Nổi mày đay, không hẳn là bệnh lành tính

15-10-2014 10:16 | Y học 360
google news

Mày đay là một bệnh khá phổ biến và là một phản ứng mao mạch của da. Mày đay mạn tính có thể kéo dài hàng tháng...

Mày đay là một bệnh khá phổ biến và là một phản ứng mao mạch của da. Mày đay mạn tính có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm, thường liên quan đến các bệnh lý khác như viêm khớp, viêm đa cơ, ung thư, thậm chí cả nhiễm ký sinh trùng... Điều đáng lo ngại là 80 - 90% các ca bệnh mày đay mạn tính đều không xác định được nguyên nhân chính xác nên rất khó khăn trong điều trị.

Mày đay gặp ở mọi lứa tuổi

BS. Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng (MDLS) Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mày đay mạn tính được định nghĩa là bệnh nhân có biểu hiện mày đay kéo dài trên 6 tuần. Mày đay mạn tính gặp nhiều hơn ở người lớn và phụ nữ gặp nhiều gấp 2 lần nam giới.

Hải sản rất dễ gây dị ứng nổi mày đay với một số người.

Bệnh thường khởi phát vào lứa tuổi ngoài 50 nhưng bệnh có thể gặp cả ở trẻ em. Tiêu biểu như bệnh nhi Nguyễn T. B., nam, 7 tuổi, gia đình sống tại vùng ven biển (Thanh Hóa) nên từ nhỏ B. rất thích ăn hải sản, đặc biệt là hải sản tươi sống, tiền sử gia đình và bản thân không có gì đặc biệt. Không có tiền sử dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, dị ứng vaccin. Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện ngứa, nổi ban đỏ rải rác toàn thân, gia đình đã đưa cháu đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Khoảng giữa tháng 5/2014, bệnh nhi được gia đình đưa đến Trung tâm Dị ứng MDLS Bệnh viện Bạch Mai để khám. BS. Bùi Văn Khánh - người trực tiếp khám cho bệnh nhi B. cho biết: Sau khi hỏi kỹ gia đình bệnh nhân và chẩn đoán ban đầu: bệnh nhi mắc mày đay mạn tính. Do gia đình sống ven biển có tiền sử ăn hải sản nên bệnh nhi được chỉ định làm xét nghiệm tìm nguyên nhân, trong đó có các xét nghiệm IgE 2.500UI/ml, bạch cầu ái toan 3G/l, ELISA dương tính với giun lươn hiệu giá cao, các xét nghiệm khác cho kết quả trong giới hạn bình thường. Bệnh nhi được BS. Khánh chẩn đoán là mày đay mạn tính do ký sinh trùng và được điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng, kháng histamin, sau 4 tuần điều trị bệnh nhân không xuất hiện ngứa và ban đỏ. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị duy trì 3 tháng tiếp. Sau 3 tháng điều trị, bệnh nhi được xét nghiệm lại đánh giá đáp ứng điều trị kết quả IgE giảm còn 200UI/ml, ELISA với giun lươn âm tính. Bệnh nhi được dừng thuốc sau 3 tháng điều trị. Hiện nay sau 3 tháng kết thúc điều trị, bệnh nhi tái khám với tình trạng tốt, không xuất hiện ngứa hay ban đỏ trở lại.

Nguyên nhân và cách điều trị

Theo BS. Bùi Văn Khánh, mày đay là phản ứng mao mạch của da, gồm hai loại cấp tính và mạn tính. Mày đay cấp tính là phản ứng tức thì, xảy ra trong vòng từ 24 giờ và có thể kéo dài đến 6 tuần, nguyên nhân thường là dị ứng với thuốc (phần lớn là kháng sinh), thực phẩm (sò, trứng, tôm, cua và các loại hạt...), ong đốt hoặc do viêm gan.

Khi mắc mày đay, bệnh nhân có cảm giác rất ngứa.

Mày đay mạn tính thường liên quan đến các bệnh lý khác như viêm khớp, viêm đa cơ, ung thư, nhiễm ký sinh trùng... có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Điều đáng lo ngại là 80 - 90% các ca bệnh mày đay mạn tính đều không xác định được nguyên nhân chính xác nên rất khó khăn trong điều trị.

Biểu hiện lâm sàng của mày đay mạn tính rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên đa số bệnh nhân có biểu hiện ban đỏ, ban này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, ban đỏ có thể nổi gồ trên mặt da hoặc không, ban đỏ có thể biến mất sau điều trị bằng kháng histamin, corticoid hoặc không điều trị gì, ngoài ra bệnh nhân có cảm giác rất ngứa. Một số bệnh nhân có thể có kèm theo phù mạch ở môi, mi mắt...

Ngoài những xét nghiệm tổng thể, bệnh nhân mày đay mạn tính cần được làm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm tìm nguyên nhân như: xét nghiệm lẩy da với các dị nguyên, IgE, ANA, các marker viêm gan, kháng thể kháng tuyến giáp, vi khuẩn HP...

Nguyên nhân của mày đay mạn tính rất khó xác định, có tới trên 50% bệnh nhân mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân, tuy nhiên có một số nguyên nhân có thể tìm được và hiệu quả điều trị rất rõ ràng ở nhóm có nguyên nhân. Một số nguyên nhân hay gặp như nhiễm ký sinh trùng, bệnh viêm gan A, C mạn tính, bệnh lý miễn dịch như bệnh Lupus, bệnh lý tuyến giáp như bệnh cường giáp, viêm tuyến giáp tự miễn.

Nhiễm ký sinh trùng là nguyên nhân khá hay gặp của bệnh nhân mày đay mạn tính tại Việt Nam, do đó những bệnh nhân mày đay mạn tính cần được sàng lọc xét nghiệm này sớm ngay từ lần khám đầu tiên. Mày đay mạn tính do ký sinh trùng cũng có tiên lượng rất tốt sau khi điều trị ký sinh trùng.

Điều trị mày đay mạn tính hiện vẫn còn nhiều giới hạn cho những bệnh nhân mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân, tuy nhiên những bệnh nhân mày đay mạn tính có nguyên nhân thường đáp ứng rất tốt với điều trị.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tránh nhiễm các loại ký sinh trùng.

Không tự mua thuốc uống khi bị ban đỏ hoặc ngứa.

Nên đến cơ sở y tế có chuyên môn về dị ứng miễn dịch khám và điều trị, không điều trị theo lời mách bảo, tránh bệnh nặng điều trị khó khăn.

Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và phản hồi lại đáp ứng điều trị với bác sĩ.

Ngô Thảo Lan

 


Ý kiến của bạn