Nơi nguyên sơ nhất xứ Mường

30-05-2011 8:10 AM | Xã hội

Người ta nói muốn biết những người ở xứ Mường còn nguyên sơ, phải đến đồi Thung. Nơi mà có nhiều người dân ở gần đó cũng chưa từng nghe nói đến bao giờ.

Người ta nói muốn biết những người ở xứ Mường còn nguyên sơ, phải đến đồi Thung. Nơi mà có nhiều người dân ở gần đó cũng chưa từng nghe nói đến bao giờ. Ðây là một xóm người Mường ở cao trên núi thuộc xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ðứng trên đồi Thung, cứ lơ lửng, lơ lửng, bồng bềnh trong mây như đang ở nơi giao hòa giữa trời và đất.

Ðường lên đồi

Không khí từ Mường Vang đến đồi Thung thất thường như cô gái khó tính, nắng đó rồi lại đổ mưa như trút. Nên con đường từ trụ sở UBND xã Quý Hòa lên đến nơi người dân sinh sống vô cùng lầy lội, khó đi. Người dân đồi Thung cho biết: Lên đồi Thung có hai con đường, một là đường mòn, nhưng đó chỉ là đường để người dân đi bộ xuống chợ Bo (huyện Kim Bôi). Đường ngắn một chút nhưng leo dốc vất vả vô cùng. Một con đường khác là từ trụ sở UBND xã Quý Hòa kéo lên tận đồi Thung cao 1.200m so với mặt nước biển. Đoạn đường dài 8km to hơn, quang hơn nhưng cũng dốc cao, gập ghềnh khó đi.

 Trưởng xóm Bạch Công Ngưu (bên trái) và nhà thơ Vương Tâm.

Người dân cũng cho biết thêm, con đường này chỉ mới hình thành từ cuối năm 2006, do thuê người ở Thái Bình lên làm. Đổi lại, người đồi Thung phải tặng cho họ 100 khối gỗ sau khi hoàn thành 1km đường. Nhưng đó cũng chỉ là con đường với những viên đá to như quả bưởi, cái bát, nắm tay nằm lăn lóc. Người đi bộ không may vấp phải là tóe máu. Con đường như vậy, vào ngày nắng xe máy vẫn có thể vật vã hì hục leo lên leo xuống được, chứ ngày mưa thì... chịu. Trước đây, cả xóm Thung có mấy chiếc xe “min-khờ”, đường chính bây giờ vẫn là đường mòn, người dân phải gửi xe ở dưới chân núi, leo bộ 8km về nhà, rồi muốn đi chợ xa, lại leo bộ 8km xuống lấy xe để đi. Cuộc sống cứ diễn ra như thế cho đến khi có đường. Có đường rồi, đàn ông xóm Thung cũng trở thành những gã lái xe điêu luyện. Những chiếc xe min cứ nhảy chồm chồm trên cung đường xóc nảy óc, nhiều ổ gà. Vậy mà họ không ngã, quả là tài tình!

Không may cho chúng tôi, leo xe máy lên được nửa đường thì gặp mưa rừng. Nhà thơ Vương Tâm đi cùng tôi thầm thì khấn trời đừng trút lũ xuống. Những viên đá xanh, to như quả bưởi, chất thành từng đống nằm ngổn ngang bên vệ đường bắt đầu hành hạ, trồi lên trong mưa mà “phục kích”. Đường lại lầy lên bởi những vết ôtô trước đó đã đi. Xe máy không leo lên được, cả hai phải ì ạch đẩy, chiếc xe nhúc nhích lên từng bước. Đường rừng, dốc dựng lên chất ngất. Nhìn lên, chỉ thấy núi, thấy rừng, không biết rồi sẽ đi tới đâu, bao giờ đến nơi. Cũng không thể gọi đây là đường, chỉ là mở rộng lối mòn, bằng chính đất đá của rừng. Cũng như những con đường rừng hiểm ác khác, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Ðất, đá chưa kịp gắn kết với nhau, rời rạc, lổn nhổn. Mất hơn một tiếng đồng hồ, người dắt, người đẩy vật vã mãi rồi chúng tôi cũng lên tới xóm Thung, nơi người Mường đang sinh sống như một thế giới hoang sơ.

Người dân đứng trong lán tránh mưa, ngơ ngác không biết chúng tôi là ai, từ đâu hay từ trên trời rơi xuống. Tôi nói mình là nhà báo. Họ không tin, nhà thơ Vương Tâm rút thẻ nhà báo, họ săm soi mãi, cuối cùng cũng công nhận rồi hét lên: “Các bác là nhà báo đầu tiên đến xóm này”. Nhìn gương mặt họ, tôi hiểu là họ còn giữ được cái nguyên sơ, ít bị xâm hại bởi thời kinh tế thị trường, nhưng cũng có thể vì thế mà họ khổ, vất vả đủ đường.

 Một góc chợ phiên xứ Mường.

