Nơi nắng đỏ mù trời, mưa đỏ đất

19-12-2010 07:21 | Xã hội
google news

Rồi cơn mưa ào ạt đổ xuống khi chúng tôi bắt đầu bước chân vào rừng, nó chợt đến cũng chợt đi nhanh chóng để lại làn hơi nước mờ mịt trên các dãy núi thấp, con đường trơn trượt như báo hiệu một hành trình gian khổ và khó khăn khi khám phá Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Khu vực trên đường từ UBND xã Bù Gia Mập vào Trạm kiểm lâm số 3 thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập chủ yếu là đồng bào dân tộc Stiêng ở trong nhà vách làm bằng cây lồ ô, mái tranh, nền đất. Nhà khá hơn thì ở nhà vách gỗ, mái tôn. Trẻ em ở đây rất dễ thương nhưng nhút nhát. Nắng thì bụi mịt trời, không chỉ đường đỏ mà nhà đỏ, xe đỏ, tóc đỏ, quần áo cũng đỏ…

Như tấm thảm xanh nằm vắt trên địa phận 2 tỉnh Bình Phước và Đăk Nông, Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích hơn 26.000ha với bao điều kỳ thú để khám phá, để trải nghiệm và học hỏi kiến thức mới về phong tục tập quán của người dân địa phương, chiêm ngưỡng những phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Có mặt tại Bù Gia Mập vào một ngày mưa bay lất phất sau khi trải qua những con dốc hình sin khuất tầm mắt, những đoạn đường đang thi công đá dăm lởm chởm, những con đường đất đỏ trơn như bôi mỡ. Rồi cơn mưa ào ạt đổ xuống khi chúng tôi bắt đầu bước chân vào rừng, nó chợt đến cũng chợt đi nhanh chóng để lại làn hơi nước mờ mịt trên các dãy núi thấp, con đường trơn trượt như báo hiệu một hành trình gian khổ và khó khăn khi khám phá Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Bù Gia Mập cũng tự hào vì ở đây còn có những người giao liên, như Điểu Gia, người dân tộc Stiêng, đã rong ruổi khắp các cánh rừng Bù Gia Mập từ năm 13 tuổi để đưa đón những đoàn quân. Ông là một trong những người dân tộc được tặng huy hiệu truyền thống của Bộ đội 559. Và còn đó những cái tên như Điểu Bun, K’Rua, Ka Giá, Lâm Ron… dù không ít trong số họ đã mãi mãi nằm xuống cho màu xanh Bù Gia Mập hôm nay.

Cả xã Bù Gia Mập có gần 6.000 dân, có thôn cách trạm y tế đến 15km và cách trung tâm y tế huyện 50km đường rừng, nhưng công tác y tế còn gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ Vũ Ngọc Tám, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bù Gia Mập, bác sĩ duy nhất của trạm y tế xã, tâm sự: Đội ngũ y tế xã rất vất vả nếu xảy ra trường hợp cấp cứu. Chỉ 50km nhưng mất thời gian 3-4 giờ mới đến nơi được. Hiện tại, với lực lượng chỉ có 1 bác sĩ, 4 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, không thể giải quyết hết tất cả trường hợp khẩn cấp. Ước mong lớn nhất của tập thể trạm y tế là có một chiếc xe cứu thương, bởi hiện nay mỗi lần cấp cứu, người dân phải thuê xe với giá rất cao, từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng, một số tiền quá lớn so với thu nhập của bà con ở đây. Đó là ngày nắng, chứ mưa dầm như mùa này, có tiền cũng không thể thuê được xe.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập xen lẫn màu xanh lá, màu đỏ của đất.

Khó khăn trong công tác y tế nơi đây, khiến chúng tôi thoáng chút chạnh lòng... mải miên man suy nghĩ, xe chạy đến khu vực giáp biên giới với nước bạn lúc nào không hay. Sau khi đến Ban Quản lý Vườn quốc gia để đăng ký, chúng tôi bắt đầu tiến vào rừng. Chạy xe máy giữa những con đường mòn nhỏ đầy lau sậy, dưới những vòm lá tre xanh ngắt đan vào nhau. Và trong cơn mưa rừng rả ríc, lớp đất đỏ màu mỡ trở thành mối đe dọa khi các xe liên tục trơn trượt và quay ngang. Người dân ở đây, trong những ngày mưa thường khắc phục bằng cách gắn xích vào bánh xe cho xe khỏi trượt. Trên con đường ngoằn ngoèo từ ngoài vùng đệm để tiến vào vùng lõi của Vườn quốc gia, những người phụ nữ dân tộc Stiêng đang trở về nhà sau một ngày mệt nhọc làm rẫy mưu sinh và tìm kiếm thức ăn cho gia đình. Trên khuôn mặt họ hằn những nét mệt mỏi với chiếc gùi nặng trĩu gồm rau rừng, măng, củi, nhưng khi nhìn thấy khách thì vẫn vui vẻ vẫy cười.

Chúng tôi đi qua thêm 2 chốt kiểm lâm, gửi lại xe và soạn lại hành lý, bắt đầu vào rừng. Dưới cơn mưa, con đường rừng trở nên âm u, ẩm ướt. Những mối đe dọa từ vắt rừng bây giờ mới hiện hữu. Vắt ở đâu mà nhiều vô kể, thoắt cái đã bám vào quần áo, vào kẽ giày... Sau gần một giờ đi trong rừng, chúng tôi bắt đầu nghe tiếng nước chảy róc rách. Bước nhanh chân hơn, một lát sau, trước mắt chúng tôi xuất hiện một con suối trong veo nằm dưới những tàng cây thẳng đứng. Nước suối mát lạnh. Suối không sâu lắm, có những đoạn chỉ ngang đầu gối, nhưng nước chảy xiết, chỉ cần một thoáng loạng choạng là cả người và ba lô đều nằm dưới suối.

Chúng tôi hạ trại bên kia bờ suối, nơi có sẵn một cái lán dựng bằng bạt của các anh kiểm lâm. Chúng tôi căng thêm hai cái lều mang theo, nhóm lửa và chuẩn bị bữa tối. Ngồi trên phiến đá bằng giữa dòng suối, nghe nước chảy dưới chân mình, trên cao là tiếng chim ríu rít, tôi lắng nghe thiên nhiên và hít căng lồng ngực luồng không khí trong lành của rừng. Người ta bảo, rừng là lá phổi của hành tinh. Thế nhưng, với biết bao bận rộn của cuộc sống, ngày ngày chen chúc trong những đám kẹt xe, hít đầy không khí ô nhiễm, có mấy ai dành chút thời gian để tìm đến rừng? Có mấy ai từ chối những tiện nghi hiện đại hằng ngày để đến với nơi hoang sơ thiếu thốn đủ thứ này? Nhưng đổi lại, chúng tôi có không khí thiên nhiên trong lành, có chút tĩnh lặng để lại sau lưng những áp lực và bon chen của cuộc sống.

Hoàng hôn lặng lẽ buông xuống trên khắp các cánh rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Nhìn xa, mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ trước khi để lại màn đêm lặng lẽ và không chút bình yên của thế giới muôn loài đang đấu tranh sinh tồn và duy trì nòi giống cho đời sau hữu thụ. Cuộc sống vốn vẫn vậy, tạo hoá đã sinh ra muôn loài để tạo nên một chuỗi mắt xích sinh học, để cân bằng sinh thái, để loài này cộng sinh vào loài khác nếu chúng muốn tồn tại và phát triển. Đâu đó trên những thân cây cổ thụ xù xì, tiếng ve cất lên râm ran hòa quyện vào tiếng gió, tiếng lá rơi xào xạc như bản giao hưởng của đêm khiến không gian của rừng thêm chút huyền ảo.

Đồng bào Stiêng.

Mưa rả ríc, tiếng mưa, tiếng suối, tiếng những động vật rừng trong đêm vẫn đâu đây. Chúng tôi bắt đầu sắp củi và nhóm lửa nướng và nấu cháo gà. Ly rượu ấm chuyền tay, chuyện trò rôm rả. Nồi cháo gà bốc khói thơm lừng…

Khuya, mưa vẫn chưa dứt, nước mưa chảy lênh láng. Cuộc vui vẫn tiếp tục cho đến nửa đêm. Do lều đã ướt lướt thướt dưới cơn mưa, chúng tôi mắc võng trong lán để ngủ. Tiếng mưa lộp bộp trên mái lán, mưa đã dứt, nhưng sương đêm kéo đến. Chúng tôi cũng lặng lẽ hòa giấc ngủ bồng bềnh giữa thiên nhiên hùng vĩ. Trong giấc mơ chập chờn, tôi nhớ lại câu chuyện già làng Điểu Len kể, đàn ông, thanh niên Stiêng ngày trước giữ cái lao là giữ sinh mạng của mình. “Chiến binh mất lao như con cọp không có nanh vuốt. Còn có lao trong tay là còn giữ được mạng sống, còn kiếm được lương thực lo cho gia đình”. Cách đây 2 thập kỷ, khi rừng còn dày, thú còn nhiều, người thợ săn tài giỏi sẽ được nhiều cô gái xinh đẹp muốn bắt làm chồng... Và đến ngày nay, hình ảnh giữa màn đêm đỏ rực ánh lửa, trong tiếng cồng chiêng lay động không ngừng, các trai làng đóng khố để ngực trần múa lao quanh bếp lửa khiến người thưởng lãm như có cảm giác sống lại thuở hồng hoang, cái thời mà các chiến binh Stiêng tay nắm chắc ngọn lao bao quanh mãnh hổ, hoặc ngược những con sông ngồi trên thuyền độc mộc phóng lao săn những con cá lăng khổng lồ.

Sau một đêm ngủ mệt, bình minh của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đang ửng dần ở phía chân núi xa mờ. Tiếng chim từng bầy, từng bầy gọi nhau đánh thức một ngày mới. Con suối gần đó sau đêm mưa gào dữ dội hơn và nước dâng cao hơn, chảy xiết hơn. Chúng tôi ào xuống tắm suối. Nước lạnh tê. Tay bám chặt vào mỏm đá, mà thỉnh thoảng cảm giác như nước có thể lôi mình đi bất cứ lúc nào.

Mưa lại trút nước khiến con đường đi không thể tiếp tục, chúng tôi trở về mà trong lòng đầy bao nỗi nhớ. Nhớ rừng, nhớ suối, nhớ một khoảng thiên nhiên bao la trập trùng mây trắng xóa giữa những tàng cây. Nhớ cả con đường đất đỏ trơn lầy. Mỗi nơi đi qua chúng ta đều để lại những kỷ niệm đẹp về vùng đất đó và mang về những tấm hình làm hành trang cho cuộc sống, để một ngày bình yên bất chợt ta ngắm lại những thành quả mà mình đã làm được dù đó là những điều nhỏ nhoi giản dị. Cuộc sống là vậy, mỗi khám phá mới sẽ là những điều diệu kỳ nhất mà ta hằng mong ước, cũng như ta ước mơ một lần đến thăm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập.       

 Nguyên Sóc

Ý kiến của bạn