Nỗi lòng Bảo vật Quốc gia

09-03-2020 17:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tại Việt Nam, tính đến hết năm 2018 có 164 hiện vật và nhóm hiện vật đã được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Tuy nhiên thời gian gần đây, một số bảo vật bị hư hại do tác động của con người, cũng có trường hợp vì dãi nắng dầm mưa với đất trời mà “tính mạng” bị đe dọa trông thấy.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Khu di tích Cố đô - Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có cặp Long sàng bằng đá hàng trăm năm tuổi, là Bảo vật Quốc gia từ năm 2017. Các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Việt Nam đánh giá, cặp Long sàng này là kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Việt. Đây là hiện vật có giá trị lớn về lịch sử văn hóa, thể hiện sự tiếp thu có chọn lọc và giao thoa văn hóa Việt Nam với Trung Hoa và Ấn Độ. Thế nhưng, do đặt ở ngoài trời không có mái che, trước tác động của thiên nhiên nên cặp Long sàng đang bị hư hại trông thấy, thể hiện ở sự ăn mòn, nhiều họa tiết hoa văn bị mờ, nhiều góc sập bị vỡ bung theo thớ đá. Để  “cứu” cặp Long sàng, ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình đã tạm thời phủ nano bảo quản. Phương án làm lồng kính để lưu giữ cặp Long sàng lâu dài đang được Sở VH-TT&DL Ninh Bình trình các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến chuyên gia.

Long sàng tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Ninh Bình).

Long sàng tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Ninh Bình).

Trước cặp Long sàng, một số Bảo vật Quốc gia ở nước ta cũng gợi lên nỗi lo âu và buồn phiền. Cột đá chạm rồng có niên đại từ thế kỷ XI cao hơn 5m, nặng 40 tấn tại chùa Dạm (tỉnh Bắc Ninh), được công nhận Bảo vật Quốc gia 2017 cũng gặp tình cảnh tương tự như cặp Long sàng kể trên. Cây cột đá nghìn năm tuổi lặng lẽ phơi mưa phơi nắng, bị rêu mốc và sự khắc nghiệt của thiên nhiên bào mòn. Việc bảo vệ bảo vật này chỉ là vòng rào chắn bằng i-nốc dưới chân cột đá. Đặc biệt, năm 2019, Bảo vật quốc gia - bức tranh Vườn xuân Trung - Nam - Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đặt tại Bảo tàng TP.HCM bị hư hại nặng do tác động của con người đã làm nóng dư luận. Một người thợ đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt khiến bức tranh bị hư hại về tinh thần trên 30%, hư hại về vật chất khoảng 15%. Sự việc này đã được Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) liệt vào sự kiện hạn chế năm 2019. Bởi theo Cục Mỹ thuật, việc bức tranh Vườn xuân Trung - Nam - Bắc gióng lên hồi chuông báo động đối với công tác lưu trữ các tác phẩm mỹ thuật được công nhận là Bảo vật Quốc gia ở Việt Nam.

Bảo vật Quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nếu chúng ta không kịp “giải cứu” những bảo vật đã, đang bị hư hại thì khi chuyện đã rồi có “nước mắt hai hàng chứa chan” cũng đã muộn!


Thủy Phượng
Ý kiến của bạn