Tâm sự của bác sĩ chữa bệnh cho tâm hồn

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần

03-11-2021 09:09 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Sáng nay có một tin nhắn từ một đồng nghiệp nói có người nhà mất ngủ, muốn sang khám bệnh. Mình cho địa chỉ phòng làm việc và hẹn bệnh nhân đến khám.

8h30, một chị bệnh nhân khoảng hơn 40 đứng ở cửa phòng, cầm trên tay tờ giấy khai báo y tế. Vẫn nhớ hôm nay có hẹn với một chị người quen, mình hỏi: Có chị nào sáng nay gọi điện cho bác sĩ không? Chị trả lời: có bác sĩ ạ. Hướng dẫn chị mua phiếu đăng ký khám bệnh, mình bắt đầu hỏi bệnh và khám cho chị ấy.

Khi được hỏi: Thế chị có điều gì căng thẳng lo lắng không? Chị ấy im lặng như nghẹn lại, một lúc sau mới trả lời được: có bác sĩ ạ! đó là ông chồng nhà em, hay uống rượu và mỗi khi say rượu về là lại chửi mẹ con em.

Cũng ngày hôm đó tôi dành thời gian chia sẻ, tâm sự với hai chị bệnh nhân, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. một chị vừa khám cho mình vừa khám cho chồng. Chị tâm sự: chồng hàng ngày đi giao hàng, gặp cô đối tác, và từ đó họ cứ đã có những mối quan hệ làm cho chị buồn phiền, căng thẳng. Chị nói với tôi, chắc lần này anh chị chia tay nhau.

Một chị bệnh nhân khác đã phải nhập viện vì quá shock. Ông chồng cờ bạc đã bán một mảnh đất cách đây hai năm để trả nợ xã hội đen do thói quen cờ bạc lô đề, gần đây, hai vợ chồng chị mới xây được một ngôi nhà thì do thói quen cờ bạc khó bỏ, anh  ta đã bán nốt ngôi nhà nữa và cả gia đình phải  đi thuê. Chị vợ không chịu đựng nổi bị đả kích lớn và phải  vào viện tâm thần.

Tôi kể đến đây chắc các bạn lại bảo tôi sao thiên vị bênh chị em phụ nữ  vậy, toàn kể tội đàn ông. Không. Tôi cũng có rất nhiều bệnh nhân là nam giới chia sẻ cho tôi những nỗi buồn trong cuộc sống của họ.

Anh bệnh nhân có chị vợ có mối quan hệ ngoài hôn nhân với chính người thân trong gia đình chồng, khi bị phát hiện ra đã tự tử.

Một anh nữa có chị vợ một ngày đẹp trời bỗng nhiên lấy hết tiền trong két và ra đi không một lời tạm biệt, bỏ lại cho anh hai đứa con nhỏ.

Bạn đọc, các y bác sĩ, nhân viên y tế có tâm sự, chia sẻ về chuyện nghề, chuyện đời xin gửi bài về địa chỉ email: blog@suckhoedoisong.vn

Một anh bệnh nhân trong lúc uống một tí rượu, sau đó vốn có mâu thuẫn nho nhỏ với anh cùng xóm đã xảy ra cãi nhau, anh ta thừa nhận với bác sĩ: lúc bấy giờ em không kiềm chế được, bây giờ mới thấy mình có lỗi quá, em chửi người ta ghê quá, chửi mấy đời nhà họ, đến khi em đến xin lỗi thì không biết anh ấy có cho em uống cái gì không mà bây giờ em thấy người khác lắm…

Và còn vô vàn những lý do khác làm người ta phải đến gặp bác sĩ tâm lý, những lý do đó nhiều lúc nói ra cảm giác như có phần hài hước cũng như bị kịch.

Mẫu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, con trai hay con gái mãi không lấy vợ lấy chồng để bố mẹ có con bế, không có thằng con trai để sau này nhắm mắt xuôi tay có người thờ cúng, con cái không hạnh phúc ra tòa bố mẹ cũng stress, con chơi game, không chịu học, con không thi được vào trường mình mong muốn bố mẹ cũng stress, căng thẳng. Rồi cả chuyện nhà ông hàng xóm xây cái bể phốt gần bể nước ăn nhà mình cũng làm cho bệnh tâm thần bùng phát, mất ăn mất ngủ…

Đó là những vấn đề xung quanh cuộc sống của ta, hàng ngày chúng ta bắt gặp. Vấn đề thì muôn màu muôn vẻ nhưng cách hành xử của mỗi người chúng ta mới là quan trọng. Mỗi hành động lời nói của mỗi người đều ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác, mang đến cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực, thậm chí là có thể gây bệnh cho người quanh mình.

Trong khi những yếu tố gây bệnh này không thể dùng dao cắt bỏ đi như một khối u, hay khâu lại như một vết rách trên da, hoặc dùng một liều kháng sinh 5- 7 ngày là khỏi… Những yếu tố này cần phải có sự tinh tế, cách ứng xử trong tâm hồn mỗi người.

Khóc, cười cùng bệnh nhân F0 điều trị tại nhà...Khóc, cười cùng bệnh nhân F0 điều trị tại nhà...

SKĐS - Dẫu chẳng có chung dòng máu nhưng những ngày qua, tôi, bệnh nhân COVID-19 và người nhà của họ đã khóc, cười cùng nhau bằng điện thoại, tin nhắn.


TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn