Nơi những nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ tìm được lại nhau

31-10-2016 14:15 | Y tế
google news

SKĐS - Anh Khoa ạ. Tôi là một nữ TNXP thời chống Mỹ, hiện đã xuất gia. Tôi rất thích tờ báo này. Có nhiều mục rất hay. Tôi cũng thích mục của anh. Lực lượng TNXP rất đông, nhưng sao các nhà văn lại ít viết về họ vậy. Tờ báo này cũng thế. Tôi rất muốn báo dành cho một mục để chị em chúng tôi tìm nhau. Rất cảm ơn. - Một nữ bạn đọc (Thái Bình)

Nữ thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

TRẦN ĐĂNG KHOA:

Nam mô a di đà Phật! Cảm ơn sư cô đã yêu tờ báo của mọi gia đình này. Tôi sẽ chuyển nguyện vọng của sư cô tới tòa soạn. Chỉ tiếc sư cô lại không cho biết tên. Ở Thái Bình có một vị sư nữ rất nổi tiếng là Nguyễn Thị Thân cũng từng là TNXP. Nhà văn Minh Chuyên có phóng sự rất hay viết về vị sư này. Phóng sự cũng đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Tác phẩm viết về TNXP nhiều lắm. Sư cô chưa có thời gian đọc thôi. Sư nữ Nguyễn Thị Thân là trường hợp đặc biệt. Cuộc đời bà là một cuốn tiểu thuyết đặc sắc. Chiến tranh khốc liệt nhưng cũng ẩn chứa bao điều lạ kỳ. Tôi cũng đã gặp một nữ TNXP cùng cả đại đội 150 chị em đi qua chiến tranh mà không ai có một vết sẹo. Đó là chị Trần Thị Lư.

Chị sinh năm 1946, ở Quảng Lưu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 1965, chị vào TNXP đóng quân ở Quảng Bình. Nhiệm vụ của đại đội chị là mở đường và bảo đảm cho con đường thông suốt qua bến phà Long Đại. Năm 1966, chị giữ ngầm Bùng. Đó là một lèn đá nằm vắt dưới một con suối khá rộng. Địch ném bom suốt ngày đêm. Cả một vùng trắng lốc. Dân đưa nhà xuống hầm. Các chị cũng ở hầm. Dứt bom là xông ra mặt đường ngay. Chị bảo chị em, nó đánh thì mặc nó. Nó cậy nhiều bom đạn thì cứ cho nó thả sức vung vãi. Bom ném chưa chắc đã trúng. Mà có trúng cũng chưa chắc đã chết. Giết được người cũng không dễ đâu. Khi thấy bom thì cứ úp mặt xuống đất, kệ cho mảnh bom muốn chém đâu thì chém, nhưng đừng để nó chém vào mặt. Phải giữ lấy mặt để sau này còn đi lấy chồng. Đàn bà, con gái có mỗi cái mặt và bầu ngực là quan trọng nhất mà lại để bom đạn nó vầy hỏng thì bi thảm lắm, sợ lắm.

Vậy mà lạ. Cả đơn vị có đến hơn trăm người, ở giữa sa trường, ngày nào cũng bom đạn mà chẳng ai làm sao. Tuyệt nhiên không bị sứt sẹo gì! Suốt 5 năm tắm bom mà chị em chỉ bị hắc lào và lang ben. Có lần, chị Lư đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua. Chị bảo: “Các cậu cố gắng chịu khó đảm đương phần việc của mình giúp mình nhé. Mình đi ăn cỗ, khi về, thế nào cũng có phần. Mình sẽ lấy phần cho các cậu”. Ở Đại hội thật vui, chả phải làm gì, chỉ phát biểu rồi hát, rồi vỗ tay, rồi ăn liên hoan với rau môn thục, rau tàu bay và măng rừng. Tối đi ngủ, lại có chiến sĩ gánh nước từ suối lên cho chị rửa chân. Thật chẳng khác ông hoàng, bà chúa. Khi ban tổ chức gọi chị lên nhận phần thưởng, chị mừng quá. Một gói khá to. Chuyến này thì cả đơn vị sẽ được một bữa vui vẻ rồi. Nhưng khi mở ra thì chỉ có mấy mét vải xô, một bằng khen vẽ bằng tay và bốn cái quai dép cao su. Ối giời! Các chị sướng đến ứa nước mắt. Chị chia cho chị em.

“Ai được, chúng ta cũng mừng, còn ai không có cũng đừng tị nạnh, thắc mắc, kẻo rồi lại phải ân hận. Chúng mình có thể sống nay, chết mai”. Thế nhưng rồi chẳng ai chết cả. Có lần vào dịp Tết, Tổng đội TNXP chia cho các chị một con lợn. Chị cử 4 chị khỏe nhất ở nhà làm thịt lợn, còn tất cả chị em đổ ra đường. Máy bay bất ngờ ập đến ném bom, các chị dạt xuống suối cạn. Chỉ có mấy cô bị ù tai. Lại thoát chết. Ở nhà còn kỳ lạ hơn. Một quả bom rơi trúng bếp. Chị em nấp sau tảng đá, an toàn, nhưng cả chảo thịt lợn bay mất. Chị cười: “Mình cứ đề phòng chó rừng, mèo rừng ăn vụng. Hóa ra Ních-xơn ăn vụng còn siêu hơn cả chó mèo. Cả chảo thịt lợn to vật vã như thế mà biến sạch, biến đến không còn một cái khấu đuôi...”.

Mãi đến hết chiến tranh, các chị mới trở về. 150 chị em nguyên vẹn cả. Lạ không? Vì có rất nhiều thành tích nên cấp trên gửi chị đi học để làm lãnh đạo. Chị bảo: “Bom đạn nó hãi em. Nhưng cái chữ nó cũng kiềng em nốt. Học đau đầu lắm. Với nữa, em chỉ biết đào núi, phá bom chứ có biết làm lãnh đạo đâu”. Chị xin về hưu non, làm lụng nuôi gia đình. Nhà chị 5 miệng ăn. Bố chồng, chồng và hai cô con gái. Ông chồng chị cũng là TNXP, hỏng đường ruột. Chỉ ăn được rau tầu bay. Ăn thịt cá hay các thực phẩm khác không chịu được. Anh gần như nằm liệt giường. Tất cả chỉ trông vào bàn tay vun vén của chị. Sáng chị đi bán xôi. Chiều lang thang bán rau. Vậy mà chị nuôi được cả nhà cùng hai đứa con học đại học.

Chị bảo: “Tôi thất học. Nhưng con tôi không thể thất học. Có thể sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, không xin nổi việc làm, các cháu cũng lại bán xôi, bán rau như mẹ. Nhưng dù có bán rau, các cháu cũng phải là người bán hàng rong có trình độ đại học. Ngày xưa, bom đạn còn chẳng giết được mình. Bây giờ cái nghèo, cái đói lại giết mình sao? Không thể như thế được. Đấy mới là điều vô lý nhất. Vô lý đùng đùng...”.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ý kiến của bạn