1. Nhận biết mụn ẩn trên trán
Theo BSCKI. Lưu Thị Quỳnh, Khoa Da liễu - Miễn dịch, Dị ứng, Bệnh viện 19-8, mụn ẩn thực chất là tổn thương mụn trứng cá không viêm, thường khu trú ở vùng da tiết nhiều dầu nhờn như trán, lưng... Nổi mụn ẩn trên trán, dù không gây cảm giác đau, khó chịu, nhưng chúng khiến da trở nên sần sùi, mất thẩm mỹ.
Thông thường mụn ẩn trên trán do các tuyến bã nhờn gây tắc lỗ chân lông tạo nên. Nguyên nhân gây bít tắc lỗ chân lông có thể do sự thay đổi nội tiết trong cơ thể (đặc biệt thường gặp trong độ tuổi dậy thì), thói quen chăm sóc da không đúng cách, vệ sinh da không sạch, thường xuyên đưa tay lên mặt...
Ngoài ra, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực, căng thẳng kéo dài cũng là một trong những lý do gây ra mụn. Mụn ẩn trên trán có thể bao gồm mụn nhân mở (mụn đầu đen) và mụn nhân đóng (mụn đầu trắng).
Mụn ẩn trên trán có nên nặn không?
BSCKI. Lưu Thị Quỳnh khuyến cáo, không tự ý nặn mụn tại nhà. Việc nặn, cậy mụn không đúng cách có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn, khiến da sưng tấy và để lại sẹo.
Đặc biệt, nếu cố tình nặn, cậy mụn khi nhân mụn chưa trồi lên khỏi da, chưa khô, khả năng gây viêm và nhiễm trùng càng cao do việc này sẽ vô tình đẩy dầu và vi khuẩn vào sâu hơn.
2. Đối phó với tình trạng nổi mụn ẩn trên trán
BSCKI. Lưu Thị Quỳnh cho biết, đối với tình trạng mụn nhẹ, ban đầu có thể thử điều trị bằng các sản phẩm trị mụn không kê đơn, bao gồm các hoạt chất như salicylic, benzoyl peroxide, axit alpha hydroxy... Một số trường hợp có thể bị dị ứng với các thành phần nêu trên, vì vậy trong 3 ngày đầu tiên, nên thoa sản phẩm trên vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng.
Nếu tình trạng không cải thiện sau 3 tháng điều trị với các sản phẩm không kê đơn, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp như có thể sử dụng các phương pháp như điều trị nội khoa (dùng thuốc) hoặc áp dụng công nghệ như peel da, điều trị laser, điện di... Không có phương pháp điều trị mụn nào là tốt nhất và đôi khi nên kết hợp nhiều phương pháp để điều trị.
Điều trị mụn trứng cá cần kiên trì, tối thiểu từ 2 đến 3 tháng, trước khi quyết định xem phương pháp điều trị đó có hiệu quả hay không. Ngoài ra, chăm sóc da là khía cạnh rất quan trọng trong điều trị mụn trứng cá nói chung.
BSCKI Lưu Thị Quỳnh, Khoa Da liễu - Miễn dịch, Dị ứng, Bệnh viện 19-8 cho biết mụn ẩn thực chất là tổn thương mụn trứng cá không viêm, khu trú ở vùng da tiết nhiều dầu nhờn.
Người bệnh cần lưu ý:
- Vệ sinh da: Rửa mặt không quá 2 lần mỗi ngày bằng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, không chà xát mạnh có thể làm mụn nặng hơn hoặc gây tổn thương da.
- Không cố nặn mụn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm không có nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông: Việc này sẽ làm giảm thiểu tình trạng khô da và bong tróc - đây là những tác dụng phụ thường gặp của một số phương pháp điều trị mụn trứng cá.
- Chống nắng: Một số phương pháp điều trị mụn trứng cá làm tăng nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Do đó, cần sử dụng kem chống nắng và các biện pháp chống nắng vật lý để bảo vệ da.
- Hạn chế trang điểm.
- Điều chỉnh lối sống: Chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, đồng thời tránh xa thức ăn cay nóng, dầu mỡ, đồ ngọt... sẽ giúp hạn chế mụn ẩn trên trán. Ngoài ra, chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ, ngủ đủ giấc cũng giúp làn da khỏe hơn từ bên trong, ngăn ngừa mụn ẩn trên trán phát triển.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bật mí: Cách đi bộ để giảm cân hiệu quả | SKĐS