Cần đánh giá tác động COVID-19 đến trẻ em
Bà Lê Thị Thảo - Phó trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, số cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã vượt mốc 500.000 cuộc. Trung bình mỗi tháng, đường dây 111 của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận 30.000 cuộc gọi/tháng.
Đặc biệt, trong những tháng gần đây, con số này tăng lên tới 40.000 đến 50.000 cuộc/tháng, chủ yếu liên quan đến dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
"Các cuộc gọi gần đây thường liên quan nhiều đến COVID-19. Những người chăm sóc trẻ gọi đến chủ yếu hỏi về chăm sóc sức khỏe của trẻ, cách hỗ trợ tâm lý cũng như sức khỏe tâm thần. Một số vấn đề khác được quan tâm nhiều như trẻ em không được đến trường, không được ra ngoài giao lưu, sử dụng những thiết bị điện thoại thường xuyên… có thể dẫn đến mối quan hệ mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ nhóm trẻ khó khăn, nhóm trẻ F0, F1 thiếu sự chăm sóc cũng tăng lên" - bà Lê Thị Thảo cho biết.
Trong số những cuộc gọi tư vấn liên quan đến các vấn đề của trẻ em, một nội dung đáng chú ý đó là việc học trực tuyến kèm theo thời gian tham gia internet kéo dài có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần và cả thể chất của trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất: "Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần; phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, thông qua các bài giảng trực tuyến; Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức, phân nhóm bác sĩ tình nguyện khám bệnh trực tuyến hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý để tạo thành mạng lưới kết nối, hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chúng ta cần phải triển khai ngay nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động COVID-19 đến quyền trẻ em làm cơ sở xây dựng các chính sách, các quy hoạch đặc thù, thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em".
Vấn đề không thể coi nhẹ
Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới năm 2021 vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cảnh báo trẻ em và thanh niên có thể cảm nhận được tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần và sức khỏe của các em trong nhiều năm.
Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: "18 tháng qua là một chặng đường rất dài đối với tất cả chúng tôi, nhưng đặc biệt là đối với các em nhỏ. Do nhiều quốc gia đóng cửa và hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch, trẻ em đã lãng phí thời gian quý báu, xa gia đình, bạn bè và lớp học nhiều năm, không thể dành cho các hoạt động ngoại khóa. Kết quả là các em đã bị tước đi một số khía cạnh thiết yếu của tuổi thơ. Hậu quả của đại dịch là rất lớn, và đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Trong bối cảnh khi đại dịch COVID-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba, hậu quả của nó tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Dữ liệu gần đây nhất của UNICEF chỉ ra rằng, ít nhất 1 trong 7 trẻ em trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp khóa cửa và hơn 1,6 tỷ trẻ em đã bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hành.
Sự gián đoạn của cuộc sống hàng ngày, giáo dục, vui chơi giải trí, và mối quan ngại về thu nhập và sức khỏe gia đình đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy sợ hãi, tức giận và lo lắng về tương lai.
Các rối loạn tâm thần được chẩn đoán, bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý; lo lắng; tự kỷ; rối loạn lưỡng cực; rối loạn hành vi; trầm cảm; rối loạn ăn uống; rối loạn tâm thần hoặc tâm thần phân liệt, có thể có những tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe, giáo dục, chất lượng cuộc sống và khả năng kiếm thu nhập của trẻ em và thanh niên.
"Sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu của sức khỏe thể chất. Chúng ta không thể tiếp tục xem thường nó theo bất kỳ cách nào khác" – bà Henrietta Fore nhấn mạnh.
Trong khi các yếu tố bảo vệ, chẳng hạn như cha mẹ yêu thương, môi trường học an toàn và các mối quan hệ bạn bè tích cực, có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn tâm thần.
Theo TS. Phạm Phương Thảo - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục sức khỏe tâm lý y học, Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến trẻ nhỏ có khuynh hướng thoái lùi, bám mẹ nhiều hơn, trẻ lớn có khuynh hướng tập trung vào những khó khăn của dịch, thường cáu kỉnh, bất an, lo lắng đến sự chia ly. Trẻ em phải thay đổi cách học, phải ở lâu trong nhà, trong khi đây là tuổi tương tác. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu tốn năng lượng dư thừa và những trạng thái tâm thần tiêu cực.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tặng bằng khen của Thủ tướng cho 138 cá nhân xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19