Nỗi lo thiếu kịch bản phim “made in Việt Nam”

10-07-2017 09:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khán giả Việt gần đây đã, đang được thưởng thức nhiều phim truyền hình, phim điện ảnh hấp dẫn như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp...

Tuy nhiên, những bộ phim này có nguồn gốc từ nước ngoài được giới làm nghề nước ta cải tiến để phù hợp với đời sống, văn hóa trong nước. Từ đây vỡ lẽ, điện ảnh nước nhà đang thiếu kịch bản “made in Việt Nam” chất lượng!?

Phim nội thu hút nhờ  “chất” ngoại

Người phán xử - bộ phim truyền hình thể loại hình sự đã đến với khán giả Việt và đang đi về những tập cuối đầy gay cấn, khán giả đón đợi từng ngày để chứng kiến cái kết của ông trùm Phan Quân, tập đoàn Phan Thị và thế lực thù địch trong giới giang hồ “cáo già” như Thế “chột”. Có thể nói, đến nay khán giả nước nhà mới được thưởng thức một bộ phim hay, mới lạ và hấp dẫn như Người phán xử. Phim có nội dung, tiết tấu, cao trào và không ai có thể “xem tập đầu biết ngay tập cuối” vốn là điểm yếu của không ít phim nội đã bộc lộ. Tuy nhiên, thành công của Người phán xử, xét ở góc độ nào đó thì chưa thật mỹ mãn, bởi bộ phim này được mua bản quyền và thực hiện theo kịch bản phim Ha Borer nổi tiếng và thành công nhất mọi thời đại của Israel. Do đó Ha Borer được chuyển thể để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước mà không phải giới làm nghề nước ta tự tay viết ra kịch bản.

Nỗi lo thiếu kịch bản phim “made in Việt Nam”Dù nhiều phim có doanh thu phòng vé cao, khán giả đón nhận nhưng đa phần phim Việt gần đây có phiên bản gốc từ nước ngoài.

Cũng gây sốt với khán giả nước ta là phim Sống chung với mẹ chồng, mỗi tập phim qua đi thì khán giả, đặc biệt là khán giả nữ lại phân tích, bình luận rôm rả về đời sống mẹ chồng nàng dâu từ màn ảnh tới đời sống thực. Sống chung với mẹ chồng cũng là bộ phim hiếm hoi khiến nhiều khán giả Việt chờ đợi vào các tối thứ 4, 5, 6 hàng tuần để theo dõi, dù câu chuyện trong phim nhiều khi phản ánh tiêu cực, thiếu tính thực tế về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhưng quan trọng hơn cả, cũng như Người phán xử, bộ phim Sống chung với mẹ chồng nguyên tác được mua bản quyền từ nước ngoài. Theo đó, Sống chung với mẹ chồng được thực hiện dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu (Trung Quốc). Bộ tiểu thuyết này từng gây sốt bạn đọc khi xây dựng mối bất hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu gay gắt.

Không chỉ có hai bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả ở trên được làm, mua bản quyền từ nước ngoài, mà nhiều tác phẩm điện ảnh khác ở nước ta thời gian qua cũng có cách làm tương tự. Đó là Em là bà nội của anh - phim chiếu rạp ở Việt Nam đoạt doanh thu kỷ lục hơn trăm tỷ đồng làm lại từ kịch bản phim Miss Granny Hàn Quốc; phim Sắc đẹp ngàn cân cũng có xuất xứ từ 200 Pounds Beauty từng gây sốt ở xứ Hàn. Ngoài ra còn có Bạn gái tôi là sếp dựa theo phiên bản gốc ATM Er Rak Error của Thái Lan...Những bộ phim ăn khách tại Việt Nam kể trên thành công nhiều mặt, song nó cũng phản ánh điện ảnh Việt đang thiếu kịch bản hấp dẫn, lôi cuốn và có sức nặng để chinh phục khán giả!

Vì sao thiếu kịch bản “made in Việt Nam” chất lượng?

Đây là một trong những suy nghĩ, trăn trở của giới làm nghề ở nước ta bấy lâu nay. Theo đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần, thời gian gần đây chất lượng kịch bản phim truyền hình có phần bị xem nhẹ. “Các em học xong phổ thông vào trường sân khấu điện ảnh 4 năm thì vốn sống của các em, sự hiểu biết hay khả năng đọc chưa đáng kể. Vì thế các em viết các đề tài gần với lứa tuổi teen thì được nhưng đụng đến những đề tài khác thì khó” - NSND Nguyễn Hữu Phần cho biết. Bên cạnh đó, ở ta đang thiếu kịch bản phim hay do không ít người thiếu nghiên cứu thực tế và nghiên cứu tài liệu. Khi viết kịch bản, NSND Nguyễn Hữu Phần thường phải đi về nông thôn tìm hiểu và đọc rất nhiều Luật Đất đai, Luật Đầu tư để phục vụ cho phim muốn hướng đến.

Cũng đáng chú ý là kịch bản truyền hình hiện tại phần lớn là viết theo nhóm, khiến phim không có sự nhất quán trong câu chuyện hay các diễn biến tâm lý nhân vật. Kiểu làm việc này thường đưa ra một đề cương chung, sau đó mỗi người đảm nhiệm viết một phần, kết quả là kịch bản được hoàn thành rất nhanh nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Trong vấn đề này, thường xảy ra là kịch bản có đầu đuôi chắp vá, kịch bản không chặt chẽ, không đủ sức thuyết phục. Nhiều kịch bản chỉ có gạch đầu dòng, không có hành động hoặc hành động chỉ được mô tả vắn tắt.

Trong khi đó, ở lĩnh vực phim điện ảnh (chiếu rạp), đạo diễn tự viết kịch bản (không phải sở trường) nên kịch bản yếu, mang sự áp đặt cá nhân, chiều theo thị hiếu thị trường nên phim khi ra mắt khó tránh khỏi nhảm nhí. Hơn thế, thời gian qua, nhiều người trong nghề cho rằng, việc chúng ta thiếu kịch bản hay còn có lỗi của nhà sản xuất vì đặt nặng vấn đề lợi nhuận, cần thu hồi vốn nhanh nên không thích đầu tư nhiều vào khâu kịch bản, thường ưu tiên những kịch bản thuộc các thể loại phim dễ làm, đơn giản, kinh phí thấp, thời gian thực hiện nhanh... kiểu như phim hài.

Chính vì kịch bản thiếu, yếu kết hợp công nghệ làm phim nhanh nên dẫn đến nhiều phim thuần Việt không có sức hút, nội dung nhạt nhẽo, tính nghệ thuật chưa cao... Có lẽ vì thế, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng chúng ta vẫn chấp nhận thực tế phim ngoại lấn át phim nội thời gian trước đây và cả hiện tại.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn