Hà Nội

Nỗi lo từ dòng sông ô nhiễm

29-10-2019 10:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Sông Nhuệ từng là con sông đẹp của Thủ đô Hà Nội, nhưng từ nhiều năm qua đã bị ô nhiễm, vào mùa cạn có những đoạn gần như sông bị tắc không thể chảy. Hiện vẫn tồn tại hiện tượng ô nhiễm, lấn chiếm hai bên bờ.

Điều đáng nói ở đầu nguồn sông phải hứng biết bao nguồn xả thải, thì ở các xã, huyện đoạn cuối nguồn, nước sông Nhuệ vẫn là nguồn tưới cho rau màu, mùa vụ. Nước ô nhiễm, làm sao rau màu có thể an toàn?

Vẫn còn lấn chiếm

20 năm qua, làm việc với nhiều cơ quan chức năng về các giải pháp “cứu” sông Nhuệ, các giải pháp, dẫu đã được đưa ra nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Có 2 “nguồn” là hậu họa cho sông là nguồn xả thải ra môi trường sông không được kiểm soát và tình trạng lấn chiếm hành lang sông vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chỉ riêng một đoạn sông chảy qua xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết địa phương có tổng số 399 trường hợp sử dụng đất vi phạm “ăn” vào sông Nhuệ, 27 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối diện Tả Thanh Oai, nằm ở bờ hữu sông Nhuệ là xã Hữu Hòa, cũng thuộc huyện Thanh Trì có hơn 200 trường hợp vi phạm. Ông Tưởng Văn Chúc - Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa cho biết, từ năm 2017 đến 2018 các ban, ngành đoàn thể của xã đã phối hợp, tuyên truyền tháo dỡ được 20 công trình. Đến nay việc xử lý vi phạm vẫn chưa thấm vào đâu so với yêu cầu.

Nước từ dòng sông ô nhiễm như thế này dùng để tưới rau làm sao có thể an toàn.

Nước từ dòng sông ô nhiễm như thế này dùng để tưới rau làm sao có thể an toàn.

Ở các phường Trung Văn, Mỹ Đình 1, Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) vẫn được coi là những điểm “nóng” về xâm phạm sông Nhuệ. Có thời điểm, các cơ quan chức năng đánh giá, với tổng chiều dài gần 64km, điểm đầu của sông là cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), chảy qua quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Đến đây một nhánh chảy tới TP. Phủ Lý (Hà Nam) để hợp lưu với sông Châu Giang và sông Đáy, một nhánh chảy ra huyện Lý Nhân rồi đổ về sông Hồng, có tới hơn 4.000 trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ sông.

Các hộ dân này ngoài lấn chiếm, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, thì cũng là “mối họa” khi họ trực tiếp xả thải nước, rác ra sông, làm bồi lắng và nghẽn dòng. Trao đổi với Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Thanh Trì và Phòng TN-MT Nam Từ Liêm, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời đơn vị chức năng quan tâm xử lý, nhiều văn bản chỉ đạo phải làm nghiêm. Thế nhưng kết quả xử lý vẫn chưa khả quan.

Ngược thời điểm từ năm 1995, 2008, 2011, UBND TP. Hà Nội đều có những chiến lược giải tỏa các công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông Nhuệ. Tuy nhiên, do thực hiện không triệt để, chỉ một số ít trường hợp bị xử lý, nên khi chiến lược lắng xuống, người dân lại tái lấn chiếm. Hiện nay chính quyền và người dân vẫn “giằng co” trong chuyện giải tỏa, di dời hay tiếp tục để lại các công trình nhà ở kiên cố. Cán bộ xã, phường nói khó do “lịch sử để lại”, còn người dân cãi cùn, cho rằng đời ông cha đã có nhà và sinh sống, lại chẳng tranh chấp với ai nên... cứ được ở!? Không ít hộ ở phường Mỹ Đình 1, xã Tả Thanh Oai khi chính quyền yêu cầu giải tỏa một phần đằng trước, thì gia chủ chấp hành “xén” một phần mái hiên phía trước, nhưng lại “lấn” ra đằng sau phía sông.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Nghĩa - Trưởng phòng TN-MT Nam Từ Liêm cho hay, quận đã chỉ đạo sát sao các phường phải giám sát, xử lý nghiêm các hộ lấn chiếm, tái lấn chiếm. Còn việc giải phóng hành lang sông Nhuệ, ông Nghĩa kiến nghị cần có cơ chế bố trí tái định cư, bởi nhiều hộ dân đã sinh sống từ nhiều năm nay. “Chúng tôi cũng ước có đủ nguồn lực, được thành phố tạo cơ chế, làm đường hai bên dòng sông để tạo mỹ quan đô thị”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cần tìm những giải pháp hiệu quả

