Nỗi niềm cây Đa cổ thụ Hà Thân

24-07-2016 17:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các vị cao niên, thì cây Đa cổ thụ này đã tồn tại cho đến nay hơn 600 năm, là chứng tích thời gian của làng An Thị xưa…Xuất xứ của cây Đa là do bà Hà Thị Thân trồng, mang nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, gắn liền với sự ra đời của làng An Hải xưa. Tiền hiền của làng cũng chính là bà Hà Thị Thân, quê gốc Thanh Hóa vào khai hoang lập làng cách đây hơn 6 thế kỷ, hậu thế sau này đọc gọn là Hà Thân...

Làng An Thị (An Hải) xưa, nằm bên bờ đông sông Hàn, cạnh làng có bến phà sông Hàn, có chợ Hà Thân, có bến xe Lam, có Trường trung, tiểu học Khiết Tâm, có tiếng chuông nhà thờ ngân nga…Đặc biệt nơi đây có cây Đa cổ thụ An Thị sần sùi già nua, lòa xòa bộ rễ dài lượt thượt như tóc, tán lá sum suê, cành xòe rộng như chiếc ô xanh khổng lồ, tỏa bóng mát một khoảng rộng, ngày đêm soi bóng xuống mặt nước Hàn giang.

Về địa giới hành chính, làng An Hải xưa, nay chia thành 3 phường: An Hải Tây, An Hải Bắc và An Hải Đông. Hiện nay cây Đa cổ thụ An Thị nằm ở đầu đường Nguyễn Công Trứ, tổ dân phố 1, khu phố An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (Tp Đà Nẵng). Cây Đa cổ thụ An Thị người dân và du khách quen gọi là cây Đa Hà Thân. “Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân, nước xanh như tàu lá / Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn, thấy phố xá nghênh ngang…”. Câu hát xưa nghe sao chạnh lòng, bên ni Hàn là quận Nhất (quận Hải Châu ngày nay), bên tê Hà Thân là quận Ba (quận Sơn Trà ngày nay), chỉ khoảng cách nhau một con sông, song bên quận Nhất phố xá sầm uất, nhộn nhịp ra vẻ dân thành thị. Còn bên quận Ba thì nhà cửa thô sơ thưa thớt, dãy nhà chồ ven sông nhếch nhác, nghèo nàn ra vẻ dân nhà quê, đường không điện quanh năm hiu hắt với ngọn đèn dầu leo lắt, thời ấy là những làng chài ven biển nghèo heo hút như Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ…nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá nhỏ lẻ ven biển, làm nông nghiệp, trồng bông…quanh năm đầu tắt, mặt tối.  Sinh sống ở giữa lòng phố xá, thành thị hẳn hoi song mỗi lần qua trung tâm thành phố, chỉ cách con sông Hàn, dân quận Ba đều bảo nhau là đi qua… phố Đà Nẵng. Cũng ngày đó trong nhân dân truyền miệng câu ca ví von: “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất…”, câu ca nghe sao xót xa, nao lòng nói lên người quận Ba thời ấy cơ cực, khốn khó, lam lũ…

