Chuyện biết rồi vẫn phải nói
Đợt tổng kiểm tra vừa qua tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, khiến người dân bàng hoàng, lo sợ về chất lượng của các sản phẩm nước uống đóng chai. Trong đó, có những sản phẩm bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp đã kháng nhiều loại thuốc kháng sinh. Điều đáng nói là những sản phẩm đồ uống này có mặt trên hàng trăm đơn vị trong địa bàn thành phố, trong đó có cả ở một số bệnh viện.
Kiểm tra nước uống đóng chai. Ảnh: CTV |
Trong số những cơ sở sản xuất nước uống đóng chai hiện có mặt trên thị trường thì có được bao nhiêu cơ sở có sự đầu tư nghiêm túc để bảo đảm chất lượng cho sản phẩm? Con số này rất ít. Hầu hết các cơ sở sản xuất bơm nước giếng trực tiếp vào bình để bán mà không cần qua xử lý, thậm chí khu vực sản xuất còn cực kỳ mất vệ sinh; Mặc dù, nhiều cơ sở khi mang mẫu nước đi xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn ATVSTP, cũng như các chỉ số lý hóa khác, nhưng chỉ đến khi kiểm tra tại nơi sản xuất thì mới thấy hết sự ô nhiễm của nó.
Bấp chấp sự ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, các cơ sở này vẫn ngang nhiên sản xuất nước uống không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP và tự do cung cấp cho người tiêu dùng, các cơ sở y tế, trường học, cơ quan, xí nghiệp... mà các cơ quan chức năng không hề hay biết.
Dễ dãi khi mua sắm
Tiếp tay cho những cơ sở sản xuất những sản phẩm nước uống đóng chai không bảo đảm chất lượng ATVSTP chính là do tâm lý “dễ dãi” khi mua sắm của người tiêu dùng. Khách hàng chỉ cần tin vào quảng cáo, giá rẻ... mà không cần tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ cũng như công nghệ sản xuất hay tính năng của sản phẩm.
Hiện nay, trên thị trường, ngoài một số hãng nước đóng chai, do được đầu tư tốt về công nghệ sản xuất nên được người tiêu dùng tín nhiệm như nước tinh khiết Aquafina, Laska, Sapwa, Lavie...; Nước khoáng đóng chai như nước khoáng Tiền Hải, Kim Bôi, Vital..., còn lại hầu hết các cơ sở không công khai tiêu chuẩn chất lượng: nước tinh khiết hay nước khoáng, tên gọi, nhãn mác na ná với các hãng nước có tên tuổi, uy tín trên thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn, ngộ nhận.
Theo ông Đào Xuân Hữu - Giám đốc Công ty Dịch vụ dầu khí Thái Bình - đơn vị có uy tín trên thị trường với sản phẩm nước khoáng Tiền Hải, nước tinh khiết Wells chia sẻ: “Do nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam nên các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không bảo đảm ATVSTP thường có giá thành rất thấp so với các hãng nước có tên tuổi, uy tín trên thị trường. Thậm chí, một bộ phận người tiêu dùng còn không phân biệt nổi sự khác nhau giữa nước khoáng và nước tinh khiết, họ chỉ quan tâm tới giá thành sản phẩm. Điều này rất đáng lo ngại. Với những loại nước chỉ có giá trên 10.000 đồng/bình 20 lít thì làm sao có sự đầu tư về công nghệ, bao bì, nhãn mác...? Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng vừa mất tiền, vừa phải dùng nước không sạch, đóng trong những chiếc bình được thu gom lại trên thị trường, không bảo đảm vệ sinh”.
Phát hiện thêm nhiều mẫu nước nhiễm vi sinh Chiều ngày 16/4, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa có thêm 6 cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình có mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn vi sinh đã bị buộc thu hồi, đình chỉ hoạt động sản xuất. Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã buộc thu hồi sản phẩm cùng lô bị nhiễm (đã đưa hết sản phẩm ra thị trường) và đình chỉ hoạt động sản xuất của DNTN nước tinh khiết Thành Tín (quận 6) với nhãn sản phẩm Uitasan 21 lít (NSX 24/3/2009, HSD 24/3/2010). Công ty TNHH xây dựng Hoa TIDA (phường Đông Hưng Thuận, Q.12) với mẫu nước WATIDA loại 20,5 lít, NSX 31/03/2009- HSD 31/03/2010 cũng bị buộc thu hồi sản phẩm và đình chỉ hoạt động. 102 lít nước uống đóng chai nhãn BIDRICO loại 500ml (NSX 31/3/2009, HSD 30/3/2010) của Công ty TNHHSX TM Tân Minh Quang (KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh) cũng bị niêm phong do bị nhiễm vi sinh. Công ty một thành viên Đại Minh Hoàng (quận 10) cũng bị niêm phong 693 lít nước uống đóng bình nhãn Polo loại 21lít (NSX 30/3/2009, HSD 30/3/2010) bị nhiễm vi sinh. Tuy nhiên, do đã chấn chỉnh và các lô sản xuất sau ngày 30/3 đạt yêu cầu nên cơ sở đã được cho hoạt động trở lại. Mẫu nước nhãn Ultra-V loại 19 lít (NSX 03/4/2009, HSD 04/4/2010) của Công ty TNHH Huỳnh Hương, Công ty TNHH TM DV CN Trường Phát (quận Tân Bình) cũng bị đình chỉ hoạt động và niêm phong 2.646 lít nước uống đóng bình hiệu Aqua Net, loại 21 lít (NSX 30/3/2009, HSD 30/3/2010) và buộc thu hồi sản phẩm cùng lô bị nhiễm. Như vậy, từ ngày 16/2 đến nay, trong số gần 370 cơ sở nước đóng chai, đóng bình trên địa bàn thành phố được kiểm tra (bởi hai đoàn thành phố và quận huyện) đã có 135 cơ sở bị phát hiện vi phạm điều kiện ATVSTP và vi sinh. Trong đó 45 hồ sơ đã được hoàn tất để xử lý, 59 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý. Tổng số tiền phạt các cơ sở lên đến hơn 300 triệu đồng. Tuân Nguyễn |