Các cụ già ở các xã ven sông thuộc huyện Phú Xuyên, Thường Tín cho biết nhiều năm trước khi nước sông chưa ô nhiễm người dân vẫn ra sông tắm, đánh cá. Nhiều hộ cũng có thể cấy rau muống bè, dẫn nước vào ao cá nhân để nuôi cá. Thậm chí ở khu vực Hà Đông và Thanh Trì ngày xưa vào thời hoàng kim sông còn đóng góp vào vận tải đường thủy, tàu thuyền tấp nập. “Nhưng 20 năm nay sông ô nhiễm quá rồi, rác rưởi, đất đá bị bồi lắng khiến sông nghẹn lại. Không ai dám bắt cá sông lên ăn, không ai dám cấy rau muống bè nữa”, cụ Nguyễn Hữu Nhanh ở xã Tả Thanh Oai, xót xa.

Cũng phải nhìn nhận một số nỗ lực của cơ quan chức năng, như năm 2008, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”. Năm 2009, tiếp tục có Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy để tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung của Đề án trên. Tiếp đó, năm 2014 Chính phủ có Quyết định số 1435/QĐ-TTg, về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020”. Thế nhưng, chất lượng nước sông Nhuệ vài năm trở lại đây kém hơn so với những năm trước đó.

Tràn lan rác thải.

Tràn lan rác thải.

Điều đáng nói, hiện nay nguồn nước sinh hoạt của người dân, nhiều doanh nghiệp, nhà máy, bệnh viện vẫn xả thải trực tiếp ra dòng sông, là nguyên nhân khiến dòng Nhuệ Giang bốc mùi. Theo Bộ TN-MT, nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ tới 70% tổng lượng nước thải vào sông Nhuệ và sông Đáy không được thu gom, xử lý. Tại hơn 40 điểm quan trắc chất lượng môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy do Tổng cục Môi trường thực hiện từ năm 2016 - 2018, sông Nhuệ, sông Châu và các con sông trong nội thành Hà Nội bị ô nhiễm các thông số DO, COD, BOD5, N- NH4 , TSS và có xu hướng gia tăng... Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT Hà Nội), cũng tổ chức quan trắc chất lượng nước trên các dòng sông nội đô và đều cho kết quả hàm lượng amoni, coliform, phosphat... vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.

Tại nhiều xã ở huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa... là những nơi hệ thống trạm bơm thủy lợi vẫn lấy nước sông Nhuệ, dẫn vào đồng tưới cho lúa, rau màu. Nhiều lần bơm nước tạo bọt trắng xóa cả khu vực, bốc mùi hôi. Đi cùng với đó nhiều người dân mắc các bệnh ung thư, da liễu. Nhiều cụ già ở thôn Nội, xã Văn Hoàng (Phú Xuyên), cho rằng, con sông Nhuệ rất có thể là con sông gieo rắc bệnh tật, nguồn lây ô nhiễm.

Rõ ràng, một giải pháp cụ thể, triệt để, không chỉ là chống lấn chiếm vi phạm hành lang sông, mà cải tạo nguồn nước, cải tạo ruộng đồng, chống nguồn bệnh lây lan, gia tăng các ca mắc ung thư. Hiện nay, để tăng lưu lượng chảy của sông Nhuệ chỉ dựa vào nguồn bổ sung nước từ sông Hồng, thông qua cống Liên Mạc. Tuy nhiên vào mùa khô thì mực nước của sông Hồng còn thấp hơn sông Nhuệ nên phải đóng cống để nước khỏi chảy ngược. Để cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, ngày 29/7/2019 Bộ TN-MT có Văn bản số 3638/BTNMT-TCMT gửi Bộ NN-PTNT; UBND TP. Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định về việc phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông, kiểm soát nguồn xả nước thải; Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư (có chủ đầu tư hạ tầng), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cụm công nghiệp, làng nghề... Để cải thiện được, các cơ quan chức năng cần làm nghiêm, không chạy theo phong trào, không chỉ ban hành kế hoạch trên giấy mà phải thể hiện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Trưởng phòng TN-MT Phú Xuyên, nêu ra một thực trạng khiến mỗi chúng ta đều giật mình, rằng ở thượng nguồn sông xả thải nguồn ô nhiễm, các xã dưới hạ nguồn dùng nước bẩn tưới rau, rồi rau không an toàn lại được mang lên bán cho người sinh sống trong nội đô. Đó là một cái vòng luẩn quẩn của ô nhiễm và bệnh tật. “Chúng tôi kiến nghị, nên nghiên cứu các loại cây trồng khác ở các xã ven sông Nhuệ. Nguồn nước không an toàn thì không cấy lúa trồng rau nữa, để bớt gieo rắc nguồn bệnh tật”.


Nguyễn Văn Học
Ý kiến của bạn