Hiện nay quận Sơn Trà thay đổi vượt bậc, thay đổi đến kỳ diệu không thua kém gì quận Hải Châu, sự thay đổi đó kể từ ngày 1 – 1 – 1997, Đà Nẵng trực thuộc Thành phố T Ư, thay đổi bắt đầu từ xây dựng liên tiếp những cây cầu bắc qua sông Hàn như cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng…nhà cao tầng mọc lên san sát, các con đường và mặt phố được mở rộng khang trang, trong đó có con đường Nguyễn Công Trứ và cây Đa cổ thụ Hà Thân. Hiện nay cây Đa cổ thụ Hà Thân là một trong hai cây Đa có niên đại cổ nhất của Tp Đà Nẵng, được UBND Tp Đà Nẵng  có văn bản thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở Tài nguyên – Môi trường, về việc lập hồ sơ đề nghị xét chọn cây Đa cổ thụ Hà Thân, đầu đường Nguyễn Công Trứ là Cây Di sản Việt Nam. Theo đó, UBND Tp giao cho Sở TN – MT phối kết hợp với các ngành chức năng liên quan của Tp và UBND quận Sơn Trà kiểm tra thực địa, kỹ thuật, định tuổi và sưu tầm, tổng hợp các tài liệu chứng cứ liên quan đến yếu tố lịch sử, hình thành cây Đa cổ thụ Hà Thân, để lập hồ sơ đề nghị xét chọn Cây Di sản Việt Nam. Trước đó, UBND Tp Đà Nẵng, Sở TN – MT và các ngành chức năng liên quan Tp phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đã tổ chức vinh danh và gắn biển đá cây Đa cổ thụ nằm tại tiểu khu 63, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, trên tuyến đường du lịch ven biển ( Bán đảo Sơn Trà: Bãi Bắc – Ghềnh Đá – Mũi Nghê) là Cây Di sản Việt Nam đầu tiên tại Đà Nẵng, cây Đa này còn có tên là Đa núi cao, với hơn 800 năm tuổi, có chiều dài cao hơn 22m, chu vi thân chính và phụ hơn 85m. Chúng tôi “mục sở thị” cây Đa cổ thụ Hà Thân để tìm hiểu, ghi hình và chiêm ngưỡng, phải khẳng định ngay rằng, ngoài cây Đa trên Bán đảo Sơn Trà đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam, thì cây Đa cổ thụ Hà Thân hết sức hoành tráng, cũng xứng đáng để được vinh danh…ông Ngô Quảng (60 tuổi), nhà bên cạnh cây Đa cổ thụ Hà Thân, có thâm niên gắn bó dưới gốc Đa này hơn 45 năm để mưu sinh nghề cắt tóc, ông hành nghề lúc đó là cậu thiếu niên khi mới tuổi 15, ông Quảng bộc bạch: “Tôi làm nghề cắt tóc dưới gốc Đa đầu tuyến đường Nguyễn Công Trứ từ trước năm 1975, chứng kiến bao sự đổi thay của làng An Thị, tuyến này thời đó là một trong những con đường chính của quận Ba, có bến phà, có chợ, có bến xe…đông vui nhộn nhịp, nay bến xe và bến phà không còn, chợ thì chuyển địa điểm khác song con đường đã chỉnh trang mở rộng, nhà cửa cao tầng được xây dựng, cảnh quan đẹp, thông thoáng. Đặc biệt cây Đa cổ thụ Hà Thân rất uy nghi, trầm mặc nhưng rất hoành tráng là chứng tích thời gian của làng An Hải xưa. Tôi sinh sống bên cây Đa cả đời người, và được nghe các vị cao niên kể là hàng năm vào mùa mưa gió, ít nhất có một đến hai cơn bão, trong những năm gần đây có siêu bão song có điều lạ cây Đa vẫn đứng vững vàng chỉ gãy vài nhánh, cành nhỏ không đáng kể. Tôi nghe cha ông kể lại, cây Đa này hơn 600 tuổi, từng nghe chính quyền, ngành chức năng đề nghị xét danh hiệu Cây Di sản. Mong sao Nhà nước sớm xem xét công nhận cây Đa cổ thụ Hà Thân là Cây Di sản Việt Nam…”. Trao đổi với chúng tôi, liên quan đến cây Đa cổ thụ Hà Thân, anh Nguyễn Bá An, Chủ tịch UBND phường An Hải Tây rất vui vẻ và phấn khởi, vì trên địa bàn phường có cây Đa cổ thụ rất nổi tiếng…anh An chia sẻ và đề nghị: “Được biết, trong thời gian qua UBND Tp Đà Nẵng đã giao cho Sở Tài nguyên – Môi trường, các ngành chức năng liên quan của Tp và UBND quận Sơn Trà tiến hành kiểm tra kỹ thuật, xác định tuổi, sưu tập các tài liệu liên quan để lập hồ sơ đề nghị cơ quan, ngành cấp trên xét chọn cây Đa cổ thụ Hà Thân là Cây Di sản Việt Nam. Chính quyền và nhân dân phường An Hải Tây mong rằng cây Đa cổ thụ Hà Thân sớm được vinh danh…”.

Chúng tôi đã nhiều lần đến tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng cây Đa trên Bán đảo Sơn Trà hay còn gọi Bách niên đại thụ hoặc Cây Đa ngàn năm, đã được vinh danh, gắn biển Cây Di sản Việt Nam, mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người, nét độc đáo với nhiều rễ phụ rủ xuống đâm sâu vào lòng đất, tạo nên vẻ đẹp kỳ diệu, huyền ảo mà hiếm nơi nào sánh được. Trong khi đó, cây Đa cổ thụ Hà Thân không thua kém gì, cũng sánh bằng và xứng đáng để được tôn vinh  Cây Di sản Việt Nam.

Bảo Ngọc

 


Ý kiến của bạn