Hôm nay là ngày Quốc tế Nữ Hộ sinh (5/5), ngày lễ của những người đã và đang làm công việc thiêng liêng, cao quý nhưng vô cùng thầm lặng. Họ chăm sóc sức khoẻ cho những bà mẹ mang thai cũng như chào đón những sinh linh bé nhỏ tới cuộc sống này.
Bất cứ người mẹ nào khi mang thai đều đặt rất nhiều hy vọng vào "giọt máu" của mình. Sinh linh bé nhỏ đang lớn từng ngày trong bào thai không chỉ là niềm vui, mà còn là hạnh phúc của mỗi gia đình. Trông ngóng, chờ đợi đứa con 9 tháng 10 ngày, chỉ những người làm mẹ mới thấu hiểu chặng đường đó không chỉ toàn niềm vui mà xen lẫn cả những lo lắng, băn khoăn.
Vì thế, nữ hộ sinh chính là những người theo dõi, nâng đỡ các sản phụ và các bé sơ sinh trong suốt một chặng đường dài- từ khi thai nghén đến lúc "khai hoa nở nhụy". Ít người biết được rằng, hộ sinh đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và sơ sinh.
Ngoài những công việc của một điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh, tiêm truyền... hộ sinh với những vai trò rất riêng của mình còn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ: theo dõi thai kì, hỗ trợ sản phụ "vượt cạn", chăm sóc mẹ và bé những ngày đầu sau sinh.
Không phải ngẫu nhiên mà những người làm công tác hộ sinh đều là nữ, bởi hơn ai hết, họ luôn mang trong mình bản năng của người mẹ - những người thường chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách chu toàn nhất.
Nhờ có các nữ hộ sinh mà các sản phụ khi tới bệnh viện chờ sinh thường rất an tâm bởi bên cạnh họ các nữ hộ sinh giống như những người thân trong gia đình, vừa động viên, vỗ về vừa hỗ trợ sản phụ trong suốt quá trình sinh.
Những người nữ hộ sinh là những người luôn đồng hành cùng người mẹ từ lúc bắt đầu mang thai đến khi bước vào phòng sinh, họ hiểu từng cơn đau quặn thắt của sản phụ, cùng rơi nước mắt khi chứng kiến một đứa trẻ vừa chào đời mà đã vội vĩnh biệt cuộc sống ra đi và họ cũng là những người đầu tiên nở nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi cuộc vượt cạn "mẹ tròn con vuông". Sau những niềm vui nho nhỏ đón những em bé khỏe mạnh chào đời, những người nữ hộ sinh lại thầm lặng quay trở lại tiếp tục công việc của mình.
Hộ sinh Nguyễn Mỹ Hạnh- Khoa Sản, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới tâm sự; "Trong cơn đau đẻ, các mẹ nhiều khi la hét, giãy đạp, nói những câu vô tình, hộ sinh chúng tôi luôn ở bên động viên, hỗ trợ để giúp các mẹ an tâm, bình tĩnh và hợp tác để vượt cạn thành công. Khi những đứa trẻ ra đời, tiếng khóc của bé báo hiệu một niềm hạnh phúc mới của các bà mẹ. Khi nghe thấy tiếng con khóc là lúc các mẹ nở những nụ cười hạnh phúc, cũng có khi bật khóc vì vui. Đây cũng là lúc chúng tôi tất bật với những công việc của mình, vừa chăm sóc bé, hướng dẫn da kề da, hướng dẫn bé bú mẹ, khâu tầng sinh môn…".
Công việc của một ngày của các nữ hộ sinh bận rộn là vậy, họ không có thời gian nghỉ. Một sản phụ nhập viện, sẽ được các nữ hộ sinh tiếp đón, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, nghe tim thai, lấy máu làm xét nghiệm, làm thủ tục hành chính, theo dõi thai định kì. Nếu sản phụ không may gặp những biến chứng trong thai kì như tăng huyết áp, nhau tiền đạo chảy máu, nhau bong non, sa dây rốn, suy thai, kẹt vai … cũng là lúc các nữ hộ sinh phải khẩn trương trong tiếp nhận, chính xác trong thao tác, xử trí bởi mỗi giây phút trôi qua đều vô cùng quý giá nên cần có những quyết định nhanh.
Khi những bận rộn tại phòng sinh trôi qua cũng là lúc các mẹ tận hưởng những khoảnh khắc bên con. Các hộ sinh vừa giúp người mẹ chăm sóc hậu sản, thay băng vết mổ, hướng dẫn các sản phụ chăm sóc bản thân và bé đúng cách, vừa đóng vai trò là người mẹ thứ hai cho các bé với những công việc như tắm rửa, chăm sóc rốn, tiêm vaccine ngừa viêm gan B...
Hộ sinh Trần Thị Thu chia sẻ, lượng công việc hàng ngày không nhỏ, những tai biến sản khoa luôn tiềm ẩn là áp lực thường trực cho chúng tôi. Được chứng kiến khoảnh khắc các sản phụ ôm ấp "những thiên thần nhỏ" trong vòng tay giúp tôi trào dâng niềm hạnh phúc, giúp chúng tôi giữ được tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển chung của khoa, của Bệnh viện và trên hết là góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con.
Không ít trường hợp sản phụ vì đi đẻ quá vội mà không kịp chuẩn bị đồ dùng mang theo hoặc không có người thân đi cùng, các hộ sinh còn đóng vai trò như những người thân trong gia đình, vừa động viên, vừa hỗ trợ sản phụ trong suốt quá trình sinh.
Ngày 5/5 hàng năm là ngày Quốc tế nữ hộ sinh – một ngày tôn vinh những người phụ nữ thầm lặng, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Những người mang niềm vui, nụ cười cho các gia đình mỗi khi chào đón thành viên mới. Mong rằng họ luôn có sức khỏe, giữ mãi tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc mà mình đã chọn.