng mã thì họ thiêu luôn cả bảng. Thậm chí bảo vệ nhắc nhở thì họ chửi liền. Giám đốc Tám buông nhời thườn thượt:
“Nghĩa trang Công viên Hàng Dương” đang bị con người gây ô nhiễm nghiêm trọng và hơn thế, hỏa hoạn đang hiện hữu ngày đêm, đặc biệt mỗi khi mùa khô đến! Lời đầy ý khẩn cầu: Không còn là nỗi niềm, đã tới lúc chúng tôi - những người trong Ban Quản lý Khu di tích đặc biệt Côn Đảo này cần chính quyền và Bộ chủ quản sớm quy định và có chế tài cụ thể để ngăn chặn và giữ gìn cho đúng nét đẹp văn hóa tâm linh ở Khu Di tích Côn Đảo!
Tháng 5/2018