Bệnh nhân tên là N.T.T trú tại Thanh Chương - Nghệ An, bị bị cưa cắt vào bàn tay trái và được người nhà đưa tới nhập viện. Ngay lập tức được các bác sĩ chẩn đoán vết thương đứt lìa hoàn toàn đốt gần ngón II tay trái, vết thương đốt xa ngón I tay trái. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, hội chẩn và quyết định phẫu thuật nối lại ngón tay cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật vi phẫu nối các mạch máu, thần kinh trong, nối lại 2 ngón tay bị cắt rời được tiến hành bởi kíp mổ do bác sĩ Võ Ngọc Thái – trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ làm bác sĩ phẫu thuật chính.
10 ngày sau phẫu thuật nối ngón tay bị đứt lìa; ngón được nối hồng, lưu thông máu tốt. Bệnh nhân đang được hướng dẫn tập phục hồi chức năng.
Ngón tay của bệnh nhân được nối thành công.
Các bác sĩ cho biết, tai nạn lao động thường xuyên xảy ra là gánh nặng về y tế cũng như kinh tế cho xã hội, vì vậy việc nghiêm chỉnh chấp hành an toàn lao động là vô cùng quan trọng.
Nếu không may bị tai nạn đứt lìa chi thể, cần phải sơ cứu vết thương đúng cách, thực hiện cầm máu mỏm cụt bằng băng ép, tránh sử dụng garo ở mức tối đa. Không được dùng panh kẹp để kẹp mạch máu vì sẽ làm giập nát, gây khó khăn cho phục hồi lưu thông mạch máu.
Bảo quản các bộ phận cơ thể bằng cách bọc phần chi thể đứt rời lại bằng gạc hoặc vải sạch, cho vào túi nilon sạch buộc kín. Phía ngoài của túi nylon đó được đặt trong một túi nylon khác hay hộp đựng nước sạch. Với mục đích tránh phần chi tiếp xúc trực tiếp với đá và giữ cho nhiệt độ trong túi luôn ở nhiệt độ khoảng 4 °C . Sau đó, đưa tất cả vào trong hộp có chứa đá lạnh.
Sau đó nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân và phần chi bị đứt rời đến Bệnh viện càng sớm càng tốt. lưu ý, không để chi thể tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh vì sẽ làm cho các tế bào bị chết (bỏng lạnh) và do vậy cho dù có nối lại thì chi cũng khó có thể sống được.
Theo Ban chỉ đạo Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động trung ương thông tin, năm 2018 cả nước xảy ra 7.997 vụ tai nạn lao động, 8.229 người bị nạn.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất năm 2018 gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Dương.
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh để xảy ra nhiều tai nạn nhất là xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; khai thác mỏ, khai thác khoáng sản...Các nhà chuyên môn cho biết, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người do chủ sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; do tổ chức lao động và điều kiện lao động... Vì vậy, người dân cần tuân thủ nghiêm về an toàn lao động để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.