Sau sự thành công của hai chương trình truyền hình về nhạc rap dành cho người lớn vừa qua, chương trình Rap Kids - cuộc thi rap dành cho thí sinh trong độ tuổi từ 5-15 đã được thực hiện và chuẩn bị lên sóng truyền hình. Rap Kids vừa thực hiện các buổi tuyển chọn đầu tiên, trong đó khán giả... ngã ngửa khi thấy clip một thí sinh nam thể hiện ca khúc Anh em tao với những ca từ phản cảm, không phù hợp với con trẻ: Anh em tao/Có nhiều tiền là/Không thằng nào là/Người nổi tiếng...
Ngay sau đó, rất nhiều ý kiến cho rằng Rap Kids không nên tổ chức bởi thí sinh còn quá nhỏ và không phù hợp với rap - một thể loại vốn có đặc thù riêng với độ gai góc, ngôn từ phóng khoáng, mặc định gắn liền yếu tố đường phố. Rap vốn là phương thức dùng âm nhạc để nói lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân cũng như các vấn đề trong cuộc sống, tình yêu... nên đòi hỏi phải có sự trải đời có nhiều suy ngẫm. Tổng đạo diễn Rap Việt phiên bản người lớn - Vương Khang, đưa ra quan điểm: Việc thực hiện một chương trình rap dành cho trẻ em là sự mạo hiểm và không phù hợp nếu đặt vào thị trường Việt Nam. “Các thí sinh tham gia cũng sẽ bị giới hạn đề tài và bị “soi” về hình ảnh, phong cách vô tình ảnh hưởng tâm lý.
Thí sinh nhí thể hiện bản rap có ca từ chưa phù hợp với độ tuổi tại buổi casting Rap Kids vừa qua khiến khán giả dậy sóng.
Trước Rap Kids, có không ít chương trình, gameshow dành cho trẻ em được thực hiện như Giọng hát Việt nhí, Người mẫu nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí... Khán giả phát hoảng khi thấy thí sinh nhỏ tuổi nhưng được trang điểm quá đậm, lòe loẹt, tóc nhuộm vàng hoặc xoăn tít, nối mi giả dày cong như người lớn. Thậm chí, có em còn khoác lên mình những trang phục hở hang đến nỗi chính huấn luyện viên của chương trình đánh giá không phù hợp. Ở các chương trình âm nhạc nhí, nhiều em ở lứa tuổi rất nhỏ nhưng lại thể hiện những ca khúc vốn dành cho người lớn, giai điệu não nề, không phù hợp với sự ngây thơ, giọng hát còn non nớt với những Duyên phận, Ðèn khuya, Ngắm hoa lệ rơi, Bùa yêu, Chuyện tình không dĩ vãng, Qua cơn mê...
Không thể phủ nhận trong điều kiện sân chơi cho trẻ em còn bị thiếu nghiêm trọng như hiện nay, việc sản xuất các gameshow là một cách thức vừa bổ sung không gian vui chơi, vừa tạo điều kiện để các em nhỏ thử sức. Thực tế, vẫn có nhiều gameshow được đánh giá là sân chơi bổ ích thiết thực, có tính giáo dục cao giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, học hỏi về kiến thức, truyền cảm hứng đọc sách, thể hiện được niềm đam mê của mình như: Cuốn sách của em, Sáng tạo 102, Trường teen, Mỗi ngày một điều hay, A, bạn đây rồi, Nào ta cùng vui, Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Xúc xắc xúc xẻ, Nhanh nào bé yêu, Hành trình xanh, Cố lên con nhé, Chung sức Kids, Bố ơi, mình đi đâu thế?... Các chương trình này thu hút được một lượng lớn khán giả bởi tính hấp dẫn, ý nghĩa thực tế, đồng thời giúp cha mẹ các em hiểu rõ hơn về tâm sinh lý lứa tuổi của con mình.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã không làm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển. Còn tại Việt Nam, các gameshow cho các em nhỏ vẫn chưa có điểm dừng bởi lợi nhuận đem lại cho nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz của các bậc phụ huynh. Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, niềm vui lớn nhất đối với trẻ là được sống, được chơi, được học một cách hết mình nhưng cân bằng, hạnh phúc. Nếu cho phép các em tham gia hoạt động đóng phim, chơi gameshow... mà không có sự đồng hành, gạn lọc từ người lớn có thể dẫn đến việc cản trở sự phát triển ở các em: lựa chọn giá trị không phù hợp, tổn thương tâm lý, hình thành những tính cách không thuận lợi cho việc kết nối xã hội, kiệt sức tinh thần, thậm chí dẫn đến các rối loạn chức năng tâm lý.