Ðất lạ hóa quê hương

Ông trưởng xóm Bạch Công Ngưu dẫn chúng tôi về nhà, theo sau là một số người nữa cùng đi cho “biết nhà báo”. Ông Ngưu  nói: “Đường lên đây các bác biết rồi đó, vất vả vô cùng. Các bác leo lên như vậy là giỏi. Nếu các bác tìm hiểu, viết bài về chúng tôi, hãy làm sao tác động, cho chúng tôi có đường tử tế”. Sau khi pha ấm trà, ông Ngưu kể về sự hình thành của xóm Thung. Nó mới được khai hoang trong vòng 100 năm nay. Do ngày xưa giặc dã tung hoành, cường hào ác bá ức hiếp dân lành. Giữa sự sống và cái chết, một nhóm khoảng 30 người kéo nhau vào rừng, cứ đi mà chẳng biết đi đâu. Họ nói với nhau: “Cứ trốn cái đã, không đi được nữa thì chết”. Họ cứ đi mãi, đi mãi, vượt bao đèo, bao núi. Sau đến một vùng đất ở trên núi cao khá bằng, có thể trồng lúa được, họ quyết định ở lại lấy gỗ làm nhà, lập nên xóm Thung. Từ ngày khai đất lập làng, cuộc sống của người dân ở đây đã phải trải qua vô vàn khó khăn. Trước năm 1997, người dân dường như vẫn sống biệt lập với bên ngoài với phương thức tự cung tự cấp.

Từ năm 1997 trở đi, người dân đã biết dùng đường mòn để xuống núi đi chợ, học  cái hay, cái tốt của người bên ngoài, mua máy xay xát, mua cày cuốc và rất nhiều thứ cần cho cuộc sống của họ. Rồi họ làm được đường bê tông ở trong xóm để nhà nọ đến nhà kia đi lại cho sạch, công nông cũng có thể đi lại được. Tất cả những thứ đó, từ máy móc, nguyên vật liệu xây dựng, người dân chỉ dùng sức người và sức trâu cõng đi đường mòn, nhưng con trâu ì ạch không lách được cây rừng, lại chủ yếu là  người dân cõng trên lưng, máy móc thì dùng cả nhóm người để khiêng, 2 ngày mới lên đến nơi.

Con người nơi thung cao

Xóm Thung có 140 hộ với 830 nhân khẩu, chỉ có 6 nhà được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 134 và 8 nhà được hỗ trợ cấp vốn làm ăn theo Chương trình 135 xóa đói giảm nghèo. Ðến bây giờ xóm vẫn còn 60 hộ nghèo. Thu nhập chính sau lúa của người dân xóm Thung là từ măng, trung bình mỗi tháng một người dân thu được 100-150 ngàn đồng. Ruộng ở trên đồi Thung là ruộng bậc thang đất lẫn đá. Diện tích đất nông nghiệp của cả xóm là 80ha. Từ khi lập bản, người dân Thung chỉ biết làm một vụ lúa. Ðến năm 2003 mới được dạy để cấy thành công 2 vụ lúa. Ông Ngưu bày tỏ: “Xóm Thung vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Trạm y tế không có, mỗi lần ốm, nhẹ thì tự mua thuốc về uống, ốm nặng, sinh nở thì phải cáng võng đưa xuống thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn hoặc huyện Kim Bôi. Cũng may, khí hậu ở đồi Thung trong lành, người dân không mấy khi bị ốm”.

 Hái măng đãi khách.

Xóm Thung không có chợ, cũng không có hàng quán. Duy nhất chỉ có một cái quán hàng sửa xe máy của anh Bùi Văn Chức, con rể ông trưởng xóm Bạch Công Ngưu. Mà cái quán ấy sơ sài tới mức không thể sơ sài hơn. Hàng hóa chẳng có gì, chỉ mấy cái săm xe máy, xe đạp. Cả xóm chỉ mỗi Chức biết sửa xe máy. Trường học của xóm Thung nằm chênh vênh trên sườn núi, rào bằng tre đan mỏng manh. Cả trường có 100 em. Chủ yếu học sinh ở đây chỉ học hết cấp 1. Lên cấp 2 các em phải xuống xã hoặc thị trấn Vụ Bản học nội trú. Theo tiêu chuẩn, chỉ 2 em học giỏi nhất xóm được theo học tiếp, còn thì hầu hết là ở nhà. Những em khác, muốn theo học thì gia đình phải tự xin. Từ trước tới nay, mới chỉ có một cháu học cao nhất là ở Trường Cao đẳng Nhạc họa của tỉnh.

Khi chúng tôi định ra về, ông Trưởng thôn cầm bàn tay tôi nói: “Bác từ xa lên đây là chúng tôi mừng lắm, khách quý đấy. Như thế là vẫn có người nhớ đến chúng tôi ở cái thung lũng trên cao này. Mong các bác ở lại đây một đêm”. Nhưng chúng tôi xin phép xuống núi. Tôi chào mọi người khi sương đã phủ kín đồi Thung. Mây, gió vẫn trôi, vẫn thổi cùng với cuộc sống bình dị vốn có của người dân nơi đây. Trên đường về tôi cứ xao xuyến mãi ánh mắt của những đứa trẻ dường như đang biết khát cái chữ và sự gửi gắm tâm sự của những người dân xóm Thung, ao ước một cuộc sống no ấm, đỡ vất vả hơn.

Khi xuống, vẫn cái ì ạch đó, tôi và Vương Tâm, một người dắt xe, còn người kia kéo sau để xe máy khỏi rơi xuống vực. Đột nhiên có tiếng hú từ trên cao vang lên. Tiếng hú nghe như tiếng gọi, tiếng mời chào tôi quay trở lại. Nghe da diết vô cùng.

  Ngô Thục Miên


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH