Hà Nội

Nơi người bệnh phong được yêu thương không khoảng cách

27-08-2023 06:48 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Trong Giáo phận Kon Tum có một số linh mục, một số thầy dòng, các sơ đến từ rất nhiều cộng đoàn hiện diện trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai tham gia phục vụ cho bệnh nhân phong.

Giáo phận Kon Tum được thành lập từ năm 1932, dưới thời Giáo hoàng Piô XI, là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên. Địa giới hiện nay gồm hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, có diện tích 25.225 km², là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào: Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng…

Thời gian qua, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong Giáo phận luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo và các phong trào do địa phương phát động. Trong đó phải kể đến hoạt động giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được học hành, tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, chăm sóc bệnh nhân phong, khám và mổ mắt đục thủy tinh thể; Hỗ trợ các gia đình khó khăn chữa bệnh bằng nhiều cách khác nhau như: hỗ trợ xe cứu thương, tiền thuốc, tiền phẫu thuật…

Nơi người bệnh phong được yêu thương không khoảng cách - Ảnh 1.

Đoàn bác sĩ thiện nguyện của Ban Bác ái Xã hội Caritas, Giáo phận Kon Tum khám mắt và cấp kính miễn phí cho người dân nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hoàng Long Quân

Hoạt động chăm lo cho người nghèo và người bệnh phong

Tổ chức Caritas Việt Nam tại Giáo phận Kon Tum có văn phòng Ban Bác ái xã hội Caritas Việt Nam hoạt động chủ yếu là lo cho bệnh nhân phong, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, văn hóa – giáo dục, cứu đói, nước sạch cho người nghèo. Ban Bác ái xã hội Caritas Kon Tum có những y, bác sĩ kết hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Phong Quy Hòa – Quy Nhơn đi khám bệnh tại các làng. Khi phát hiện bệnh nhân phong thì sẽ động viên người bệnh về Bệnh viện Phong Quy Hòa – Quy Nhơn để điều trị hoặc phẫu thuật. Khi họ lành bệnh thì lại đưa về làng, tìm cách giúp họ lương thực, phương tiện sản xuất để tự nuôi sống mình hàng ngày.

Việc giúp đỡ bệnh nhân phong vùng này chủ yếu do các Cha quản xứ và Caritas đảm nhận. Ngoài giúp đỡ lương thực, Caritas Kon Tum có ban Y tế riêng, hằng tuần đến chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân phong và tất cả bệnh nhân khác trong vùng.

Trên thực tế, Ban Bác ái xã hội Caritas Kon Tum hỗ trợ chính cho những nhu cầu phục vụ và chữa trị các bệnh nhân phong. Ngoài ra, Giáo phận còn có hàng trăm nhân viên và chuyên viên đang phục vụ khắp các trung tâm và các làng để chăm sóc người bị bệnh phong. Tuy nhiên, vẫn phải cần đến tất cả các tấm lòng hảo tâm trong và ngoài giáo phận do giáo phận Kon Tum là một giáo phận có đông bệnh nhân phong.

Những làng phong chủ yếu nằm cách xa thành phố, ở các vùng xa xôi hẻo lánh nhất, trình độ bệnh nhân phong người dân tộc còn hạn chế, vì vậy rất cần đến những người nhẫn nại, chịu khó mới có thể phục vụ hiệu quả cho các bệnh nhân. Vì địa bàn dân cư quá rộng, người bệnh phong lại ở rải rác không tập trung nên việc chăm sóc và phục vụ đời sống cho bệnh nhân phong gặp rất nhiều khó khăn nên các nữ tu đã đi đến tận nhà của họ kể cả ở nơi xa xôi hẻo lánh để chăm sóc sức khỏe, lo giúp lương thực cho người bệnh và gia đình. Nhờ đó, đồng bào dân tộc nếu mắc bệnh phong đã nghe lời thuyết phục để đi chữa trị, bớt mặc cảm về bệnh tật.

Nơi người bệnh phong được yêu thương không khoảng cách - Ảnh 3.

Bệnh nhân phong thuộc Giáo phận Kon Tum trong ngày lễ bổn mạng. Ảnh: Hoa Núi

Bệnh nhân phong được chăm sóc, yêu thương

Bệnh nhân phong thuộc Giáo phận Kon Tum luôn được quan tâm, chăm sóc và yêu thương, họ cũng có một ngày đặc biệt là ngày lễ bổn mạng. Đó là ngày 10/5 hàng năm, lễ kính Thánh Đa-miên - linh mục, tông đồ của bệnh nhân phong, được chọn làm ngày bổn mạng của các bệnh nhân phong cũng như các tình nguyện viên, nhân viên phục vụ bệnh nhân phong thuộc Giáo phận Kon Tum.

Năm nay, trong ngày Bệnh nhân phong, Ban Bác ái Xã hội - Caritas, Giáo phận Kon Tum đã mời các bệnh nhân phong từ Kon Tum và Gia Lai về gặp mặt tại Nhà thờ Chính tòa Kon Tum để cùng nhau sống niềm vui Phục Sinh với trọn tâm tình tạ ơn, cầu nguyện và hiệp thông với mọi người.

Linh mục Micae Ya Thu, dòng Phanxicô, người đã gắn bó phục vụ bệnh nhân phong hơn 10 năm ở Gia Lai cho biết, ông đã vượt qua e ngại ban đầu và quyết tâm dấn thân phục vụ người bệnh phong. Đặc biệt, Linh mục Micae Ya Thu đã lập một phòng rửa vết thương cho bệnh nhân phong ngay tại giáo xứ. Đồng thời, ông vận động người dân bất kể lương giáo nếu có hoặc biết người có biểu hiện của bệnh như tay chân tím tái, da mất cảm giác…thì lập tức thuyết phục người bệnh đi xét nghiệm và hướng dẫn họ đến các trung tâm y tế để điều trị. Linh mục Micae Ya Thu mong muốn mọi người đừng e ngại và xa lánh bệnh nhân phong. Khi làm việc hãy gần gũi, yêu thương người bệnh và cần thêm nhiều tình nguyện viên cộng tác vào công việc chăm sóc họ.

10 năm qua, nữ tu bác sĩ Maria Nguyễn Ngọc Hà, hội dòng Đa Minh Rôsa Lima, phụ trách chăm sóc bệnh nhân phong thuộc huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực cùng các sơ mở một Phòng khám tại cộng đoàn để giúp các bệnh nhân phong và chữa trị các bệnh thông thường khác. Phòng khám đón các bệnh nhân phong nặng sống rải rác tại các làng về điều trị. Nhờ sự ủng hộ của Nhà dòng, các sơ luôn tiếp tục cố gắng vượt lên những khó khăn để phục vụ bệnh nhân phong, bệnh nhân nghèo không chỉ trong địa bàn huyện Chư Sê mà còn mở rộng đến nhiều nơi khác.

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thươngPhòng khám Nhân đạo Kinh 7 phục vụ trong yêu thương

SKĐS - Từ ba căn nhà lá những năm 1980, đến nay Phòng khám Nhân đạo Kinh 7 đã là một cơ sở khám chữa bệnh thiện nguyện khang trang, hiện đại. Dù diện mạo thay đổi nhưng tinh thần của Phòng khám vẫn luôn là phục vụ trong yêu thương, hết lòng vì sức khỏe người bệnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chương trình thiện nguyện “Tết ấm vùng cao” tặng quà cho 10 trạm y tế của huyện Hoàng Su Phì

Hoàng Nam - Hoa Núi
Ý kiến của bạn