Chỉ 2 vòng đấu diễn ra có 2 va chạm rùng rợn dẫn đến chấn thương nặng cho cầu thủ. Nỗi lo bóng đá bạo lực đang reo rắc nỗi sợ hãi cho cả làng bóng đá Việt Nam đầu mùa 2014.
Khi sân đấu trở thành "võ đài"
Hai vòng đấu vừa qua, sân cỏ V-League ghi lại những hình ảnh tàn nhẫn, đáng sợ của bóng đá "kungfu" từng bị xem thói quen khó bỏ của các cầu thủ đá tại Việt Nam. Hình ảnh đầu tiên ở vòng 5, khi tiền vệ Đinh Văn Ta (Vissai Ninh Bình) có pha ra chân như võ sĩ về phía đối thủ Danny David của Đồng Tâm Long An.
Đó là tình huống ham bóng của cầu thủ hai đội trong thời điểm đôi bên lao vào đối phương với vận tốc cực nhanh. Riêng gầm giày của Đinh Văn Ta cao hơn nhằm thẳng lồng ngực đối thủ thay vì chạm đến bóng. Kết quả Danny bổ ngửa ra sân bất tỉnh ngay tại chỗ, còn Văn Ta nhận thẻ đỏ trực tiếp.
Hình ảnh đáng sợ ghi lại cho thấy Danny bị đạp gãy xương sườn và phải nhập viện ngay lập tức. Nhưng đáng nói khi đội khách bất bình việc các nhân viên khiêng cáng sân Ninh Bình đối xử thiếu fair-play với cầu thủ chấn thương. Ban tổ chức sân Ninh Bình cũng chậm trễ trong việc đưa xe cứu thương đến để đón Danny đến bệnh viện gần nhất.
Khung cảnh hỗn loạn còn chưa thể bằng trên sân Cẩm Phả chiều 21/2 ở vòng 6 V-League 2014. Trong một pha va chạm cực mạnh với Vũ Anh Tuấn, tiền vệ Bruno của Than Quảng Ninh đã gãy gập ống đồng và la hét thảm thiết trên sân. Hình ảnh đáng sợ ấy khiến khán giả lẫn cầu thủ hai đội rùng mình, thất thần khi trận đấu đã tan.
Như tiền đạo Thái Học đội Hoàng Anh Gia Lai chứng kiến hình ảnh ấy nhớ lại đúng 4 mùa giải trước, chân sút trẻ của đội bóng phố núi bị hậu vệ Văn Hùng của Khánh Hòa đạp gãy ống đồng. Lần này Bruno là người chủ động rồi lãnh hậu quả đáng sợ cũng bài học cho những cầu thủ còn lại nhìn lại lối đá quá bạo lực của bản thân. Nhưng không thể chối cãi một sự thật, sân cỏ V-League đang bạo lực hóa một cách đáng lo ngại. Bóng đá là cuộc chơi máu lửa và chấn thương là điều khó tránh khỏi.
Hình ảnh chấn thương tàn nhẫn của Danny rồi Bruno khiến cổ động viên e ngại sân cỏ V-League đang trở thành "võ đài" cũng là điều ban tổ chức, các câu lạc bộ lẫn cầu thủ phải tự kiểm điểm sâu sắc.
Cầu thủ đang thiếu ý thức bảo vệ mình
Liên tục những mùa giải gần đây, những tai nạn kinh hoàng diễn ra với giới cầu thủ ngày càng nhiều hơn. Cổ nhân có câu "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" khi chính giới quần đùi, áo số không có ý thức bảo vệ bản thân lẫn đối thủ. Bóng đá khó tránh va chạm, chấn thương, nhưng nếu cầu thủ tự ý thức bảo vệ mình sẽ không diễn ra cảnh cầu thủ va chạm rồi diễn ra những ca tai nạn thương tâm với Danny hay Bruno vừa qua.
Sự thiếu ý thức bảo vệ bản thân của cầu thủ có lẽ cũng từ sự thiếu giáo dục, dạy dỗ từ lúc họ còn là cầu thủ trẻ. Thói quen tiêm nhiễm việc giành chiến thắng bằng mọi giá đẩy cầu thủ đến việc dùng mọi thủ đoạn để có được chiến thắng đã ăn sâu vào trong suy nghĩ từ quá lâu. Chạy theo thành tích, bỏ quên những giá trị mang tính nhân văn đang biến sân cỏ nội thành "võ đài" mấy mùa giải đã qua.
Sự hạn chế ý thức ấy mô hình chung đẩy chất lượng giải đấu xuống thấp, khán giả cũng chán nản vì xem quá nhiều bạo lực trên sân cỏ. Khán giả quay lưng ít lên sân mấy năm qua cũng từ những biểu hiện mang tính bất thường, thiếu kiểm soát yếu tố bạo lực sân cỏ ở ta từ cấp quản lý đến cấp điều hành.
Giới cầu thủ đều tỏ ý chia buồn với Bruno và mong cầu thủ Brazil hồi phục sau ca gãy chân vừa qua. Nhưng từ chia buồn đến xây dựng một thói quen mới tôn trọng nghề, giảm bớt những tình huống bạo lực còn cần thiết hơn. Nếu không những ca tai nạn với Thái Học, Danny hay Bruno khiến nhiều cầu thủ khác mất đi nghề nghiệp, còn biến sân đấu V-League trở thành võ đài cổ súy bạo lực.
Lúc ấy, bóng đá nội càng xấu xí, còn bóng đá trở thành một nghề nguy hiểm khi số ca chấn thương thảm khóc sẽ tăng lên đến con số báo động cho chính người quản lý môn thể thao này.