Những ca bệnh đau lòng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 2 ca tử vong vì bệnh dại (huyện Quế Phong và Tân Kỳ). Cả 2 trường hợp này còn nhỏ (1 ca 2 tuổi, 1 ca 9 tuổi). Đặc biệt, cả 2 trẻ đều không được tiêm vaccine, nhập viện khi đã lên cơn và không còn khả năng cứu chữa.
Trước đó, trong 10 tháng đầu năm 2022 địa bàn ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại (số ca mắc cao thứ 3 toàn quốc sau tỉnh Bến Tre và Đăc Lăk). Trong đó, có đến 5 ca bệnh tử vong hầu hết do phát hiện muộn, bệnh nhân không đi tiêm phòng và có tình trạng sử dụng thuốc Nam để điều trị bệnh dại.
TS.BS nội trú Trần Văn Cương - Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của động vật mắc bệnh (thường là chó, mèo).
Việc gia đình nuôi con vật trong nhà (nhất là vật khi chưa được tiêm phòng) và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh dại khá dài (từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm) nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ. Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.
Dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần sơ cứu vết thương đúng cách. Tiêm vaccine phòng dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Nỗi lo tiềm ẩn về bệnh dại
Về vấn đề này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Nghệ An) thông tin, năm 2022 trên địa bàn xảy ra 16 ổ dại trên động vật tại 05 huyện (Thanh Chương 9 ổ, Nam Đàn 2 ổ, Quỳ Châu 3 ổ, Quỳ Hợp 1 ổ, thị xã Cửa Lò 1 ổ). Từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 1 ổ dại trên động vật tại huyện Nam Đàn.
Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: "Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh dại thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó, mèo là một giải pháp có tính quan trọng hàng đầu. Để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 80% tổng đàn. Đồng thời, phải tiêm bổ sung cho chó, mèo phát sinh hoặc bị bỏ sót chưa được tiêm, nhất là với những huyện đã có trường hợp người tử vong do bệnh dại".
Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện triển khai kế hoạch chưa đầy đủ, quyết liệt, chưa trích kinh phí để thực hiện chương trình, tình trạng chó thả rông còn nhiều, tỷ lệ tiêm phòng dại chó hàng năm thấp… "Nhằm tăng hiệu quả miễn dịch cho đàn vật nuôi, hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh, Nghệ An tổ chức triển khai 2 đợt tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh 1 vụ/năm và tiêm phòng bổ sung vào vụ thu từ tháng 9-10 hàng năm để tạo miễn dịch chủ động cho đàn chó" - ông Quỳnh nói.
Tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng bệnh vẫn đang rất thấp dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Cụ thể, ở 2 huyện Tân Kỳ tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó chỉ đạt trên 10%, Quế Phong 23,9%. Đây là 2 huyện vừa xảy ra 2 trường hợp trẻ tử vong do bệnh dại.
Ông Quỳnh cho biết thêm, những khó khăn trong việc phòng chống bệnh dại trên địa bàn là việc thống kê, điều tra chưa thực hiện được liên tục, tổng đàn chó biến động thường xuyên. Đặc biệt, hiện tượng chó thả rông còn phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, ý thức của một số người dân chưa hiểu, chưa chấp hành tốt trong công tác phòng chống dịch bệnh dại. Đặc biệt là tại các huyện miền núi, vùng dân cư thưa thớt. Do vậy, hàng năm tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó còn thấp so với yêu cầu đề ra phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên để tạo miễn dịch quần thể.
Các địa phương chưa kiên quyết, áp dụng nghiêm túc, triệt để chế tài xử phạt các hành vi vi phạm trong công tác nuôi, quản lý, tiêm phòng cho chó theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, do vậy không đủ sức răn đe và nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Điều Gì Xảy Ra Khi Sử Dụng Cốc Nước Trong Một Tuần Không Rửa | SKĐS