Nỗi mừng lo Cà Ná

09-09-2016 09:00 | Xã hội

SKĐS - Không biết là tin mừng hay tin lo khi ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3516 phê duyệt bổ sung đưa dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm...

Không biết là tin mừng hay tin lo khi ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3516 phê duyệt bổ sung đưa dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.

Dự án này do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai dự án theo năm giai đoạn từ 2017 đến 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 10 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 sử dụng 240ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. Dự kiến trong giai đoạn 1, khu liên hợp này sẽ đưa vào vận hành 3-4 lò cao, mỗi lò có công suất 1,5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổ hợp thép cán của Hoa Sen sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án lên tới 10 lò.

Phần lớn diện tích đất GPMB cho dự án thép ở Ninh Thuận là đất nông nghiệp và diêm nghiệp.

Mừng vì đất nước sẽ có thép không chỉ phục vụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Lo vì văng vẳng đâu đây câu tuyên bố thẳng thừng của vị phụ trách đối ngoại Formosa “chọn thép hay chọn biển và cá?”. Trên thực tế, môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung quanh vụ Formosa vẫn đang là mối quan tâm lớn của dư luận.

Có chút mừng khi nghe ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen tuyên bố trước báo chí rằng “đích thân lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vào làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hoa Sen để kêu gọi đầu tư. Ninh Thuận là tỉnh rất khó khăn và họ đang cần một cú hích để đột phá kinh tế cũng như tăng thu ngân sách địa phương”. Về môi trường, ông Vũ nói chắc nịch: “Tập đoàn Hoa Sen cam kết không để một giọt nước thải từ dự án chảy ra biển”. Lại lo chuyện nước thải không thải ra biển thì chảy vào đâu? Và khi Formosa chưa vào Vũng Áng - Hà Tĩnh cũng mở ra những triển vọng là cú hích cho sự đột phá kinh tế của tỉnh cũng như chuyện tăng ngân sách địa phương. Nay Formosa mới chạy thử, biển đã bị đầu độc và hàng trăm ngàn người thất nghiệp và hàng triệu người tiêu dùng bị ảnh hưởng do cảnh giác với cá, du lịch biển bị tổn hại nghiêm trọng.

Lo nhiều hơn mừng vì dù có rút kinh nghiệm bài học từ Formosa thì tính khả thi của dự án này cũng cần phải được đặt lên bàn cân. Sản xuất thép phải có nước. Theo tính toán bước đầu của các nhà khoa học thì để sản xuất 16 triệu tấn/năm phải có tối thiểu 180.000m3 nước ngọt/ngày, tức hơn 60 triệu m3/năm trong khi trên thực tế, Ninh Thuận là vùng đất khô hạn có lượng mưa thấp nhất cả nước. Chỉ cần lục lại thông tin trong hai năm qua thấy không thiếu tin bài về hạn hán ở Ninh Thuận, nhiều vùng không có nước tưới, gia súc không có nước uống, chết hàng loạt thì nước đâu để phục vụ sản xuất thép? Ngay trên mảnh đất huyện Thuận Nam, nơi Tập đoàn Hoa Sen triển khai dự án thì dân cũng phải chờ nước do quân đội và chính quyền chở đến giúp đỡ.

Chưa nói đến chuyện xả thải đúng quy định không, công nghệ thế nào, nước cũng là câu hỏi chọn những cánh đồng đang khô khát hay chọn những lò luyện thép nếu đủ? Trong khi hiện nay, theo số liệu được công bố trên website Tổng cục Thủy lợi, Ninh Thuận chỉ có thể giải quyết căn bản nước cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 nếu điều tiết được khoảng 400 triệu m3 nước từ đập dâng Tân Mỹ và sông Cái. Tuy nhiên, cho dù có thêm hai hệ thống này thì cũng chỉ giải quyết nước cho các huyện phía Bắc, trong khi Dự án thép Hoa Sen lại nằm ở phía Nam của Ninh Thuận.

Không tới tận nơi nghe một chiều quả là rất mừng khi Dự án mở ra khả năng 45.000 lao động địa phương có công ăn việc làm  sẽ giúp thay đổi đời sống kinh tế của bà con địa phương. Rồi cơ hội phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như ăn uống, vận tải, lưu trú. Rồi ngân sách tỉnh sẽ tăng đáng kể... Tính kỹ, không biết bao nhiêu hộ dân phải di dời và chuyển đổi nghề nghiệp và bao nhiêu đất đai nuôi sống hàng vạn dân sống trên đó phải nhường cho dự án?

Mừng chăng khi Tập đoàn Hoa Sen tuyên bố: “Chúng tôi cam kết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường. Nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải”. Nhưng lo là những cam kết trên chỉ là những hứa hẹn như Formosa từng hứa hẹn mà chưa thấy rõ cụ thể công nghệ nào, nhà đầu tư là ai, thực hiện cơ chế giám sát ra sao?

Số phận người dân, tương lai của một vùng đất cũng như cả khu vực lớn không thể chỉ hy vọng vào lời hứa dù ông Lê Phước Vũ có quyết tâm “Báo chí, Chính phủ cứ ghi âm, ghi hình lại lời hứa này để nếu sau này tôi không giữ lời sẽ đem tôi ra tòa xử”. Trân trọng quyết tâm của ông nhưng ai dám đảm bảo ngư dân, diêm dân, du lịch biển đầy tiềm năng của Ninh Thuận có chắc chắn được an toàn khi nhà máy thép tầm cỡ này được xây dựng tại đây? Năng lực xử lý chất thải được tính toán thế nào để xử lý lượng nước thải khổng lồ và những chất thải độc hại phát sinh trong quá trình luyện thép? Tất cả do chưa có thông tin nên lời hứa vẫn chỉ là lời hứa.

Sự an toàn về môi trường cũng như an toàn cho người dân lại cần những gì thật cụ thể khiến người ta vững tin chứ không phải chỉ là hy vọng về chiếc bánh vẽ trong tương lai!

Xin cẩn thận đừng làm chuyện đã rồi. Bài học Formosa vẫn còn nguyên đó!


Lê Quý
Ý kiến của bạn